Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đăng kiểm viên bao gồm: Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra và Đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế. Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra là Đăng kiểm viên thực hiện đăng kiểm vỏ tàu tại hiện trường hoặc Đăng kiểm viên thực hiện đăng kiểm máy và điện tàu tại hiện trường. Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra gồm 3 hạng: Hạng I, hạng II và hạng III. Đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế là Đăng kiểm viên thực hiện thẩm định các loại thiết kế dùng trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa, nhập khẩu phương tiện và chế tạo sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa. |
Thông tư quy định, tiêu chuẩn Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III có trình độ chuyên môn thuộc một trong các trường hợp sau: Đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên thuộc một trong các ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền; đã tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên thuộc một trong các ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy; đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên thuộc một trong các ngành điện tàu thủy, cơ khí, cơ khí động lực, cơ khí ô tô và đã được đào tạo bổ sung chuyên môn đại cương về máy tàu thủy hoặc vỏ tàu thủy theo chương trình 1 hoặc chương trình 3.
Đồng thời, đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III; đã trải qua thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại đơn vị đăng kiểm tối thiểu 24 tháng đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc 12 tháng đối với người có trình độ đại học trở lên.
Tiêu chuẩn Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II gồm: tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền; đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II; là Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng III có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu 36 tháng; có ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B trở lên hoặc tương đương; đã thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại đơn vị đăng kiểm đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II tối thiểu 12 tháng.
Đối với Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I tiêu chuẩn như sau: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, cơ khí tàu thuyền; là Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng II có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu 36 tháng; đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I; có ngoại ngữ tiếng Anh trình độ C trở lên hoặc tương đương; đã thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại đơn vị đăng kiểm đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của Đăng kiểm viên tại đơn vị đăng kiểm đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của Đăng kiểm viên thực hiện công tác kiểm tra hạng I tối thiểu 12 tháng.
Ngoài ra, tiêu chuẩn Đăng kiểm viên thẩm định thiết kế là tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, kỹ thuật tàu thủy, điện tàu thủy; có ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B trở lên hoặc tương đương; đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa của Đăng kiểm viên thẩm định thiết kế; đã thực tập nghiệp vụ thẩm định thiết kế tối thiểu 12 tháng.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có thẩm quyền quyết định công nhận, đình chỉ Đăng kiểm viên và thu hồi Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức rà soát và công nhận hạng Đăng kiểm viên phù hợp với tiêu chuẩn Đăng kiểm viên quy định tại Thông tư này đối với Đăng kiểm viên đang giữ hạng theo quy định tại Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT.
Các Đăng kiểm viên trên 50 tuổi hiện đang là Đăng kiểm viên hạng I, hạng II trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được miễn chứng chỉ ngoại ngữ khi xem xét chuyển tiếp.
Minh Hoàng