Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương, làm việc với một số cơ quan, đơn vị để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 61 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 giảm 1 chương và 7 điều. Trong đó, ghép Chương III và Chương IV thành Chương III (mới); bỏ 12 điều, bổ sung 8 điều, tách, nhập 11 điều thành 8 điều mới và sửa đổi các điều còn lại.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.
Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật).
Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử (khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, cụ thể: đối với tài liệu lưu trữ số, thời hạn tối đa là 30 tháng; đối với tài liệu lưu trữ giấy, thời hạn tối đa là 5 năm; đối với hồ sơ gồm cả tài liệu lưu trữ số và tài liệu lưu trữ giấy thì thời hạn tối đa là 5 năm, tính từ năm kết thúc công việc.
Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số như thể hiện tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật.
Về lưu trữ tư (Chương V của dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư để khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư tốt hơn; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu, cụ thể: quy định tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng quyết định việc áp dụng quy định của Luật Lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ tư (khoản 4 Điều 3); chỉnh lý quy định về chính sách của Nhà nước đối với lưu trữ tư, trong đó bổ sung một số chính sách để phát triển hoạt động lưu trữ tư như thể hiện tại Điều 45 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về thủ tục đăng ký, ký gửi, mua bán, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư; về việc "hỗ trợ" của Nhà nước đối với tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; về điều kiện mang tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt ra nước ngoài… Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, vì vậy, xin tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: bổ sung Điều 47 về ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; bổ sung Điều 48 về tặng cho tài liệu lưu trữ tư; chỉnh lý quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước về ký gửi, tặng cho, mua bán và việc mang tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt ra nước ngoài để quy định đầy đủ, bao quát hơn về tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt như thể hiện tại Điều 49...
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Chương VI của dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện kinh doanh trong Luật. Ý kiến khác đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ, nhất là tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, do đó, cần có sự quản lý chặt chẽ.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ như thể hiện tại Điều 50 và Điều 51 của dự thảo Luật.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó chỉnh lý lại kết cấu, bố cục và nhiều nội dung trong dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong tiếp thu, chỉnh lý luật, cần bám sát các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra khi bắt đầu xây dựng luật, tránh sa vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, nhìn nhận rõ việc xây dựng luật đã đạt được các mục tiêu đặt ra hay chưa, đạt được ở mức độ nào, để có định hướng đúng đắn cho công việc tiếp theo. Bên cạnh đó, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích giữa luật sửa đổi với các công ước quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, bổ sung, hoàn thiện dự án luật. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến một cách đồng bộ, đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế ở địa phương, khảo sát các cơ sở lưu trữ công, lưu trữ tư, từ đó, tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo yêu cầu, đáp ứng được mong mỏi về nâng cao chất lượng của dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. Sau phiên họp, Chỉnh phủ sẽ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các ngành có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch đề ra.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đã được Quốc hội cho ý kiến. Tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ theo yêu cầu, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tài liệu liệu trình tại Phiên họp này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, trong đó có các ý kiến phát biểu tiếp thu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo luật.
Nguyễn Hoàng