Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Đại hội lần thứ 5 nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội Người cao tuổi Việt Nam, sáng 9/11. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhiệm kỳ qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp lý, chính sách liên quan đến người cao tuổi. Nhiều phong trào và chương tình chăm sóc người cao tuổi mang lại hiệu quả thiết thực.
Qua đó, xóa nhà dột nát cho hơn 100.000 người cao tuổi; 3,6 triệu người cao tuổi được tư vấn, khám, cấp thuốc miễn phí, hơn 500.000 người cao tuổi được thay thủy tinh thể miễn phí.
Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã phát triển ở 14 tỉnh, thành phố với 1.000 câu lạc bộ, thu hút trên 55.000 người tham gia. Cùng với chăm sóc, công tác phát huy vai trò người cao tuổi là mục tiêu nhất quán trong công tác Hội.
Đến nay, tính riêng ở cơ sở có hơn 1,2 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể; 2,5 triệu người cao tuổi tham gia lao động sản xuất, kinh doanh; hơn 100.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh…
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự Đại hội. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Về phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Đàm Hữu Đắc cho biết: Xây dựng tổ chức Hội Người cao tuổi vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực hoạt động, tập trung xây dựng nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, hướng về cơ sở, lấy hội viên làm trung tâm, lấy chi hội, tổ hội, các loại hình câu lạc bộ là nơi tổ chức các hoạt động của người cao tuổi.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước Tuổi cao gương sáng góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao vai trò hội người cao tuổi trong đời sống xã hội.
Phát biểu tại Đại hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm, có nhiều chủ trương chính sách được người cao tuổi hoan nghênh và đồng tình cao. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập cần sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi khi Việt Nam trở thành nước có dân số già trong tương lại gần.
Để tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, bà Trương Thị Mai đề nghị: Cần tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Hội Người cao tuổi, đề cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chính sách với người cao tuổi. Đồng thời, Hội Người cao tuổi cần đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo hội viên tham gia phong trào "Tuổi cao – Gương sáng"; Làm tốt hơn nữa việc đề xuất chính sách trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi.
“Phát huy hơn nữa kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi, tiếp tục tham gia các hoạt động, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, đa dạng nội dung, hình thức chăm sóc người cao tuổi, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động. Tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Hội, đề xuất các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi về cơ chế chính sách và các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động của Hội”, bà Trương Thị Mai nói.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa V gồm 98 ủy viên; bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2016-2021.
Minh Khôi