Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đề cập về nhu cầu cũng như khả năng cung ứng năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện ở Việt Nam, ông Hoàng Việt Dũng, Thành viên Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cho biết: Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu năng lượng rất cao so với trong khu vực và thế giới.
Trong một thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng trung bình của Việt Nam khoảng 7%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, khoảng 9,5% trong giai đoạn 2011-2019.
Trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu năng lượng tăng trưởng chậm lại, ở mức trên 2%/năm. Tuy nhiên, theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn tới vẫn tăng trưởng 8-9%/năm, điều này đặt ra thách thức về đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện.
Đặc biệt, từ năm 2015, Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu về năng lượng thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng, nhập khẩu năng lượng sẽ ngày càng tăng trong những năm tới.
Đánh giá về việc sử dụng năng lượng hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) cho rằng, thực trạng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí.
"Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì lượng năng lượng nhập khẩu chắc chắc sẽ ngày càng cao", ông Hiền nhận định.
Cũng theo ông Mã Khai Hiền, đã đến lúc phải chấm dứt việc sử dụng năng lượng lãng phí mà còn phải cải thiện chất lượng "cầu" của năng lượng, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn.
Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép,… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.
Theo các khảo sát của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng về mặt kỹ thuật trong các ngành công nghiệp có thể đạt từ 20-30%.
Chia sẻ về vấn đề này ông Hoàng Việt Dũng cho biết, xác định tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 280/QĐ-TTg - phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Chương trình đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2030 tương đương việc tiết kiệm 60 – 80 triệu tấn dầu quy đổi, các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành. Đây là con số rất tham vọng, đòi hỏi Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, địa phương cùng nhau triển khai các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ để có thể đạt được mục tiêu này.
Ông Dũng cũng cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp có thể đạt từ 20 – 30%, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực thì sẽ phải triển khai rất nhiều công việc, giải pháp từ nay đến 2030 thì mới có thể đạt được con số này.
Nói về giải pháp, ông Hoàng Việt Dũng cũng cho biết Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) đã quy định rất cụ thể 9 nhóm giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong 9 nhóm giải pháp này có thể tóm tắt thành 6 nhóm giải pháp chính gồm: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2019 – 2030.
Cùng với đó là các giải pháp tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông Hoàng Việt Dũng, đối với giải pháp tài chính, hiện Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế, Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đề cập đến khó khăn, thách thức, theo ông Dũng, nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về lợi ích của tiết kiệm năng lượng còn chưa đầy đủ.
Chia sẻ thêm về những khó khăn thách thức, ông Mã Khai Hiền nhận định, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức chủ quan và khách quan nên thường có tâm lý ngại ngần khi quyết định đầu tư dài hạn cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nguồn nhân lực tư vấn chuyên sâu về công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và yếu.
Thị trường hiện chưa có nhiều quỹ đầu tư hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, thay đổi công nghệ hướng tới tiết kiệm năng lượng.
Để các doanh nghiệp thực hiện vay vốn thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả theo bà Đinh Hương Thủy, Phó Giám đốc Ban nguồn vốn ủy thác quốc tế - Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), qua thực tế triển khai các dự án hiệu quả năng lượng, đối với DN cần cập nhật thường xuyên công nghệ.
Cụ thể, ngay từ khi xây dựng dự án DN cần tính toán kỹ mức tiết kiệm năng lượng, mức ảnh hưởng đến môi trường xã hội, đồng thời phải xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể chi tiết đảm bảo cho quá trình dự án được thông suốt. Yếu tố tài chính, ngân hàng sẽ cập nhật thường xuyên các nguồn vốn, gói tài chính hỗ trợ.
Quỹ chia sẻ rủi ro mang lại giá trị lợi ích nào cho doanh nghiệp, BIDV được Bộ Công Thương và WB lựa chọn 1 trong những ngân hàng tham gia vào Quỹ chia sẻ rủi ro, cung cấp thêm cho doanh nghiệp nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn và nhiều doanh nghiệp được tham gia,
Đóng góp ý kiến về cơ chế thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, ông Mã Khai Hiền cho rằng, Việt Nam cần tiếp cận từ nhiều phía. Theo đó, Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để DN và người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Cùng với đó cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho DN đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra nên đầu tư nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, trung tâm tiết kiệm năng lượng.
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng cho rằng cần phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn giá rẻ, giúp DN tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ này để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Còn theo ông Hoàng Việt Dũng, điểm nghẽn về đầu tư tiết kiệm năng lượng trên quy mô rộng chính là cơ chế tài chính ưu đãi cũng như hành lý pháp lý, nguồn vốn dồi dào hỗ trợ DN đầu tư tiết kiệm năng lượng.
"Mặc dù nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp còn hạn chế nhưng trong Chương trình VNEEP3 có 1 hợp phần về thí điểm xây dựng quỹ hỗ trợ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng", ông Hoàng Việt Dũng cho biết.
"Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ cế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi Luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng", ông Hoàng Việt Dũng thông tin thêm.
Toàn Thắng