Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Một nông dân gánh quả đạn cối chưa nổ về nhà để bán phế liệu. Ảnh: kinhdoanhvaphapluat |
Nơi đây đời sống của dân cư còn khó khăn, điều kiện canh tác, chăn thả gia súc... thu nhập thấp, không có các dịch vụ đa dạng như miền xuôi, do đó, việc đi thu gom phế liệu chiến tranh là nguồn thu nhập khá hấp dẫn với người dân.
Ngoài kim loại chính thu được là gang, sắt, một số người còn liều lĩnh lấy thuốc nổ để bán, nguyên nhân này càng gây nên nguy cơ tai nạn cao. Đa phần các đối tượng này không có kiến thức về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các loại bom mìn, nên đã tự động tháo, cưa, cắt lấy thuốc nổ, càng tăng nguy cơ gây nổ.
Nhóm những người dân đi khai hoang, dựng nhà, lều, canh tác, chăn thả gia súc đứng thứ 2 trong số người bị tai nạn bom mìn, chiếm 27%. Dân cư ở miền núi cần phát triển sản xuất quảng canh, trồng cây nguyên liệu, dược liệu đã tiến hành khai hoang, phục hoá để mở rộng thêm đất đai canh tác ở những khu vực còn bị ô nhiễm do bom mìn, nên dễ xảy ra tai nạn.
Trẻ em nô đùa, nghịch với các loại bom mìn, vật nổ vô tình tìm được chiếm tới 20% trong các vụ tai nạn thương tâm. Nguyên nhân do thiếu hiểu biết, điều kiện kinh tế gia đình các em khó khăn hơn miền xuôi nên ít đồ chơi, ít trò vui, dẫn đến bom, mìn, vật nổ thường khá cuốn hút trẻ vì tò mò. Cũng một phần do các em muốn có tiền, gom kim loại để bán, trong bối cảnh gia đình ít khả năng hỗ trợ mua sắm sách vở bút mực như các gia đình miền xuôi.
Cũng theo thống kê, các nguyên nhân khác chiếm 16% tổng số các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Nếu tính theo độ tuổi và giới tính, thì 88% là nam giới, đối tượng này rất dễ trở thành nạn nhân của bom mìn, vật nổ.
Chúng tôi có mặt tại các xã ven vòng cung núi Chư-tankra, sân bay K.Leng thuộc huyện Sa Thày tỉnh Kon Tum. Nơi đây có mật độ bom đạn do quân đội Mỹ ném xuống trong các năm 1968-1969 khá lớn.
Các em trai độ tuổi 14 đến 15 thuộc các dân tộc Bahna, Giẻ-Triêng, B'râu ở các xã vùng núi như Ya-Xia, Ya Dom, Ya Tơi và Ya Dal đều biết sử dụng máy dò kim loại để tìm kiếm phế liệu chiến tranh trên các dãy núi còn sót lại công sự Mỹ như Chư Kota, Chư Pen. Nguy cơ vướng nổ rất cao. Mỗi máy dò kim loại bán trên thị trường có giá từ 500.000-700.000 đồng/chiếc.
Các máy phạt cỏ bằng động cơ xăng, có chiều dài khoảng 1,5m cũng được người dân ở đây sử dụng phổ biến trong canh tác, phát nương. Nếu vướng phải vật nổ dưới thảm thực vật dày 10 đến 15cm cũng dễ gây nổ.
Trần Minh