Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủy sản là ngành sẽ được hưởng lợi lớn từ FTA này. |
Sau hơn một năm trở thành đối tác ký FTA với EAEU, gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, ngày 5/10, Hiệp định này chính thức có hiệu lực và mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai. Trong năm đầu tiên FTA có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.
Đặc biệt hơn, cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định này là rất lớn, bởi ngay sau khi có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày-túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%; trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) được TTXVN dẫn lời cho biết, Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang khu vực này và đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ EAEU.
Việc xoá bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá. Đối với EAEU, đó là nông sản, sản phẩm thịt (thịt gia cầm, giò), sản phẩm sữa (pho mát, bơ), lúa mì, bột mì, phân bón, thép ống, thép cán, lốp xe, ô tô (xe tải, xe khách). Ngược lại, đối với Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường EAEU là nông sản, cá, gạo, trái cây, rau quả, sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng…
Còn theo ông Ivan Gumnikov, đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, sau khi Hiệp định này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào EAEU sẽ tăng 50%. Ngoài ra, FTA này cũng xem xét vấn đề đầu tiên là giảm rào cản thuế quan cho hàng dệt may của Việt Nam, nên nhóm hàng này sẽ đến được người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia FTA này khi xuất khẩu sang Nga.
T. Minh