• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hồ tiêu

(Chinhphu.vn) - Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại. Năm 2025, sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm nay.

17/01/2025 11:40
Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hồ tiêu- Ảnh 1.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024


Sản lượng hồ tiêu ổn định

Do các tác động của của biến đổi khí hậu trong năm 2024 phần nào ảnh hưởng đến việc sản xuất hồ tiêu của người nông dân. Tuy nhiên, một số khu vực các tỉnh lại ghi nhận diễn biến tình hình thời tiết thuận lợi.

Tại Đắk Nông, thủ phủ của hồ tiêu Việt Nam, sản lượng được ghi nhận tương đương năm ngoái. Sản xuất tại một số khu vực tại các tỉnh trọng điểm còn lại như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chiều hướng tích cực khi giá hồ tiêu tăng nên người nông dân mạnh dạn đầu tư chăm sóc, phục hồi vườn tiêu hiện có.

Trong khi đó tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn thứ 2, được đánh giá là giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và không có nhiều hiện tượng trồng mới. Dự kiến phải qua Tết Nguyên Đán nông dân mới bắt đầu thu hoạch Hồ tiêu và kéo dài đến hết tháng 4/2025.

Giá nội địa trong 3 tháng cuối năm 2024 không có nhiều biến động và duy trì ở mức bình quân 140.000 - 150.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu năm, giá nội địa tiêu đen tăng 75,6% và tiêu trắng tăng 68,8%, tương tự giá xuất khẩu cũng tăng 30,7% đối với tiêu đen và 28,6% đối với tiêu trắng.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết năm vừa qua (2024), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,32 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt gần 1,18 tỷ USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD. So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.

Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hồ tiêu- Ảnh 2.

Hiện nay Hoa Kỳ là thị trường đang nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam lớn nhất trong năm 2024

Đảm bảo chất lượng song hành với phát triển thị trường

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu của nước ta hiện nay là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó là các thách thức về môi trường (giảm phát thải carbon), khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững…

Hơn thế nữa, ngành xuất khẩu chủ lực này hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế: Sản xuất còn nhỏ lẻ; thiếu kết nối giữa doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nhà chế biến; hạn chế về vai trò trung gian cầu nối giữa khối tư - khối công, giữa nhà nước - doanh nghiệp; công tác nghiên cứu về thị trường chưa hiệu quả…

Để vượt qua thách thức nêu trên, tạo môi trường bền vững cho xuất khẩu hồ tiêu, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Từ sự hỗ trợ về tiếp cận thông tin thị trường, quy định của nước nhập khẩu đến nguồn vốn, công nghệ.

Đáng chú ý, các chuyên gia cũng nhận định, dư địa để phát triển và khai thác, xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn rất lớn với những lợi thế tự nhiên cùng lợi thế thị trường (khi một loạt FTA đi vào thực thi, nhóm hàng cây gia vị có lợi thế so sánh khá cao).

Do đó, về lâu dài, theo các chuyên gia, nước ta nên tập trung cho bài toán liên kết để tạo vùng nguyên liệu, thay thế và loại bỏ dần những diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Thông qua đó, sản phẩm Việt sẽ nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường xuất khẩu lớn

Hiện nay Hoa Kỳ là thị trường đang nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam lớn nhất trong năm 2024, đạt 72.311 tấn, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023, đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn.

Tiếp theo là các thị trường: UAE đạt 16.391 tấn, tăng 35,1% chiếm 6,5%; Đức đạt 14.580 tấn, tăng 58,2% chiếm 5,8%; Hà Lan đạt 10.745 tấn, tăng 35,2% chiếm 4,3%; Ấn Độ đạt 10.617 tấn, giảm 17,1%, chiếm 4,2%.

Nhập khẩu của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 6 đạt 10.549 tấn, giảm 82,4% và chiếm 4,2% thị phần.

Nhận định về thị trường xuất khẩu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam – cho hay, năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đến 82,4% nhưng tăng nhập khẩu từ Indonesia 76,8%. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu tăng này vẫn chưa đủ đáp ứng tổng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.

Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.

Việt Nam và Brazil vẫn giữ vững vị trí là hai quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong năm 2024. Tuy nhiên, Indonesia đã nổi lên như một nhà cung cấp đáng kể, nhất là khi Việt Nam và Brazil gặp tình trạng mất mùa năm vừa qua.

Trong năm 2025, dự báo sản lượng của Brazil sẽ phục hồi, trong khi Indonesia có thể giảm sản lượng do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ấn Độ, một quốc gia tiêu thụ lớn, cũng dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng từ mưa lũ, dẫn đến việc nông dân hạn chế đầu tư và thanh lý hàng tồn kho khi giá nội địa giảm.

Đỗ Hương