Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Sử dụng nguồn tài nguyên hóa thạch một cách thái quá đang khiến con người đứng trước hàng loạt những nguy cơ về môi trường.
Càng phát triển, càng tiêu tốn nhiều tài nguyên
Với sự phát triển đô thị rất nhanh như thời gian qua, trung bình mỗi một tháng chúng ta có thêm một đô thị, việc sử dụng tài nguyên là rất lớn. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong hơn 20 năm qua chúng ta có thêm hơn 200 đô thị mới ở các qui mô, thì diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người cũng sẽ giảm 50% trong 10 năm (từ 2000-2010), mỗi năm giảm 5m2/người, trong tình hình Việt Nam hiện có tới 16,7 triệu ha đất bị xói mòn rửa trôi mạnh, chua nhiều - 9 triệu ha đất mỏng, độ phì thấp - 3 triệu ha thường khô hạn, sa mạc hóa - 1,9 triệu ha bị phèn hóa, mặn hóa mạnh… Phải trải hàng nghìn năm chăm sóc đất, chúng ta mới có được quỹ đất canh tác tốt để sản xuất lương thực - nhưng nếu đưa đất nông nghiệp vào thị trường quá nhanh để xây dựng đô thị, khu công nghiệp… sẽ khó giữ nổi chiến lược an ninh lương thực trước tốc độ tăng dân số mạnh.
Sự tăng trưởng xây dựng đang hủy hoại nguồn tài nguyên. Trong 5 năm (2006 – 2010), ước tính các nghề xây dựng đã ngốn trung bình 248 triệu tấn đá, cát, sỏi, đất sét, cao lanh,phụ gia… Đến năm 2020 sẽ tăng 405 triệu tấn vật liệu xây dựng các loại. Ngành công nghiệp VLXD (chủ yếu phục vụ đô thị) sử dụng một khối lượng lớn năng lượng: năm 2006 tiêu thụ 3,5 triệu tấn than và 4 tỷ Kwh điện - ước tính năm 2010 sẽ tăng lên 6,5 triệu tấn than và 7,5 triệu Kwh điện”. Còn theo ông Lê Văn Chung (Trung tâm tiêt kiệm năng lượng TP. HCM): “Trong quá trình sản xuất ở nước ta hiện nay, để sản xuất ra 1000 USD phải tiêu tốn 500 kg lượng dầu qui đổi – trong khi ở Nhật chỉ 100kg”.
Gia tài 300 triệu năm -dùng bao lâu?
Người ta đã tính được mỗi năm toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ tự nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36% - 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch.
Xin lấy vài quốc gia điển hình về mức tiêu thụ nhiều năng lượng. Chiếm chưa đầy 5% dân số thế giới, nhưng người Mỹ ngốn hết 20% lượng xăng dầu tiêu thụ trên toàn thế giới. Chỉ riêng giao thông, 296 triệu dân Mỹ cưỡi 230 triệu ôtô. Chính vì thế mà từ 1956, King Hubbert (người của hãng Shell) đã cảnh báo cho dân Mỹ lượng dầu khai thác của họ sẽ đạt đỉnh vào năm 1965 - 1970, sau đó tụt dốc và phụ thuộc nhập khẩu. Đúng như vậy, nước Mỹ vốn là quê hương của dầu mỏ, giờ trữ lượng chỉ còn 3% - trong khi 80% trữ lượng dầu chưa khai thác nằm ở Trung Đông.
Tiếp theo Hubert, các nhà nghiên cứu đánh giá sự bùng nổ của thế kỷ đô thị đã đẩy thế giới lên “đỉnh sự tiêu dùng dầu mỏ”, rồi từ đây sẽ lao xuống vực thẳm - giá dầu thô tăng vọt (100USD/thùng) trong năm 2007 là bằng chứng. Tăng trưởng đô thị, thị trường ôtô của Trung Quốc cũng tăng tới 40% năm, nó góp phần làm nước này phải nhập thêm tới 120 triệu tấn nhiên liệu/năm. Cứ đà này, tới năm 2050 Trung Quốc sẽ phải nhập đến một nửa sản lượng than trên thế giới.
Mỹ và Canada bị coi là những nước hoang phí tài nguyên nhất hành tinh. Một nhà nghiên cứu năng lượng viết: “Nếu cả thế giới sống theo cách của người Mỹ và Canada, chúng ta cần có khoảng 2 trái đất nữa, 3 trái đất nếu dân số thế giới tăng gấp đôi, và thêm 12 trái đất nếu điều kiện sống tăng gấp đôi trong vòng 40 năm nữa”.
Đó mới là nói đến dầu mỏ, còn đất đai. Người Mỹ, người Ả Rập, Ấn Độ đều nói “Đất là tài sản vay mượn của con cháu” – như dầu mỏ, xài hết con cháu lấy đâu ra nữa? Toàn lục địa trừ diện tích đóng băng vĩnh cửu (1.360 triệu ha) còn 13.340ha phần lớn ở chỗ quá lạnh, quá nóng, quá dốc, quá nghèo dinh dưỡng, quá mặn, quá phèn… thành ra chỉ có 3.030 triệu ha canh tác. Chia bình quân đầu người 0,23ha, châu Á - Thái Bình Dương dưới 0,15ha, Việt Nam 0,11ha. Xin nhớ, theo tính toán của FAO với trình độ canh tác hiện nay để có đủ lương thực, thực phẩm mỗi người cần tới 0,4ha đất canh tác. Nghĩa là phát triển đô thị thái quá sẽ mất đất canh tác, đến 2050 nhân loại sẽ đón thêm 3 tỷ thành viên mới - sẽ cần thêm 10 tỷ đất canh tác cho 9,2 tỷ miệng ăn. Vậy, cùng năng lượng, đất đai - hai cuộc khủng hoảng này đáng sợ nhất với loài người trong viễn cảnh.
Tiêu thụ vô độ - con người tự hại chính mình
Sử dụng thái quá sẽ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, mà sự tiêu thụ vô độ còn gây ô nhiễm môi trường sống cho chính nó. Nói hình ảnh, con người “càng xài sang càng tự đầu độc nó”. Do vậy, sự gia tăng tiêu thụ các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu, khí…) làm tăng nồng độ khídioxit cacbon, metan... trong khí quyển. Các hoạt động của con người, từ việc đốt các nhiên liệu, phát quang cánh rừng, đến lấp sông, hồ… sẽ tạo ra nồng độ khí nhà kính cao hơn mức mà thực vật và đại dương có thể hấp thụ đều làm trái đất nóng lên. Nếu không có biện pháp giảm phát tán CO2 vào không khí, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 1,5 – 4,50C vào năm 2050.
Hậu quả thì rất nhiều, nhưng điều người ta đang tập trung nói đến là sự biến đổi khí hậu: tăng các tần suất bão, mưa lớn, nhiệt độ cao, hạn hán… Nghiêm trọng nhất, nó gây tan băng làm nước biển dâng. Phần lớn các vùng đất màu mỡ nhất của Việt Nam sẽ bị chìm ngập.
Một kết luận của tổ chức môi trường thế giới: “Ô nhiễm không khí không biên giới - với 80% lượng khí nhà kính hiện nay dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu là từ các thành phố”. Như vậy, chi cho năng lượng lại cao hơn - hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.
Thạch Long