Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thống kê cho thấy, những khoản lỗ khổng lồ do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 vẫn đang “đeo bám” các hãng hàng không lớn trên thế giới.
Chẳng hạn, hãng hàng không American Airlines (Hoa Kỳ) báo cáo khoản lỗ 2 tỷ USD trong năm 2021; riêng quý IV/2021, hãng này lỗ 931 triệu USD. Tại châu Á, Japan Airlines (Nhật Bản) dự báo khoản lỗ ròng 146 tỷ Yên (1,3 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2022…
Tại hội thảo "Phục hồi và phát triển ngành hàng không trong bối cảnh mới" diễn ra ngày 24/5, GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, hàng không là lĩnh vực dẫn sóng phục hồi cho nền kinh tế với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là “sức khỏe” tài chính của các hãng hàng không.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19.
Năm 2021, Vietnam Airlines báo lỗ 13.337 tỷ đồng. Con số này mặc dù đã giảm mạnh (1.300 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 với phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, song Hàng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn đang đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp và thậm chí đối diện với nguy cơ âm vốn chủ sở hữu.
Thêm vào đó, giá nhiên liệu biến động và chiến sự căng thẳng tại Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều hãng bay phải thay đổi lộ trình làm tốn thêm chi phí và thời gian, ảnh hưởng lớn tới quá trình hồi phục của các hãng hàng không.
“Sự tồn tại và phát triển sau đại dịch COVID-19 của một Hãng hàng không quốc gia không chỉ là hình ảnh của một hãng hàng không biểu tượng của một đất nước mà còn thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ của một nền kinh tế, một đất nước thời kỳ hậu đại dịch”, GS. Trần Thọ Đạt nhận định.
Do đó, GS. Trần Thọ Đạt đề xuất, trước mắt “cần có những giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines trước nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2022 do thua lỗ 3 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu”,
Cùng quan điểm cần tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi sau đại dịch, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, có thể chia làm 3 nhóm hỗ trợ, bao gồm: Chương trình hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp trong ngành; chương trình hỗ trợ cho một nhóm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; chương trình hỗ trợ cho một hoặc một vài doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Các giải pháp này bao gồm từ hỗ trợ khắc phục những vấn đề mang tính khẩn cấp để tránh nguy cơ phá sản, hỗ trợ vượt qua khủng hoảng cho tới các giải pháp mang tính dài hạn để tái cấu trúc doanh nghiệp sau dịch.
Các giải pháp thường được áp dụng đồng bộ, nhất quán thay vì riêng rẽ. Chẳng hạn, các khoản cho vay hoặc bảo lãnh vay vốn thuộc hai nhóm giải pháp đầu tiên thường đi kèm với các điều khoản về hoán đổi nợ lấy cổ phần và các cam kết về bảo vệ môi trường, hạn chế chi trả cổ tức, lương thưởng ban điều hành…
Lấy ví dụ, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, tại Singapore, hãng hàng không quốc gia Singapore Airline với phần lớn cổ phần được sở hữu bởi Temasek đã phát hành 8,2 tỷ USD Singapore cổ phiếu và 3,4 tỷ USD Singapore trái phiếu chuyển đổi. Temasek với vai trò là đại diện sở hữu vốn nhà nước đã tham gia mua cổ phiếu trên thị trường để duy trì tỷ lệ sở hữu, đồng thời cam kết là người mua vào trái phiếu nếu đợt phát hành không thành công.
Tại Pháp, hãng hàng không quốc gia Air France KLM cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các khoản vay, bảo lãnh vay vốn, hoán đổi nợ và cổ phần, bổ sung vốn với tổng giá trị lên tới 11 tỷ EUR…
TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất cần phải xây dựng một Đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không (gồm cả các hãng bay và tổng công ty cảng hàng không) nhằm giải quyết được những khó khăn hiện nay mà ngành hàng không đang phải đối diện từ bối cảnh quốc tế cũng như từ vấn đề tái cơ cấu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ rà soát lại cơ chế chính sách đã áp dụng và những bất cập để trình Chính phủ có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phát triển trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu soạn thảo, đề xuất các phương án sửa một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cơ quan này phải chủ động cùng Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với tư cách là đại diện chủ sở hữu xây dựng chương trình cơ cấu lại kịp thời, không để lỡ thời cơ và có người chịu trách nhiệm cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định.
Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn cũng cần nghiên cứu phương án các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc quyền quản lý được phép hợp vốn để đầu tư hạ tầng hàng không và hãng bay như một tổ chức quản lý vốn mà không làm giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được giao quản lý.
PT