Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng nhà văn hóa, câu lạc bộ”. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Hội nghị có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT...
Việc tổ chức tổng kết Đề án nhằm đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp, nghiên cứu hoàn thiện, nhân rộng những mô hình tổ chức phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đa dạng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng vùng miền, địa phương trên cả nước. Góp phần xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân, phục vụ đắc lực cho công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đề xuất kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.
Ngày 27/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng nhà văn hóa, câu lạc bộ". Theo đó, Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020. Nhiều UBND tỉnh/thành và Bộ Công an đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo Kế hoạch của Bộ VHTT&DL. Sau 6 năm triển khai, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực, đặc biệt đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên tham gia học tập, phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhân dân. Để cụ thể hoá chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thiết chế văn hoá. Sự vào cuộc kịp thời của các địa phương trong tổ chức thực hiện Đề án đã cho thấy tầm quan trọng của việc học tập suốt đời. Trong thời gian qua, ngành thư viện đã không ngừng nỗ lực để phát triển. Từ những phương thức hoạt động truyền thống, ngành thư viện đã liên tục đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động chất lượng. Hoạt động luân chuyển sách được tăng cường đến khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trường học, trại giam… Nhiều hoạt động phát triển văn hoá đọc, đẩy mạnh học tập suốt đời đã được ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hiện đại hoá để nâng cao chất lượng.
Đối với bảo tàng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề cao nỗ lực của các bảo tàng trong việc vượt qua khó khăn để có các trưng bày chuyên đề, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các chương trình học tập tại đây. Các thiết chế văn hoá khác như nhà văn hoá, câu lạc bộ cũng được đánh giá cao trong việc nỗ lực đưa văn hoá cơ sở đến với đồng bào ở mọi miền trên Tổ quốc.
Mặc dù vậy, qua triển khai thực tiễn Đề án, việc thực hiện nâng cấp các thiết chế văn hoá còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí eo hẹp. Chính vì vậy đã ảnh hưởng đến việc đổi mới, đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ. Bên cạnh đó, một số nơi nội dung hoạt động còn mang tính phong trào, thiếu phong phú, chưa mang tính bền vững.
Sau khi nghe các báo cáo và tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy nhận định: Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, nhiệm vụ chống giặc dốt là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và phải được thực hiện liên tục. Trong thời đại hiện nay, dân tộc chúng ta muốn trở nên mạnh mẽ, phải là một dân tộc ham học hỏi. Mọi người dân phải có nhận thức đầy đủ về học tập suốt đời. Trong các giải pháp, phương hướng báo cáo đã nêu, dù đã bao quát nhưng chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về học tập suốt đời. Tự thân mỗi người phải nhận thức nghiêm túc vấn đề này.
Bên cạnh đó, Đề án đã được phê duyệt từ năm 2014, đến nay bối cảnh, quy định pháp luật đã có nhiều thay đổi nên nhất thiết phải có sự rà soát, bổ sung. Theo đó, Vụ Thư viện cần phối hợp với các đơn vị khẩn trương triển khai nội dung này. Ngành VHTTDL tích cực tham mưu cho chính quyền để có những chỉ đạo đúng đắn, đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thiết chế văn hoá. Khi làm hiệu quả chắc chắn có sức lan toả, lãnh đạo cũng vì thế có sự quan tâm, đầu tư đúng mức. “Việc quan tâm cũng phải làm liên tục, phải thật sự trăn trở, suy tư để có những ý kiến hiệu quả trong công tác tham mưu”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Thiện Tâm