Nghiên cứu lịch sử dân tộc, cụ Phan Bội Châu nhận định, nước ta đã trải qua hai thời kỳ trung hưng:
Ngô Quyền chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 438, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc được tôn vinh là vị tổ trung hưng lần thứ nhất.
Lê Lợi sau 10 năm kháng chiến gian khổ đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, phục hồi nền độc lập, mở ra một cuộc hưng thịnh mới cho nền tự chủ Đại Việt là vị tổ trung hưng lần thứ hai.
Sau cụ Phan, nhiều nhà sử học nước ta cho rằng, Cách mạng tháng 8/1945, Dân tộc và Dân chủ gắn liền với Hồ Chí Minh là trung hưng lần thứ ba.
Cũng như "Nam quốc sơn hà" và "Bình ngô đại cáo", Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 mở đầu một thời kỳ hưng thịnh mới của lịch sử dân tộc nhưng Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định chủ quyền dân tộc mà còn là bản Tuyên ngôn về nhân quyền, về quyền sống của con người theo quan điểm của người Việt Nam. Quan điểm đó là: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Nếu nói nhân quyền theo quan điểm thông thường thì những ý này thực ra không phải là mới vì đã có trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 nhưng đọc kỹ và suy ngẫm mới thấy cái mới về khái niệm nhân quyền và chủ quyền trong Tuyên ngôn Độc lập của nước ta.
Điểm lại cuộc sống cơ cực của dân ta dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp mà ở đó quyền con người bị chà đạp, Tuyên ngôn Độc lập viết: "Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào, xây nhà tù nhiều hơn trường học, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy khiến cho dân ta nghèo nàn xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý làm cho dân ta trở nên bần cùng, chúng không cho các nhà tư bản ngóc đầu lên, chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. Năm 1940 chúng quỳ gối đầu hàng mở cửa nước ta cho Nhật khiến nhân dân ta chịu hai tầng xiềng xích dẫn đến hai triệu đồng bào ta bị chết đói".
Quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa, toàn dân Việt Nam triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vùng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và làm lễ ra mắt quốc dân và quốc tế tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2-9-1945. Trong giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy đã vang lên tiếng nói của vị lãnh tụ kính yêu: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được Tự do, dân tộc đó phải được Độc lập. Vì những lẽ trên chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do Độc lập và sự thật đã thành một nước Tự do Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền Tự do Độc lập ấy" và "tiếng cha già xen lẫn tiếng hoan hô" (Ba Đình nắng- Bùi Công Kỳ).
Toàn bộ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khẳng định một quan điểm lớn của Đảng ta, Nhà nước ta về nhân quyền ngay từ ngày đầu thành lập nước. Quan điểm đó là không có độc lập tự do thì không có nhân quyền thực sự. Muốn giải phóng con người thì trước hết phải giải phóng đất nước ra khỏi ách thống trị của ngoại bang. Hạnh phúc của con người là do chính bàn tay con người tạo ra nhưng không có độc lập và chủ quyền dân tộc, không có quyền định đoạt lấy số phận của mình thì không thể nào có hạnh phúc thật sự. Do đó, có thể khẳng định rằng, ở thời đại ngày nay, dành quyền độc lập và chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm nhân quyền. Thuế thân dưới thời Pháp thuộc là một loại thuế dã man nhất, vô lý nhất, mất nhân quyền nhất vì nó đánh thẳng vào quyền làm người của con người. Biết bao nhiều người nghèo khổ nhất là nông dân đã điêu đứng tù đầy vì cái thứ thuế này nhưng cũng không có cách nào thoát ra được. Chỉ 5 ngày sau khi Tuyên bố Độc lập, ngày 7-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân mặc dù thứ thuế này chiếm đến 60% tổng số thuế trực thu trong lúc ngân quỹ của Chính phủ lâm thời lúc đó chỉ còn không quá một triệu đồng tiền Đông dương. Điều đó nói lên hai ý nghĩa: Một là, không có chính quyền trong tay thì không xóa bỏ được bất công; hai là chỉ có một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một Nhà nước thực sự tôn trọng nhân quyền mới biết đặt quyền con người lên trên lợi ích kinh tế trước mắt. Gắn nhân quyền với độc lập tự do và chủ quyền dân tộc là một bước phát triển mới, một đóng góp quan trọng của dân tộc ta đối với lý luận về nhân quyền của nhân loại.
* *
*
Thời còn Bác, Quốc hiệu của nước ta là Việt Nam dân chủ cộng hòa - Độc lập Tự do Hạnh phúc. Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam dân chủ cộng hòa đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng độc lập tự do hạnh phúc thì vẫn giữ nguyên. Điều đó có nghĩa là cuộc trường chinh đến tương lai của dân tộc ta mới đi được những đoạn đường đầu tiên. Giành độc lập là điều kiện tiên quyết nhưng có độc lập rồi thì phải được tự do phát huy mọi tài năng vì sự phát triển của bản thân, của cộng đồng và của đất nước, tức là phải được sống trong một xã hội thật sự dân chủ, công bằng, văn minh và phải được sống hạnh phúc "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Bác dạy dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập, không có gì quý hơn độc lập, tự do nhưng Người cũng nói: "Nước được độc lập mà dân không được sung sướng thì độc lập còn có ý nghĩa gì?". Thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau phải giải mã bằng được câu hỏi này của Bác.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ "Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" không chỉ là mục tiêu mà còn thể hiện bản chất của chế độ ta. Trong quá trình tiếp tục đổi mới để đi lên, khó khăn còn nhiều, sự phân hóa giàu nghèo là điều khó tránh khỏi, nhưng nó hoàn toàn không thể làm sai lệch bản chất tốt đẹp của chế độ ta và cũng chỉ là hiện tượng nhất thời tuy là một sự nhất thời không ngắn. Những khó khăn trở ngại mà ta đã và sẽ còn phải đương đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh là to lớn, mặc dù cố gắng cũng không thể một sớm một chiều mà khắc phục được. Nhưng "chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi" bởi bên ta luôn có hình ảnh Bác thân thương từ trên cao vẫy gọi.
Trần Thiên Nhiên