• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tiền Giang: Cù lao du lịch Thới Sơn trước nguy cơ “biến mất”

Cù lao Thới Sơn. Ảnh: Nguồn Internet

25/04/2011 15:02
Cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho) hay còn gọi cồn Lân nằm trong hệ thống bốn cù lao mệnh danh “Tứ Linh”: Long, Lân, Qui, Phụng được ví như những viên ngọc quí của sông Tiền. Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, án ngữ phía nam căn cứ Đồng Tâm của sư đoàn 9 Mỹ nên cù lao Thới Sơn có nhiều cơ hội lập công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước. Nổi bật là sự kiện đặc công thủy xuất phát từ cù lao Thới Sơn, bằng mưu trí và lòng quả cảm đánh đắm chiếc tàu xáng Jamaika B lớn nhất Đông Nam Á khi nó đang làm nhiệm vụ khai thác cát sông Tiền xây dựng căn cứ Đồng Tâm. Với những thành tích xuất sắc và những hy sinh xương máu của quân dân nơi đây, địa phương vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
* Du lịch Thới Sơn – Thời kỳ hoàng kim
Trong giai đoạn đổi mới đất nước, Thới Sơn trở thành trung tâm của các tour du lịch sinh thái Mekông nổi tiếng, được du khách trong ngoài nước hết sức thích thú bởi tính hấp dẫn và độc đáo có một không hai của nó. Đến Thới Sơn bằng tàu du lịch, ngồi trên những chiếc xuồng ba lá len lỏi theo những con rạch nhỏ chi chít như mạng nhện; giữa hai bên bờ là vườn cây ăn trái sum suê, những bờ dừa nước, những rặng “bần gie, con đóm đậu” rồi nghe đờn ca tài tử, được sống và sinh hoạt trong không khí ấm cúng đầy bản sắc văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long cùng bà con Nam Bộ thật thà, dễ mến và hiếu khách ai chẳng bâng khuâng hẹn ước “ngày này, sang năm, đến hẹn lại lên”.
Ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết, hoạt động du lịch tại đây được Công ty Du lịch Tiền Giang đặt nền móng từ năm 1987, cách đây ngót 24 năm. Công ty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu du lịch Thới Sơn 1 làm điểm đưa đón, phục vụ du khách trong ngoài nước. Công ty còn xây dựng mạng lưới các điểm du lịch vệ tinh trong dân theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đó đơn vị hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định để chủ nhà sửa sang vườn tược, xây dựng nơi đón khách, làm hệ thống vệ sinh... Phần chủ nhà tổ chức kinh doanh du lịch theo hướng dẫn của Công ty lấy nhà – vườn làm tâm điểm, bên cạnh đó phát huy một số ngành nghề truyền thống địa phương: lò bánh kẹo, nghề nuôi ong mật hoặc khôi phục sinh hoạt đờn ca tài tử hấp dẫn du khách. Dưới sông thì tổ chức các đội đò chèo phục vụ du lịch...
Mô hình mới, phù hợp, đáp ứng được nhu cầu du khách nên cù lao Thới Sơn nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn, là “viên ngọc xanh” của ngành công nghiệp không khói tỉnh nhà, được các công ty du lịch lữ hành trong ngoài tỉnh đua nhau khai thác, góp phần giải quyết việc làm, thu hút lao động, tạo thu nhập ổn định cho bà con nghèo vùng căn cứ kháng chiến từng chịu đựng hậu quả nặng nề của bom đạn quân thù trong suốt hơn 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước.
Ông Dũng cũng cho biết, thời hoàng kim (những năm 1997 – 2005), hoạt động du lịch sinh thái thu hút 1.600 – 2000 lao động, trong đó riêng 250 chiếc đò chèo giải quyết việc làm cho không dưới 500 lao động. Hầu hết các hộ nghèo, hộ chính sách trong xã nhờ làm dịch vụ du lịch mà có thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo kéo giảm xuống còn 4%. Địa phương đang hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 2,5% vào năm 2015. Theo ghi nhận của địa phương, toàn xã hiện có 14 điểm tham quan, 20 quầy bán hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách.
