Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 6/3, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị lúa gạo toàn cầu - SS Rice News Convention 2024.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 400 nhà nhập khẩu, xuất khẩu và cung cấp các dịch vụ phụ trợ trong ngành lúa gạo cùng các chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu trong ngành từ 30 quốc gia khắp thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam là một trong 03 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
"Trong thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
Để đảm bảo mục tiêu và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương hiện là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
"Nhờ vậy, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. Sự tăng trưởng trong sản lượng, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất được nâng cao đã giúp mở rộng thị trường, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới ở các nước khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Năm 2023, nhờ tận dụng tốt các FTA đã ký kết, sản xuất và xuất khẩu gạo lập kỷ lục về sản lượng, năng suất, khi cán đích với kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4,78 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm trước, mức xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm của ngành lúa gạo Việt Nam.
Năm 2024, trong bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ.
"Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức", ông Nguyễn Anh Sơn đánh giá.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào việc phân tích và thảo luận về các xu hướng thị trường, cập nhật về chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong bối cảnh nước này áp dụng các hạn chế xuất khẩu, cũng như tìm hiểu các nguồn cung cấp gạo thay thế toàn cầu, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á; các vấn đề về thị trường vận tải biển, ảnh hưởng của thời tiết và chính trị đến ngành lúa gạo cũng được đưa ra thảo luận sâu rộng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã chia sẻ những thông tin hữu ích, đề xuất các giải pháp thiết thực trong công tác phát triển thị trường, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo Việt Nam.
Lưu Hương