Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Buổi lễ diễn ra vào sáng 5/8 tại Hà Nội với sự tham dự của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và đông đảo cán bộ ngành dự trữ Nhà nước (DTNN).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng, đánh giá cao những thành tựu mà ngành đã đạt được trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước.
“Tích cốc phòng cơ” để phát triển nhanh, bền vững hơn
Cách đây tròn 60 năm, ngày 7/8/1956, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị quyết số 997 thành lập Cục Quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước, trực thuộc Phủ Thủ tướng và ngày 7/8 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là “Ngày Truyền thống của ngành DTNN”.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ngành DTNN.
Phát biểu chúc mừng ngày truyền thống của ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bất kỳ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, ngành DTNN cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, được nhân dân tin yêu”.
Tới cuối năm 2015, tổng nguồn lực DTNN đã tăng 3 lần so với năm 2008, đạt mức 0,5% GDP. Ngành DTNN đã luôn chủ động, xuất cấp kịp thời nhiều mặt hàng dự trữ quốc gia (DTQG), khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu đói, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Hệ thống cơ sở vật chất, kho tàng đã và đang được tích cực củng cố, sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chất lượng... được chú trọng, bảo đảm quản lý chất lượng hàng DTQG, góp phần cải thiện điều kiện lao động, điều kiện môi trường, giảm chi phí bảo quản, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước dành cho DTQG.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đất nước đang có nhiều cơ hội và thuận lợi lớn nhưng cũng có nhiều khó khăn và thách thức trước tình hình kinh tế, chính trị của thế giới, khu vực có nhiều diễn biến khó lường; căng thẳng ở Biển Đông; thiên tai, biến đổi khí hậu nhanh hơn dự báo đã và đang tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân... Do đó, để phát triển nhanh hơn và bền vững hơn theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng đề nghị càng phải “tích cốc phòng cơ” để dành cho lúc khó khăn, thực hiện nhiệm vụ xây dựng được một lực lượng dự trữ hàng hóa để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra như Nghị quyết của Quốc hội khóa I (tháng 9/1955) xác định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của ngành DTNN. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Quản lý an toàn về số lượng và chất lượng hàng dự trữ
Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của ngành, lãnh đạo Chính phủ đề nghị ngành DTNN nghiên cứu, rà soát thể chế, cơ chế chính sách về DTNN, bổ sung, sửa đổi danh mục mặt hàng DTQG cho phù hợp với nhu cầu sử dụng; chủ động dự báo, nắm bắt những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế để đổi mới tư duy hoạt động DTNN; từng bước nâng cao quy mô DTNN theo mục tiêu chiến lược đến năm 2020 đạt trên 1% GDP.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành DTNN quản lý an toàn về số lượng và chất lượng hàng DTQG thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để lựa chọn công nghệ bảo quản tiên tiến, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Chủ động nghiên cứu và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả hàng DTQG cho các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngành luôn chủ động nguồn lực DTQG trong tư thế sẵn sàng, nắm chắc số lượng và chất lượng hàng DTQG tồn kho, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm kịp thời trong mọi tình huống xuất cấp hàng DTQG phục vụ nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng an ninh; góp phần ổn định thị trường, an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao.
Ngành DTNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm toán nội bộ, giám sát công tác quản lý hoạt động DTQG; rà soát chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục DTNN theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành cần bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng Đảng bộ, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo ông Phạm Phan Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN, trải qua 60 năm, ngành DTNN đã không ngừng phát triển, hoàn thiện bộ máy để thích ứng với từng giai đoạn cách mạng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đến nay, Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính đã được tổ chức khá hoàn chỉnh và hợp lý theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý là Tổng cục, Cục DTNN khu vực và Chi cục DTNN. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, NN&PTNT, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải... cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý và bảo quản hàng DTQG đặc chủng và theo chuyên ngành. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về DTQG không ngừng được hoàn thiện với dấu mốc rất quan trọng là Luật DTQG được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 20/11/2012.
Thành Chung