Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 23/11, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức hội nghị "Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ về sở hữu trí tuệ tại khu vực phía Nam".
Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết, hội nghị nhằm triển khai nhiệm vụ "Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" thuộc đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) cho thấy, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ. Đối với doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ, kết quả kinh doanh tăng 36% đối với sáng chế 21% đối với nhãn hiệu, 32% đối với kiểu dáng công nghiệp.
Tuy nhiên, theo Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng việc sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp; công cụ hỗ trợ sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do thiếu thông tin và thiếu tính cập nhật; chưa có nhiều tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ, tư vấn về sử dụng và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả.
Những điều này đã dẫn đến hệ quả là tỉ lệ đơn đăng ký được cấp căn bằng bảo hộ chưa cao; việc bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ, xin phê duyệt và báo cáo nghiệm thu các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn.
Để sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả cần có cơ sở dữ liệu với thông tin được cập nhật, đầy đủ và kịp thời. Việc phối hợp để phổ biến, hướng dẫn khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp là cần thiết và cần có sự hợp tác của nhiều bên, trong đó cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, nền tảng Dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp - IPPlatform tại địa chỉ http://ipplatform.gov.vn đã được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thiết lập, duy trì và phát triển.
Đây là một công cụ phục vụ việc khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu, tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 5/2020 đến nay, IPPlatform ngày càng được đánh giá cao và có lượng người dùng truy cập ngày càng tăng, phục vụ hiệu quả việc khai thác thông tin về sở hữu công nghiệp.
Mặc dù IPPlatform có thể khai thác trực tuyến miễn phí, nhưng để hỗ trợ người dùng và nâng cao hiệu quả khai thác, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức thiết lập các trạm IPPlatform và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan cách thức khai thác nền tảng này.
Hiện nay, mạng lưới các trạm IPPlatform đã được thiết lập, mở rộng tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến tận địa phương, gần với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hơn.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, các đơn vị của Bộ KH&CN và đối tác đã tiếp nhận, thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN tại khu vực phía Nam về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các vấn đề có liên quan hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như: Tài chính, định giá tài sản trí tuệ, kinh nghiệm quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… qua đó, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trên thực tiễn.
Hoàng Giang