Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc àm việc với Tổng cục Căn cước và vấn đề công dân của Vương quốc Bỉ - Ảnh: VGP
Cuộc làm việc của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc với phía cơ quan chức năng của Vương quốc Bỉ nhằm trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm của bạn về cách thức xây dựng, thu thập dữ liệu, căn cước, ứng dụng dữ liệu về dân cư, kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị và thống nhất với ông Philippe Moreau, Tổng Giám đốc, Tổng cục Căn cước và vấn đề công dân cùng với các chuyên gia cách thức, chương trình làm việc hai bên trên tinh thần thẳng thắn trao đổi, trách nhiệm, cởi mở, vượt qua khuôn khổ lễ tân thông thường, hướng tới mục tiêu đạt kết quả cao nhất.
Sau khi các nghe chuyên gia trình bày về quá trình xây dựng và dữ liệu thông tin cá nhân, số hóa thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu số, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi: Bỉ cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam trong nhiều khía cạnh liên quan đến việc thu thập, số hóa dữ liệu, trong đó có giao trách nhiệm cho lãnh đạo từng địa phương. Nhưng mỗi địa phương, mỗi người lãnh đạo có những đặc điểm khác nhau, làm thế nào để các địa phương đều có thể làm tốt việc thu thập, số hóa, sử dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân?
Ấn tượng với câu hỏi của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các chuyên gia của Tổng cục Căn cước và vấn đề công dân cho biết, hiện nay ở Bỉ cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu thập và không phải tỉnh, đơn vị nào cũng làm tốt như nhau. Tuy nhiên, Bỉ quy định rất rõ trách nhiệm của lãnh đạo từng cơ quan, từng cấp cũng như công dân trong vấn đề này, buộc họ phải làm và làm tốt nếu không sẽ phải đối mặt với luật pháp. Ví dụ, nếu như người dân cung cấp thông tin sai, họ có thể phải đối mặt với án phạt…
Ấn tượng trước thông tin có ngày cao điểm tổng số lượng người dân truy cập làm các dịch vụ công có thể lên tới 5 triệu lượt người, chiếm tỉ lệ khoảng 50% dân số của Vương quốc Bỉ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi: Những lĩnh vực nào người dân tiến hành truy cập, làm dịch vụ công nhiều nhất? Câu trả lời cho thấy phần lớn liên quan đến cơ quan quản lý về thuế, đất đai, ngân hàng...
Các thành viên chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VGP
Đối với những thông tin về thẻ căn cước điện tử được phía Bỉ giới thiệu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi: Quá trình làm xong cơ sở dữ liệu số, hệ thống số điện tử dữ liệu này hết thời gian bao lâu? Quá trình sử dụng đã xảy ra sự cố gì? Kết nối hiện nay đã hoàn thành chưa và phải mất bao lâu mới kết nối được với các bộ, ban ngành và các địa phương? Những kinh nghiệm của Bỉ về việc này như thế nào và có thể hỗ trợ, tư vấn giúp Việt Nam ra sao?
Chuyên gia công nghệ số của Bỉ cho biết: Quá trình xây dựng và số hóa dữ liệu ở Bỉ bắt đầu từ năm 1983. Bỉ đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ, xây dựng phương pháp thu thập, định rõ trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế "thưởng- phạt" đối với các cơ quan, cá nhân, công dân. Ví dụ khi người dân đến làm thủ tục dịch vụ nào đó ở cơ quan nhà nước thì cả công dân và chính quyền nơi đó phải có trách nhiệm tự động cập nhật, cung cấp thông tin và cập nhật vào cơ sở dữ liệu, việc này sẽ góp phần rút ngắn thời gian số hóa những thông tin cũ.
Hiện nay, phía Bỉ mới bắt đầu triển khai xác thực định danh điện tử. Nguồn gốc để xác thực định danh điện tử tại Bỉ lại bắt đầu từ lĩnh vực ngân hàng. Nhận thấy ích lợi của nó quá lớn nên Vương quốc Bỉ đã phối hợp với phía ngân hàng để phát triển.
Từ năm 2004, Bỉ mới bắt đầu triển khai số hóa dữ liệu, và cũng phải mất 10 năm mới hoàn thành dữ liệu ở thời điểm đó. Trong quá trình triển khai, Bỉ vừa số hóa vừa áp dụng cả thủ công và liên tục cập nhật, tự động cập nhật, cập nhật mới.
Các thành viên trong đoàn công tác cũng đặt nhiều câu hỏi về biện pháp bảo mật, cách thức quản lý cũng như chi phí của Bỉ trong quản lý tổng thể những nguồn, kho dữ liệu này… Những vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý, bảo trì, duy tu, vận hành hệ thống… và các cách thức kết nối, chia sẻ nguồn dữ liệu này cũng được lãnh đạo hai bên và các chuyên gia thẳng thắn, cởi mở chia sẻ.
PV