• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thủy điện Tây Nguyên nỗ lực “giải cơn khát” vùng hạ du

(Chinhphu.vn) - Khi khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, vai trò của các nhà máy thủy điện trong việc điều tiết nguồn nước vừa bảo đảm nhiệm vụ phát điện, vừa tích nước chống hạn cho hạ du là hết sức cấp thiết.

18/03/2016 11:05

Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah vẫn nỗ lực điều tiết nước chống hạn cho hạ du. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Khô hạn kỷ lục trong 60 năm qua

Đây là những tháng cao điểm mùa khô tại các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Tác động của hiện tượng El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến nay đã làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện, nước trên các sông suối và mực nước ngầm cạn kiệt gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Tại tỉnh Đắk Lắk, so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh ở mức rất thấp, lượng dòng chảy thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 50-70%. Các suối nhỏ trên địa bàn các huyện Ea Hleo, Krông Buk, Cư Mgar đã bị cạn kiệt, nhiều nơi không còn dòng chảy. Mực nước ngầm thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 3-6 m. Một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông bị giảm mạnh hoặc không có nước.

Tình trạng khô hạn không chỉ diễn ra ở Đắk Lắk mà còn ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và sự sinh trưởng của hàng chục nghìn ha hoa màu, cà phê của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ông Trương Cúc, một cư dân ở thôn Nam Xuân, xã Năm Dnia, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, lượng nước càng ngày càng ít do tác động của biến đổi khí hậu, thiếu nước nên hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Trước đây nhà ông chỉ khoan giếng tới độ sâu 5 m đã có nước, nay khoan sâu xuống 10 m rồi vẫn chưa thấy nước.

Đối với các nhà máy thủy điện khu vực các tỉnh Tây Nguyên, đây cũng là thời điểm lưu lượng nước về hồ và mực nước tích tại các hồ thủy điện xuống thấp kỷ lục kể từ khi các nhà máy chính thức đi vào vận hành.

Ví dụ như hồ chứa Buôn Tua Srah, Công ty thủy điện Buôn Kuốp (tỉnh Đắk Lắk) thời điểm đầu tháng 3/2016 mực nước tại hồ chỉ đạt 481,440 m, thấp hơn khoảng  6 m so với mực nước dâng bình thường. Dung tích hữu ích còn lại 327,35 triệu m3 trong khi dung tích bình thường của hồ chứa này là 522,6 triệu m3. Lưu lượng nước về hồ tại thời điểm đầu tháng 3 cũng chỉ đạt 18 m3/s.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 11/3, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện khá thấp, tổng lượng nước còn lại là 23,4 tỉ m3 (tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ). Trong đó lượng nước của các hồ khu vực miền Trung-Tây Nguyên thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Đây chính là thách thức không nhỏ của các nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên nói riêng và hệ thống  các nhà máy thủy điện nói chung trong việc vừa bảo đảm nhiệm vụ phát điện vừa tích nước, điều tiết nước cho hạ du chống hạn.

Nỗ lực song hành hai nhiệm vụ

Theo tính toán của Công ty thủy điện Buôn Kuốp, nếu khai thác hồ Buôn Tua Srah với 50 m3/s/ngày theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa, trường hợp lưu lượng nước về 20 m3/s, hồ sẽ duy trì khoảng 4 tháng. Nếu lưu lượng nước về hồ 15 m3/s, hồ sẽ duy trì khoảng 3,5 tháng và nếu lưu lượng nước về hồ 10 m3/s thì hồ sẽ duy trì khoảng 3 tháng.

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết trong các tháng còn lại của mùa kiệt, Công ty bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du các hồ chứa, nhất là hồ chứa Buôn Tua Srah. Đối với hồ chứa Buôn Kuốp và Srêpôk 3 sẽ điều tiết lưu lượng xả về hạ du cân bằng với lưu lượng nước về hồ.

Với tinh thần ưu tiên điều tiết nước chống hạn cho hạ du, Công ty cũng đã kiến nghị và được cấp có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường điện kể từ ngày 8/3/2016 để Công ty chủ động hơn trong công tác đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô 2016.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các trạm bơm thủy lợi trong việc bơm nước tưới tiêu, thủy điện Buôn Kuốp cũng đã chế tạo và lắp đặt hệ thống cảnh báo xa dọc hạ lưu hồ để thông báo thời gian xả nước cho nhân dân trong vùng và các trạm bơm thủy lợi chủ động trong việc lấy nước.

Bên cạnh đó, Công ty cũng thiết lập đường dây nóng tại phòng điều khiển trung tâm để tiếp nhận 24/24 giờ yêu cầu của các địa phương. Thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa, chế độ dự báo thông số cũng được tiến hành 10 ngày/ lần, từ đó hiệu chỉnh lưu lượng xả phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn nước từ các hồ chứa.

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho hay qua quá trình vận hành có thể thấy nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã bảo đảm phục vụ tưới tiêu của người dân dọc sông Srêpôk, nhất là việc tích và điều tiết nước cho hạ du phục vụ chống hạn.

Nhận định lượng nước các hồ dự trữ không đủ để xả về hạ du theo yêu cầu 195 m3/s trong mùa cạn, Công ty Phát triển thủy điện Sê San đã báo cáo UBND tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thiếu nước và đề xuất lưu lượng xả về hạ du để bảo đảm duy trì được dòng chảy đến hết mùa kiệt.

Hiện nay, tất cả các nhà máy thủy điện, trên lưu vực sông Sê San, Srêpôk đang nỗ lực vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình đã được quy định  nhằm tích và điều tiết nước hồ chứa, góp phần “giải cơn khát khô hạn” cho vùng hạ du.

Toàn Thắng