Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của Việt Nam trong từng thời kỳ, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế, nhu cầu thu ngân sách của từng thời kỳ phát triển của đất nước, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng: Tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 05 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó.
Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, dự thảo Luật quy định theo hướng rõ ràng về nội hàm các phương pháp định giá đất trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật đất đai, trong đó quy định cụ thể tại dự thảo Luật các phương pháp định giá đất bao gồm: so sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh.
Đồng thời, quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất. Phương án được thể hiện tại dự thảo Luật là phương án Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 710/BC-CP. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để áp dụng trong thực tế bảo đảm tính khả thi.
Đối với hoạt động lấn biển, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai. Giao Chính phủ quy định cụ thể về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các nội dung cụ thể khác nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật khác có liên quan như Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 710/BC-CP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự thảo Luật quy định về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bao gồm: Đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân;doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quản lý, bao gồm cả "doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn"do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao quản lý được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt do mình tạo lập.
Để bảo đảm chặt chẽ khi mở rộng quyền này so với Nghị quyết số 132/2020/QH14, dự thảo Luật quy định: trường hợp mua, bán tài sản gắn liền với đất, xử lý tài sản thế chấp, tài sản góp vốn thì chỉ được thực hiện trong nội bộ giữa các đối tượng sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy định của Luật này theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, tuân thủ đúng các nguyên tắc được được xác định theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 59-KL/TW và 90-KL/TW, trong đó, lưu ý quy định rõ tại các văn bản pháp lý với bên thứ ba về các điều kiện xử lý tài sản thế chấp, góp vốn phù hợp với quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này cũng chỉnh lý theo hướng bỏ quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước như định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Lê Sơn