Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải |
Bên lề Hội nghị triển khai Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và Đề án Đổi mới quản lý giấy phép lái xe, diễn ra ngày 1/6 của Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi thêm với báo chí về hai đề án trên.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, hai đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe lần này có nhiều nội dung đổi mới, Tổng cục Đường bộ sẽ có cơ chế như thế nào giúp các cơ sở đào tạo khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để đáp ứng được mục tiêu đề ra?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Chủ trương chung trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe là sẽ xã hội hoá ở mức độ tối đa, kêu gọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào trung tâm đào tạo, thậm chí cả sát hạch, nhưng riêng việc tổ chức sát hạch sẽ do cơ quan nhà nước chủ trì.
Theo chúng tôi được biết, tại các địa phương, doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều trung tâm đào tạo lái xe, tôi cho rằng đây là xu hướng rất tốt.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi đã có các giải pháp khác nhau, trong đó có đề cập đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư liên quan về phí cho công tác đào tạo cũng như sát hạch đã được quy định của Bộ Tài chính, góp phần tạo động lực thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư các trung tâm đào tạo lái xe.
Riêng về các trang thiết bị để quản lý và cấp giấy phép lái xe mới, chúng tôi có trang bị thiết bị cơ sở ban đầu như máy tính, để khai thác cơ sở dữ liệu, phối hợp với lực lượng Công an triển khai công tác đào tạo, hướng dẫn cho người làm trực tiếp.
Phóng viên: Trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe có tình trạng người không học vẫn được thi, vậy chúng ta có những biện pháp nào kiểm soát chấm dứt vấn đề trên?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Theo Đề án mới, công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe là một hệ thống hoàn chỉnh. Ngay từ khi đăng ký học thì hồ sơ của học viên đã được cập nhật vào hệ thống, do đó phải học thực và đăng ký thực.
Còn học thực hay không thì cần phải tăng cường kiểm tra các trung tâm, tăng cường chế tài xử phạt, thậm chí có thể rút giấy phép, dừng thời gian tuyển sinh đối với trung tâm vi phạm.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, việc thực hiện trển khai tin học hóa trên quy mô rộng như hai đề án yêu cầu đã gây ra những khó khăn gì cho các địa phương?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Có hai khó khăn đã được xác định là: một số địa phương chưa đầu tư kịp cơ sở vật chất, và nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở một số địa phương còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa có lực lượng cán bộ thích ứng, chúng tôi phải tiếp tục hướng dẫn đào tạo.
Chúng tôi cũng khuyến cáo địa phương phải tuyển người có kiến thức và đủ trình độ để sử dụng hệ thống tin học quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Phóng viên: Từ ngày 1/7, tất cả các tỉnh, thành phố sẽ áp dụng cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới song một số địa phương còn khó khăn trong đầu tư trang thiết bị, Tổng cục Đường bộ đã có chỉ đạo ra sao để hoàn thành sớm vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các địa phương từ cuối năm 2011 đề nghị các Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính tổng hợp các kinh phí theo nhu cầu trong đề án nêu ra và thông qua HĐND các cấp để đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phục vụ đề án này.
Đến nay, vẫn còn 9 địa phương chưa thông qua việc cấp kinh phí, chúng tôi hiện đang tiếp tục làm việc với các địa phương có thể ứng trước kinh phí nhất định để các sở có cơ sở vật chất triển khai đồng loạt theo Đề án.
Phóng viên: Để hoàn thành việc cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới đòi hỏi sự phối hợp với các bộ chức năng liên quan, vậy Bộ Giao thông vận tải đã có sự phối hợp với các cơ quan chức năng đến nay như thế nào cũng như công tác xử lý vi phạm?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Hiện tại có Thông tư liên tịch số 01 giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Công an về trao đổi các thông tin trong quá trình kiểm soát quy tắc giao thông trên đường và những lái xe vi phạm thì có thông tin lại cho ngành cấp phép đổi bằng lái.
Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp tiếp với Bộ Công an trong việc sửa thông tư theo hướng khai thác chung một cơ sở dữ liệu. Khi một lái xe bị xử phạt sẽ có đánh dấu hoặc vào hệ thống cơ sở dữ liệu, các cơ quan quản lý, thậm chí người dân cũng có thể truy cập vào để tra cứu.
Ngoài ra, để phát hiện các vi phạm trong xử dụng bằng giả, Cảnh sát giao thông sẽ được trang bị kính giải mã trong thực thi nhiệm vụ.
Quỳnh Hoa