Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-9/11/2017- Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (VGP/Quang Hiếu) |
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/8/1973. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào tháng 11/2017, hai bên ra Tuyên bố chung về việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện đã đề ra các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ.
Thời gian qua, quan hệ hai nước có những bước phát triển tích cực về chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân…
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 5 tỷ USD. Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá hơn 4 tỷ USD.
Về hỗ trợ phát triển (ODA), gần đây, Canada đã công bố khoản ODA trị giá 12,9 triệu CAD cho dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam; viện trợ 15,2 triệu CAD cho 2 dự án an toàn thực phẩm - SAFEGRO dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hợp tác giáo dục đào tạo là một điểm sáng trong quan hệ hai nước khi mà số du học sinh Việt Nam tại Canada tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada (trên 7.000 trong tổng số 12.000).
Giáo dục đào tạo đang là một trong những lĩnh vực có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Số du học sinh Việt Nam sang Canada học tập đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada với 12.000 học sinh.
Quan hệ an ninh quốc phòng được duy trì thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế như ARF, Shangri-La; trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về huấn luyện đào tạo tiếng Anh, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, phòng chống tội phạm và nhập cư.
Hai bên thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các địa phương tương đồng của hai nước như Hà Tĩnh với Langley (tỉnh bang British Columbia), thành phố Hồ Chí Minh với Toronto (tỉnh bang Ontario), Đà Nẵng với Vancouver... Phía Canada đã triển khai một số dự án ODA tại một số địa phương như dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh; dự án đào tạo dạy nghề cho người lao động cho tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long…
Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên tích cực phối hợp trong nhiều lĩnh vực: Giải trừ quân bị, an ninh khu vực, thương mại quốc tế, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada. Vị thế của cộng đồng người Việt trong xã hội Canada ngày càng tăng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế-xã hội. Đây được xem là cây cầu nối, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước .
Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Theo lời mời của Thủ tướng Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Hội nghị này có chủ đề về các đại dương, sẽ tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề chính gồm xây dựng khả năng chống chịu, tính ứng phó của các cộng đồng ven biển; hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương (chống đánh bắt cá trái phép, bảo tồn tài nguyên biển, chia sẻ dữ liệu…); thúc đẩy các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở các đại dương.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức vào ngày 9/6/2018 tại Charlevoix, Quebec với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Rwanda, Samoa, Senegal, Seychelles và một số các tổ chức quốc tế.
Việc Canada mời Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng xuất phát từ vai trò và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Các chủ đề và nội dung nghị sự của Hội nghị cơ bản phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam, là quốc gia biển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là một tập hợp gồm bảy quốc gia phát triển nhất thế giới, được thành lập năm 1975 theo sáng kiến của Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu khủng hoảng dầu năm 1973 và suy thoái toàn cầu để thảo luận các vấn đề kinh tế, ban đầu gồm 6 thành viên (Pháp, Tây Đức, Italy, Nhật, Anh, Hoa Kỳ). Năm 1975, Tổng thống Pháp Valery Discard d’Estaing mời nguyên thủ của 6 nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên đầu tiên tại Rambouillet (Pháp). Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 1976, ở thủ đô San Juan (Puerto Rico), nhóm trở thành G7 với sự tham gia của Canada.
Mặc dù không phải là một tổ chức có cấu trúc chặt chẽ, nhưng G7 là một tập hợp lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống quản trị toàn cầu, chiếm khoảng 47% GDP thế giới và là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Chuyến thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp đà phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, tiếp tục tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và khẳng định vị thế ngày một nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
An Bình