Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Tuân cũng muốn được hướng dẫn cách thức duy trì nộp BHXH để hưởng lương hưu.
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời trường hợp của ông Tuân như sau:
Nguyên tắc của BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 4 Nghị định 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH như sau: BHXH tự nguyện thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.
Mức hưởng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH tự nguyện.
Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện khi đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc
Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Theo quy định tại Điều 70 Luật BHXH và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 190/2007/NĐ-CP thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu do quỹ BHXH chi trả khi có một trong các điều kiện:
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;
- Nam từ đủ 55 tuổi trở lên, nữ từ đủ 50 tuổi trở lên mà có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.
Người lao động trước khi tham gia BHXH tự nguyện, đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp: Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên; Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trở lên.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định như trên, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần, có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí.
Mức hưởng lương hưu hàng tháng được quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật BHXH và hướng dẫn tại Điều 10 Nghị định 190/2007/NĐ-CP. Theo đó, mức lương hưu hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện được tính bằng tỷ lệ % lương hưu được hưởng nhân với mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó:
- Tỷ lệ % để tính lương hưu được hưởng tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cho 15 năm đóng BHXH đầu tiên, từ năm thứ 16 trở đi, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà trước đó đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì tỷ lệ % hưởng lương hưu sau khi tính như trên sẽ bị giảm đi 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
- Mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là bình quân các mức thu nhập tháng của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Đối với người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH chung của các thời gian.
- Người tham gia BHXH tự nguyện có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, nếu lương hưu hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung, thì được quỹ BHXH bù bằng mức lương tối thiểu chung.
- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ. Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đảm bảo.
Trường hợp ông Đinh Thế Tuân, đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc, nay xin thôi việc để sang nước ngoài với vợ thời hạn 4 năm, hết thời hạn này ông sẽ trở về Việt Nam và muốn duy trì đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Thời gian ông Tuân ở nước ngoài là thời gian lưu trú, trong thời gian ấy ông không nhập quốc tịch nước ngoài và không xin thôi quốc tịch Việt Nam. Đây không phải là trường hợp ra nước ngoài định cư, vì vậy sau khi chốt sổ BHXH bắt buộc ở nơi làm việc cũ, ông Tuân có thể tham gia, đóng BHXH tự nguyện, với mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình, để khi đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí theo quy định. Hoặc chốt sổ, bảo lưu BHXH, 4 năm sau trở về nước tiếp tục tham gia BHXH.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.