Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Số liệu đánh giá của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững ( Bộ Công Thương) cho thấy một thực tế, dịch COVID-19 đã khiến việc triển khai chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một số tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng như TPHCM, Bình Dương…
Kết quả khảo sát, đánh giá về tính tuân thủ của các doanh nghiệp với việc kiểm toán năng lượng trong năm 2021 cho thấy, việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng chỉ ở mức 30-40%, đây là mức thấp, chưa cao.
Cụ thể, cả năm 2021 mới kiểm toán năng lượng được 91 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; xây dựng mô hình quản lý năng lượng được 17 cơ sở; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho 11 cơ sở; 12 toà nhà được đánh giá hiệu quả năng lượng.
Một nguyên nhân của những bất cập này là do các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và triển khai sử dụng nguồn ngân sách Trung ương cho Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn nhiều hạn chế, nguồn kinh phí đầu tư còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng về TKNL.
Trong khi thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta là rất lớn. Hiện nay, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có 2.961 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.
Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 2.700 tỷ đồng.
Dẫn ra số liệu tại 27 tỉnh phía bắc, đại diện EVN cho biết tại khu vực này có 978 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. So với 2.961 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc thì 978 doanh nghiệp này đã sử dụng khoảng 17% lượng điện toàn quốc. Qua đó có thể thấy rằng vai trò của các doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm rất quan trọng trong việc TKNL.
"Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế", ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.
Toàn Thắng