• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tia hy vọng cứu sống bệnh nhân lao kháng thuốc

(Chinhphu.vn) - Thuốc mới và phác đồ điều trị mới cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc và siêu đa kháng thuốc được xem là tia hy vọng sống duy nhất cho hàng nghìn trường hợp không còn khả năng điều trị hiện tại.

25/11/2015 19:56
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung trao đổi về các thuốc và phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc. Ảnh: VGP/Thúy Hà.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết phác đồ mới điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc sẽ rút ngắn thời gian điều trị từ 20-24 tháng hiện nay xuống còn 9 tháng. Đặc biệt, thuốc mới điều trị cho bệnh nhân lao siêu kháng thuốc (thuốc Bedaquiline) sẽ được miễn phí.

Thưa ông, vì sao chúng ta phải triển khai kế hoạch sử dụng thuốc mới và phác đồ mới trong điều trị bệnh lao? Hiệu quả của thuốc mới và phác đồ mới đã được chứng minh như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Nhung: Nước ta đang đứng thứ 11/20 nước trên thế giới có tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao. Ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 5.100 bệnh nhân lao đa kháng thuốc xuất hiện, trong đó có gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Những trường hợp này không có thuốc chữa và nguy cơ tử vong cao, đặc biệt còn là nguồn lây chủng lao siêu kháng thuốc rất nguy hiểm ra cộng đồng.

Chính vì vậy, thuốc mới và phác đồ mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc được xem là tia hy vọng sống duy nhất cho những trường hợp không còn khả năng điều trị hiện tại.

Thuốc mới điều trị lao đa kháng thuốc là Bedaquiline của Mỹ. Đây là thuốc chống lao mới nhất được giới thiệu ra thị trường sau gần 40 năm và được xem như một loại thuốc mới đầu tiên giúp điều trị hiệu quả lao đa kháng thuốc.

Bedaquline đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha IIb, và những kết quả ban đầu cho thấy, thuốc đã chứng minh được hiệu quả điều trị cao hơn khi so sánh với liệu pháp điều trị lao kháng thuốc chuẩn hiện nay.

Hiện, có khoảng 30.000 người mắc lao đa kháng thuốc trên toàn cầu đang được điều trị bằng thuốc này.

Còn với phác đồ mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị của bệnh nhân sẽ rút ngắn, từ 20-24 tháng xuống còn 9 tháng mà vẫn có hiệu quả và ít độc tính.

Để triển khai phác đồ này, chúng ta phải tuân thủ theo phác đồ của WHO - là cơ quan cung cấp các bằng chứng cũng như hướng dẫn của các quốc gia khác.

Phác đồ mới đã được sử dụng tại nhiều quốc gia và đã thu được những kết quả điều trị vượt trội so với các phác đồ hiện tại. Các thuốc được lựa chọn trong phác đồ cũng không có nhiều báo cáo về phản ứng bất lợi quá trầm trọng do các loại thuốc này gây ra.

Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam cũng đã có các bằng chứng khoa học và kỳ vọng sự thành công khi triển khai phác đồ điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc 9 tháng này ở Việt Nam sẽ cao hơn so với phác đồ chuẩn hiện đang sử dụng từ 85% trở lên.

Thưa ông, những đối tượng nào sẽ được sử dụng thuốc mới và phác đồ mới trong điều trị bệnh lao?

Ông Nguyễn Viết Nhung: Trường hợp dùng thuốc mới (Bedaquiline) sẽ áp dụng cho bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc mà hiện nay không có thuốc điều trị và những bệnh nhân đa kháng thuốc, nhưng không dung nạp khi sử dụng các thuốc hiện có.

Các trường hợp lao đa kháng thuốc, nhưng kháng với nhiều loại thuốc trong phác đồ hiện nay cũng nằm trong đối tượng phải sử dụng thuốc mới, hoặc có trường hợp chỉ cần kháng một trong hai loại thuốc cũng có nguy cơ không điều trị được và phải sử dụng thuốc mới.

Thăm khám và điều trị cho bệnh nhân lao. Ảnh: VGP/Thúy Hà.

Phác đồ mới sẽ điều trị cho tất cả những bệnh nhân lao kháng thuốc. Phác đồ này sẽ giúp giảm tỉ lệ bệnh nhân bỏ điều trị, tăng tỉ lệ điều trị thành công, từ đó góp phần loại trừ nguồn lây và khả năng phát tán của vi khuẩn lao kháng thuốc.

Kế hoạch triển khai thuốc mới và phác đồ điều trị mới cho bệnh nhân lao như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Nhung: Với phác đồ điều trị 9 tháng, chúng ta đã thí điểm áp dụng cho 100 bệnh nhân đầu tiên. Kết quả bước đầu, trên 80% bệnh nhân dung nạp tốt, các tác dụng phụ hoặc tác dụng không mong muốn đều có thể kiểm soát được. Thời gian tới, chúng ta có thể mở rộng toàn bộ phác đồ 9 tháng thay cho phác đồ cũ.

Theo ông Nguyễn Viết Nhung, nếu có triệu chứng ho, sốt kéo dài, điều trị kháng sinh thông thường không đỡ thì người dân nên đi xét nghiệm bệnh lao. Bệnh lao nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm, đúng phác đồ thì sẽ giảm tỉ lệ kháng thuốc.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn việc chi trả BHYT cho những người nghi lao khi đi xét nghiệm, khám… và những dịch vụ chống lao chuẩn.

Đặc biệt, nước ta nằm trong danh sách các quốc gia được miễn phí thuốc Bedaquiline trong điều trị bệnh lao. Đây là cơ hội điều trị cho những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc.

Thuốc mới chúng ta được miễn phí, còn chi phí cho phác đồ điều trị mới thì như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Nhung: Phác đồ mới không tốn kém bằng phác đồ cũ, thậm chí chi phí rẻ hơn. Ví dụ, với chi phí của phác đồ 9 tháng thì số lượng thuốc mua sẽ ít hơn phác đồ cũ (20-24 tháng), một số thuốc mới trong phác đồ này cũng có giá thành rẻ hơn phác đồ hiện tại.

Và, quan trọng nhất chính là số ngày điều trị ít hơn rất nhiều; người bệnh có khả năng phục hồi tốt hơn, từ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian và các chi phí gián tiếp kèm theo.

Bên cạnh đó, còn giảm gánh nặng cho hệ thống y tế trong việc quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc; đồng thời giúp người nhà bệnh nhân và xã hội giảm được thời gian, kinh tế và công sức trong giai đoạn chăm sóc bệnh nhân điều trị.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hà (thực hiện)