Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2015 đến nay thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chế biến xuất khẩu chanh dây được mở rộng, tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích giai đoạn 2015-2022 đạt 31,1%/năm (tương ứng 1.000 ha/năm).
Chanh dây hiện có diện tích trồng lên tới 9.500ha với sản lượng đạt 188.900 tấn, nằm trong nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100.000 tấn mỗi năm của Việt Nam.
Chanh dây (chanh leo) thuộc chi Passiflora edulis, họ lạc tiên, là loại trái cây giàu dinh dưỡng, giàu chất chống oxy hóa, chất khoáng, vitamin và chất xơ. Cây chanh dây lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Trước năm 2015 chanh dây chủ yếu tập trung phát triển tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông.
So với một số nước sản xuất chanh dây lớn trên thế giới, Việt Nam có thể sản xuất chanh quanh năm. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh dây cả nước.
Tây Nguyên có khoảng 8.200 ha chanh dây năm 2022. Trong đó Gia Lai hiện là tỉnh có diện tích chanh dây lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn năm 2022 (hiện cũng đang là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh dây lớn nhất cả nước); tiếp đến gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Trung du miền núi phía Bắc là vùng chanh dây lớn thứ 2 với hơn 1.000ha (hơn 11%), chủ yếu tập trung tại tỉnh Sơn La (Cục Trồng trọt, 2023). Giống chanh dây chủ yếu hiện nay là giống quả tím Đài nông 1 (LPH04), chiếm hơn 95% diện tích trồng.
Việt Nam đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới, nằm trong top 10 nước cung ứng, sau các quốc gia như Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Từ tháng 7 năm 2022, chanh dây Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng sản xuất. Cùng năm đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây chanh dây.
Như vậy, ngành hàng chanh dây không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế thông qua việc xuất khẩu, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững, việc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp và ứng phó với các dịch hại trên chanh dây cần được chú trọng và đầu tư hơn nữa.
Những năm gần đây, do nhu cầu cao của thị trường nước ngoài đối với trái cây tươi nguyên quả và các sản phẩm nước uống chế biến sẵn, chanh dây Việt Nam có triển vọng xuất khẩu cao với 80% sản lượng dành cho thị trường quốc tế với kim ngạch tăng trưởng ổn định.
Sản xuất chanh dây của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như hạn chế về kỹ thuật canh tác. Bên cạnh đó là sự biến động của thị trường do cung vượt cầu và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật trực (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, một số địa phương như Gia Lai, Nghệ An, Đắk Lắk đã quan tâm công tác bình tuyển, công nhận vườn cây đầu dòng chanh dây.
Tại tỉnh Gia Lai, Sở NN&PTNT đã công nhận 14 vườn chanh dây đầu dòng. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành hệ thống sản xuất giống chanh dây 3 cấp trong nhà lưới tiên tiến, sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống/năm.
Mặc dù vậy, bệnh virus vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất chanh dây bền vững. Đặc biệt, virus gây bệnh cứng trái đã gây thiệt hại lớn nhất đối với sản xuất chanh dây tại Việt Nam.
Để quản lý bệnh virus, TS Ngọc cho rằng, cần phải sử dụng cây giống được sản xuất trong nhà lưới 3 cấp. Trong đó, cây mẹ phải được kiểm tra bệnh virus hàng năm. Trong quá trình canh tác, cần thu dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật, đồng thời nhổ bỏ các cây là ký chủ của virus và môi giới truyền bệnh như nhãn lồng, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, su su, cà tím, ớt… trên khu vực dự định trồng chanh leo. Xử lý mối, tuyến trùng và các sâu hại dưới đất bằng các thuốc bảo vệ thực vật trước khi trồng.
"Trồng mới bằng cây giống sạch bệnh làm giảm thiệt hại bệnh virus gây ra trên cây chanh leo. Đồng thời áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp để chống tái nhiễm bệnh virus, giảm nguồn bệnh bằng vệ sinh đồng ruộng, điều tra loại bỏ sớm cây bị nhiễm bệnh, quản lý môi giới truyền bệnh từ khi mới trồng. Quản lý các sâu bệnh hại khác, đồng thời quản lý vườn cây bằng các giải pháp quản lý đất, nước tưới, phân bón", TS Ngọc chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, diện tích chanh dây có sự biến động liên tục do tác động của thị trường và dịch bệnh. Vào thời điểm thịnh vượng nhất (2017 - 2020), diện tích chanh dây của Việt Nam đã lên tới 8 nghìn ha và dự kiến mở rộng lên 12 nghìn ha vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay diện tích không tăng mà còn có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh và yếu tố thị trường. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị được xác định là khâu then chốt.
Đỗ Hương