Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án Luật này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vừa qua, trong đó có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại hội trường.
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 30 điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 9 điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định… Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đạt được sự thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Thảo luận tại hội nghị, các ĐBQH tập trung vào những vấn đề lớn của dự án luật liên quan đến quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách lớn khi đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án Luật, như về phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy, tài khoản định danh điện tử…
Khẳng định đây là đạo luật rất khó, nhưng đã được đầu tư rất công phu, kỹ lưỡng, rất nhiều nội dung ĐBQH góp ý đã được chỉnh lý, bổ sung.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, qua rà soát cho thấy có nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, nên cần cân nhắc tính khả thi của những quy định trong dự thảo Luật, và điều quan trọng nhất là phải xác định rõ được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để đi vào thực tiễn, đặc biệt là thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh các chi phí về bộ máy, chi phí về con người, chi phí về thiết bị…
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dự luật này, bởi thực tiễn thời gian qua rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng, nhưng nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt được, nhất là trên môi trường điện tử. Vì vậy, việc rà soát để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng là cần thiết.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu rà soát kỹ về ngôn ngữ kỹ thuật lập pháp, khái niệm từ ngữ để người dân dễ hiểu và thực hiện thuận lợi.
Báo cáo, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng.
Về xử lý vi phạm, tranh chấp, Bộ trưởng nhấn mạnh, chế tài xử lý vi phạm sẽ quy định ở nghị định của Chính phủ. Việc xử lý tranh chấp thì quy định ở pháp luật chuyên ngành. Về cung cấp dịch vụ tin cậy, Bộ TT&TT không cung cấp dịch vụ, mà chỉ cấp phép, ban soạn thảo sẽ xem xét lại các điều khoản để không bị hiểu nhầm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo, chú trọng rà soát ngôn ngữ diễn đạt cho trong sáng, đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề nếu có để Chính phủ có ý kiến chính thức báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là luật chuyên ngành khó, chuyên môn cao, nhiều thuật ngữ và khái niệm mới. Các ĐBQH đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan. Đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp ý kiến thảo luận, có báo cáo gửi đến các vị ĐBQH, gửi đến cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến các ĐBQH, hoàn chỉnh dự thảo Luật, có văn bản xin ý kiến Chính phủ về dự án Luật, trong đó nêu rõ các nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau, dự kiến phương án tiếp thu, giải trình; đề nghị Chính phủ có ý kiến trả lời bằng văn bản, thể hiện rõ quan điểm, nhất là những nội dung khác so với bản Chính phủ đã trình.
Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, đảm bảo chất lượng, đầy đủ hồ sơ, đúng thời gian theo quy định.
Nguyễn Hoàng