Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước thực trạng trên, huyện Tiên Yên đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học. Mặc dù, tình trạng phá rừng đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng diện tích rừng vẫn tiếp tục giảm, thiếu ổn định. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mất rừng là thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương. Không ít người thờ ơ với hoạt động xâm hại rừng, thậm chí còn trực tiếp tham gia vào hoạt động khai thác gỗ.
Ông Hà Văn Lý, Phó Ban quản lý rừng cộng đồng 2 thôn Cái Mắt, Mũi Chùa, xã Tiên Lãng (Tiên Yên) cho biết: Công tác quản lý rừng không thể hiệu quả nếu chỉ đơn thuần dựa vào Nhà nước mà phải khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Vấn đề là làm thế nào để lôi cuốn được cộng đồng tham gia vào quản lý bảo vệ rừng, cần có những giải pháp gì về kinh tế - xã hội, về khoa học công nghệ để xã hội hóa công tác này. Đây là vấn đề băn khoăn trăn trở không chỉ của những người trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng mà của cả các cấp chính quyền địa phương. Từ cuối năm 2004 đến nay, mô hình quản lý rừng cộng đồng thuộc Dự án trồng rừng Việt - Đức do Chính phủ Đức tài trợ được triển khai ở 2 thôn Cái Mắt, Mũi Chùa thuộc xã Tiên Lãng với tổng diện tích gần 1.000 ha. Sau 6 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã thực sự đem lại hiệu quả, những cánh rừng ở 2 thôn dường như được hồi sinh nhờ ý thức tích cực trong công tác bảo vệ rừng của người dân. Thông qua mô hình quản lý rừng cộng đồng, quyền lợi của người dân đã được đảm bảo, do đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Các hộ tham gia mô hình đã tự xây dựng các quy định, hương ước trong việc quản lý bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của các chủ rừng với việc hoàn thành kế hoạch. Vì thế, rừng được quản lý một cách nghiêm ngặt, bắt đầu được phục hồi và phát triển tốt.
Nhiều chuyên gia nước ngoài đến tham quan mô hình quản lý rừng bền vững tại thôn Cái Mắt, Tiên Lãng (Tiên Yên).
Đồng chí Lý Văn Diểng, Phó Giám đốc Dự án rừng Việt - Đức, huyện Tiên Yên khẳng định: Ngay từ khi mô hình được phê duyệt, bộ máy Ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng 2 thôn được hình thành thông qua sự tín nhiệm bầu của tất cả các hộ dân trong thôn. BQL rừng thôn được xác định là bộ máy nòng cốt để tuyên truyền vận động và tổ chức các hộ nông dân tham gia vào công tác quản lý rừng trong thôn. Kinh phí hoạt động của BQL thôn sẽ do các hộ nông dân tham gia mô hình tự nguyện đóng góp với số tiền bình quân là 50.000 đồng/ năm/ha. Với số tiền quyên góp được, BQL thôn chi trả phụ cấp cho những thành viên BQL và thuê quản lý bảo vệ các mô hình trồng rừng... Ngoài ra, mỗi hộ khi thu hoạch rừng sẽ tự nguyện đóng góp 1 phần kinh phí trong tổng lợi nhuận để hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển kinh tế thông qua BQL dự án thôn.
Đến thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng - một trong các thôn được dự án tài trợ quản lý rừng tự nhiên theo hướng cộng đồng. Với những người dân ở đây, trước năm 1990, nói đến chuyện trồng cây gây rừng là chuyện xa lạ, cuộc sống của họ là hằng ngày vào rừng khai thác gỗ, vì thế rừng ngày một cạn kiệt. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, bà con cũng không dám nhận. Rồi sau khi dự án quản lý bền vững rừng tự nhiên được triển khai tại thôn, người dân được cung cấp những kiến thức về vai trò, ý nghĩa của rừng tự nhiên; kỹ thuật trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng, thông qua các lớp tập huấn, từ đó nhận thức của nông dân dần dần được nâng lên. Vì vậy mô hình này đã thu hút 100% số hộ nông dân tham gia vào quản lý và phục hồi rừng.
Hiện nay, các hộ trong thôn đã có thu nhập ổn định từ việc tận thu lâm sản phụ như: Tre, dóc, mây, song.. nhiều hộ cũng đã thoát khỏi cảnh nghèo. Thấy được những lợi ích mà rừng đem lại, không chỉ có người dân của 2 thôn Cái Mắt, Mũi Chùa mà đến nay mô hình quản lý bền vững rừng tự nhiên đã được triển khai tại ở các thôn, bản của 5 xã trên địa bàn huyện. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm, không còn ai trong số họ đi phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ bừa bãi như trước kia...
Cái được lớn nhất của dự án là giúp cho nhân dân nhận thức được lợi ích mang lại từ rừng, đồng thời tạo ra cảnh quan môi trường, khu du lịch sinh thái... Sự thành công của mô hình đã mở ra một hướng đi, một cách làm mới để có thể nhân rộng ở các thôn xã trong toàn huyện. Đó cũng chính là yếu tố mang tính quyết định để rừng ở Tiên Yên có thể phát triển bền vững và phát huy hiệu quả trong tương lai./.