Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 chính thức khai mạc sáng nay (26/12) tại Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nông dân nước ta có một vai trò rất quan trọng trong quá trình khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, lập nên non sông đất nước Việt Nam, luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc của nước nhà.
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước, nông dân Việt Nam luôn luôn là lực lượng đông đảo nhất và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn; đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực, vươn lên đáp ứng được nhu cầu trong nước và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thuỷ sản và một số nông sản khác, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Việt Nam ta đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho xã hội.
Trình độ, học vấn của nông dân cũng từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng được đổi mới, dần dần thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội và phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm, nòng cốt trong công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
"Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ
Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, chịu nhiều tác động tiêu cực, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xung đột cục bộ giữa các nước, khủng hoảng kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19 xảy ra đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu. Song, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của giai cấp nông dân, sự đồng thuận của cả xã hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều cố gắng nỗ lực, cùng các cấp, các ngành góp phần đưa ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức khá cao, khá toàn diện với những kết quả rất ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều hoạt động sáng tạo, chủ động đổi mới phương thức hoạt động, làm tốt công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện 2 mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và khôi phục, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Các cấp Hội đã có nhiều cố gắng, tập trung củng cố tổ chức, đổi mới công tác vận động nông dân, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội thiết thực.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: "Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn"; "cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" và xác định "nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới".
Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, phát triển nền nông nghiệp sinh thái có những thuận lợi và khó khăn gì? Người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới? Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp ngày càng giảm và già hoá, lao động dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp thì các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động ra sao để ngang tầm với nhiệm vụ?…
Từ cách đặt vấn đề như trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tha thiết kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức"; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân.
Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Nhận định, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII trình Đại hội VIII lần này đã quán triệt nghiêm túc những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đại hội tập trung thảo luận để đánh giá thật đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện một cách thiết thực, có hiệu quả cao cho hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ tới.
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và gợi mở thêm 7 vấn đề lớn để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.
Thứ nhất, các cấp Hội cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cơ sở. Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về hội nhập, hợp tác quốc tế, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp; gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với nghiệp vụ công tác hội nông dân.
Thứ hai, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Đa dạng hoá công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân gắn với các hoạt động thiết thực của Hội. Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn gắn với tuyên tuyền, vận động để đổi mới phương thức hoạt động; gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân. Nâng cao hơn nữa sự nhận thức về chính trị, lòng tự hào dân tộc, phát huy giá trị cốt lõi và những phẩm chất cao đẹp của người nông dân Việt Nam, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội nông thôn văn minh.
Thứ ba, tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Làm tốt vai trò là đầu mối, phối hợp tổ chức truyền thông và tham gia tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng, chăn nuôi; tham gia cung cấp một số dịch vụ công, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Nâng cao hiệu quả cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn; kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hoá cho nông dân.
Thứ tư, các cấp Hội Nông dân phải tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao nhận thức, vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chuẩn mực nếp sống văn minh; khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thực hiện tốt hơn nữa an sinh xã hội.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội của hội nông dân các cấp, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức.
Phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hoà giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết; tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động nông dân, ngư dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.
Thứ sáu, chủ động, tích cực tham gia hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, những giá trị văn hoá của con người và đất nước Việt Nam đến các tổ chức, đối tác, bạn bè quốc tế; phát huy vai trò Hội Nông dân Việt Nam là thành viên của các tổ chức nông dân trong khu vực và quốc tế hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá nông sản cho nông dân; thu hút các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của nông dân tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, trao đổi, giới thiệu hàng hoá nông sản giữa nông dân nước ta với nông dân các nước, góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thứ bảy, các cấp Hội Nông dân cần tăng cường phối hợp và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.
Tiếp tục đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp, lấy sự gương mẫu của mỗi đồng chí uỷ viên làm nền tảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc, vận động, thuyết phục là phương thức hoạt động; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu Hội Nông dân các cấp. Đây là việc làm có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoạt động của tổ chức Hội.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt thật sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động hiệu quả, thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới.
"Tôi tin tưởng và kỳ vọng, sau Đại hội này, công tác Hội và phong trào nông dân của nước ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đóng góp thật xứng đáng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng khoá XIII, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữ vững và phát huy các thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, hùng cường;…", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu
Nguyễn Hoàng