* Những trăn trở trên đường phát triển
Theo ông Huỳnh Thanh Hữu, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Tiền Giang, trong năm qua, toàn tỉnh đón trên 960.000 lượt du khách với doanh thu trên 211 tỉ đồng. Năm 2011, Tiền Giang phấn đấu đón trên 1,047 triệu lượt du khách với doanh thu trên 236 tỉ đồng. Điều đáng nói là phần lớn du khách về Tiền Giang đều có chung một điểm đến: cù lao Thới Sơn. Điều đó, cho thấy sức hấp dẫn của các tuyến Mekông tour nói chung và du lịch Thới Sơn nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế là vài năm gần đây, khi Công ty Du lịch Tiền Giang được cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang thì hoạt động du lịch tại cù lao Thới Sơn chững lại, thiếu phần khởi sắc và kém hấp dẫn hẳn do nhiều nguyên nhân: thiếu người cầm chịch, cơ sở hạ tầng xuống cấp, tự phát...
Trong những ngày tháng Tư năm nay tiến tới kỷ niệm 36 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng và Quốc tế Lao động 1/5, về thăm xứ cồn Thới Sơn, chúng tôi chứng kiến một không khí khác hẳn trước đây. Ngày trước, khu du lịch Thới Sơn 1 và những vệ tinh xung quanh như nhà ông Tư Đàng – một điểm du lịch sinh thái hết sức hấp dẫn vốn tấp nập, nhộn nhịp du khách nay buồn tẻ, thưa thớt nếu chưa muốn nói “vắng như chùa Bà Đanh”. Tại điểm nhà ông Tư Đàng, đội ngũ chèo đò vắng vẻ.
Ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch xã Thới Sơn cho biết, thu nhập từ nghề chèo đò du lịch gần đây thấp hẳn, không đủ sống, nhiều người phải đi làm thuê làm mướn nơi xa. Còn khu du lịch Thới Sơn 1 của Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang đang trong giai đoạn đầu tư mới nên bề bộn và ít đơn vị lữ hành chịu đưa khách về tham quan nếu không có nhu cầu. Mà nếu đưa khách về cũng chưa có gì để xem cả (!).
Thay vào đó, hoạt động du lịch đang dồn về phía đông, phía đầu cồn với những điểm du lịch nhà vườn liên kết với một số doanh nghiệp lữ hành như: Việt Phong, Việt Nhật, Chương Dương...Thế nhưng, điều mà du khách dễ nhận thấy là sản phẩm du lịch đơn điệu. Trước sau, chỉ loanh quanh thưởng thức trái cây, uống rượu mật ong, nghe quảng bá các lợi ích của sản phẩm từ con ong mật, nghe đờn ca tài tử, mua hàng lưu niệm từ nguyên liệu dừa...rồi ăn trưa và về. Chưa kể, cù lao Thới Sơn năm 2011 hoàn toàn khác với năm 1987, thời điểm Công ty Du lịch Tiền Giang đầu tư xây dựng khu du lịch Thới Sơn 1 và khai trương các tour du lịch sinh thái miệt vườn.
Thời đó, môi trường sinh thái tại đây còn nguyên dáng vẻ đặc trưng sông nước Nam bộ với nhà cổ, vườn xưa, những con rạch nhỏ nên thơ uốn lượn, với trăng soi đáy nước và bần, dừa nước lao xao theo từng ngọn gió chướng thổi về làm say lòng người. Ngày nay, cũng cù lao Thới Sơn đó nhưng đã có cầu Rạch Miễu bắc ngang rồi tác động của đô thị hóa, của cơn sốt đất đai, của vòng vây công nghiệp hóa – hiện đại hóa, của ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp Mỹ Tho và cụm công nghiệp Trung An ngay kề bên kia – bờ bắc sông Tiền. Chạy xe bon bon trên con đường mới trải nhựa phẳng phiu xuyên cù lao Thới Sơn từ đầu phía đông đến đuôi ở phía tây, người ta dễ nhận ra những vườn cây ăn quả xơ xác, khẳng khiu đìu hiu trong ánh nắng chói chang mùa hạ bởi ít được chăm sóc, những khu đất được bơm cát nhìn đến nhức mắt xung quanh bao bọc bởi hàng rào kẽm gai hoặc trụ bê tông kèm theo tấm biển bán đất rồi những ngôi nhà kiến trúc tân kỳ mọc lên không theo một quy hoạch nào...
Tất cả những hiện tượng trên đang trở thành mối đe dọa phá vỡ sự bền vững trong chiến lược phát triển du lịch tại cù lao Thới Sơn – một viên ngọc xanh giữa bốn bề sông nước Cửu Long. Nguy cơ một cù lao du lịch Thới Sơn không lâu nữa “biến mất” là thực tế nếu ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương không có giải pháp khắc phục, cứu vãn khẩn cấp và khả thi.
Minh Trí