Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Cần cố gắng sử dụng các giải pháp "phi công trình" có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và bền vững trong việc chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Đây cũng là khu vực được đánh giá là chịu tác động rõ nét nhất của tình trạng xâm thực, sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hệ thống đê biển đang bị đe doạ nghiêm trọng, ngay cả hệ thống rừng phòng hộ cũng bị tàn phá nên các phương án đối phó gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng đã trực tiếp di chuyển bằng xuồng máy dọc các con sông từ Năm Căn đi Đất Mũi, kiểm tra thực địa chống xâm thực bờ biển và các khu vực dự kiến trồng rừng ngập mặn.
Ở phía Tây, Đoàn đã có mặt ở vùng biển được đầu tư xây dựng tuyến đê theo công nghệ mới, sử dụng kết hợp các nguồn vốn ngân sách, vốn vay, dự án chống biến đổi khí hậu; đi khảo sát vị trí dự kiến làm hồ chứa nước ngọt ở rừng U Minh Hạ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết, tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với tỉnh này xảy ra gần như quanh năm. Vào mùa khô, tình trạng nắng hạn kéo dài trong khi ở đây không có hồ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm nên nước mặn xâm nhập sâu.
Còn vào mùa mưa, đặc biệt là khi có gió Tây Nam, nước biển dâng gây ngập úng, sạt lở bờ biển nghiêm trọng, làm xâm thực sâu vào đất liền trung bình 15m/năm, cá biệt có những đoạn vào sâu đến 50 m/năm. Từ 2007 đến nay có trên 3.800 ha rừng phòng hộ bị mất.
Khảo sát thực địa cho thấy, hệ thống thuỷ lợi của tỉnh chưa đồng bộ và khép kín, đặc biệt là hệ thống đê, kè bị sạt lở nhiều nên công tác chống tràn, chống ngập gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Phó Thủ tướng di chuyển bằng xuồng máy dọc các con sông từ Năm Căn đi Đất Mũi, kiểm tra thực địa chống xâm thực bờ biển và các khu vực dự kiến trồng rừng ngập mặn. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Trên toàn tuyến bờ biển, thống kê có hơn 40 km bị sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Điển hình là kè Đất Mũi, kè Tân Thuận, đoạn Hương Mai – Tiểu Dừa, khu vực Đá Bạc – Khánh Bình Tây, Sào Lưới – Việt Khái,…
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết ngoài việc thiếu vốn đầu tư cũng có những bất cập về tính hiệu quả và phù hợp của các công trình, chưa đảm bảo kiên cố đủ sức chống chọi với sự tàn phá mạnh mẽ của sóng biển trong khu vực.
Trong khi đó, theo ông Phạm Thành Tươi, hệ thống đê biển cả phía Đông và phía Tây của tỉnh đều nằm trong diện được đầu tư nâng cấp và xây mới với tổng vốn đầu tư 3.119 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách khó khăn nên mới thi công một số khu vực xung yếu và các đoạn kè chống sạt lở nghiêm trọng
Cà Mau là trọng điểm ứng phó biến đổi khí hậu
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau, trong đó nổi bật là hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn cũng như công tác ứng phó biến đổi khí hậu của địa phương trong năm 2014 vừa qua.
Chính phủ hiện đang rất quan tâm đến những tác động và việc ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu ở các lĩnh vực, địa phương. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã quyết định cân đối một nguồn vốn trên 3.000 tỷ đồng chi cho công tác này, tập trung cho việc trồng mới, khôi phục là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Từ cuộc khảo sát thực địa, Phó Thủ tướng chia sẻ với tỉnh về những tác động, sự thiệt hại nghiêm trọng ở khu vực bờ biển, hệ thống sông kênh bị ngập mặn, sự thiệt hại của nhiều công trình, sản xuất, đời sống người dân. Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh Cà Mau có vị trí cũng như đặc thù về thuỷ lợi, địa chất có nền đất thấp nhất trong khu vực. Đây cũng là tỉnh chịu tác động rõ rệt, nghiêm trọng nhất của tác động tiêu cực của thiên nhiên, cần được coi là trọng điểm trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như nước biển dâng.
![]() |
Tình trạng nước biển dâng, xâm thực đã tàn phá nghiêm trọng hệ thống đê bao, làng xã trong khu vực. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết cần rà soát lại vấn đề quy hoạch phát triển, phù hợp định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xem xét lại các mô hình, phương thức phòng chống để có được lựa chọn, duyệt các dự án phù hợp.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, phương án xây dựng đê bao và các công trình kiên cố cần phải được tính toán kỹ lưỡng, cố gắng sử dụng các giải pháp "phi công trình" có chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao và bền vững như trồng cây chắn sóng, tạo bãi bồi, quản lý vùng thiên tai, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, trong đó trồng rừng là giải pháp ưu tiên về lâu dài… Ở một số khu vực, cần có các giải pháp “mềm” để tận dụng được các nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình, đặc trưng khu vực.
“Đảm bảo các nguồn nước ngọt bằng việc xây hồ kết hợp làm cống để ngăn mặn, sử dụng vật liệu và chọn mô hình kiên cố hoá các công trình chống sóng, chống sạt lở ở bờ Tây, làm bờ bao “khoanh” các tiểu vùng là những việc phải tính toán, làm kỹ để đảm bảo khả thi, hiệu quả và nhất là kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.
Trên tinh thần huy động đa dạng các nguồn lực, sử dụng đa mục tiêu, hiệu quả tối đa việc đầu tư các giải pháp, công trình, Phó Thủ tướng cho ý kiến đối với những kiến nghị liên quan đến việc xử lý các vị trí bị xâm thực nghiêm trọng, cấp bách như đoạn đê, kè bị sạt lở từ Hương Mai – Tiểu Dừa, đoạn kè xã Tân Thuận, Tân Tiến (Đầm Dơi), khu dân cư Năm Căn, ưu tiên bố trí tái định cư dân ven biển,…; cũng như hướng cân đối vốn đầu tư cho dự án xây dựng đê biển phía Đông, hồ chứa nước ngọt theo đề xuất của tỉnh xây dựng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, có tổng diện tích mặt hồ 190 ha, dung tích 10 triệu m3.
Nguyên Linh