Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Phương án bảo vệ bia Tiến sĩ cần được tính toán kỹ lưỡng - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 7/4, UBND Thành phố Hà Nội và Ủy ban UNESCO Việt Nam đã tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận bia Tiến sĩ Văn miếu – Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới của tổ chức UNESCO quốc tế. Ông Đặng Kim Ngọc đã trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ về khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt này.
PV: Một số nước trên thế giới có bia Tiến sĩ, tại Văn miếu Huế cũng có 32 bia đá ghi danh những người đỗ đạt. Vậy đâu là tính độc đáo, duy nhất của bia đá Tiến sĩ Văn miếu – Quốc tử giám, thưa ông?
Ông Đặng Kim Ngọc: 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ (1442-1779) là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là những pho sử đá về lịch sử văn hóa giáo dục Việt Nam, mang tính độc đáo và duy nhất, bởi trải dài gần 300 năm với 82 khoa thi Nho học, còn bia đá ở Văn Miếu - Huế có niên đại từ 1822 đến 1919 với 43 khoa thi.
Mỗi bia Tiến sĩ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo; trán bia, diềm bia, chân bia đều có những hình ảnh điêu khắc tinh xảo, phản ánh sinh động cảnh sinh hoạt của người dân; hình ảnh quan văn, quan võ; các đề tài trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh châu”. Trong khi đó, các bia đá khác trang trí đơn giản, ít tính thẩm mĩ.
Vật liệu dựng bia là đá xanh được tuyển chọn rất kỹ, việc tạo dáng và khắc bia cũng rất công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kỹ năng chế tác.
Bên cạnh đó, nội dung bia đá Văn Miếu - Hà Nội cũng phong phú hơn. Nội dung mỗi tấm bia như là một câu chuyện có mở đầu có kết thúc với 3 phần: tiêu đề, bài ký, họ tên các Tiến sĩ và quê quán. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực thể hiện rõ quan điểm tư tưởng về triết học, sử học, về giáo dục đào tạo và sử dụng nhân tài.
Những điều này đã tạo nên tính duy nhất, độc đáo của bia đá Tiến sĩ Văn miếu - Quốc Tử Giám.
![]() |
Ông Đặng Kim Ngọc - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông Đặng Kim Ngọc: Vấn đề này đang ngày càng cấp thiết bởi du khách khi đến thăm 82 bia đá đều có nguyện vọng được thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc của các bài ký. Từ 10 năm trước cũng đã có sách dịch nội dung bia Tiến sĩ sang tiếng Việt và tiếng Anh, trên các bài nghiên cứu cũng có một phần bản dịch.
Tuy nhiên, để có được các bản dịch tại nhà bia không phải là điều đơn giản và cần công tác nghiên cứu, chuẩn bị. Bởi lẽ, công việc sắp xếp, đặt các bản dịch sẽ phải được tính toán kỹ lưỡng để không phá vỡ cảnh quan của nhà bia.
Nếu dịch hết nội dung 82 bia sẽ rất dài nên dự kiến sẽ chọn một số bài tiêu biểu, mang ý nghĩa tư tưởng lớn để giới thiệu với du khách, như thế việc sắp đặt sẽ dễ dàng và mỹ quan hơn.
Mỗi ngày Văn miếu đón hàng ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế, dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội con số này sẽ còn lớn hơn. Phương án bảo vệ sẽ như thế nào để kế hợp hài hòa việc hưởng thụ văn hóa của người dân và bảo vệ di sản?
Ông Đặng Kim Ngọc: Trung tâm đã trình lên UBND thành phố hai phương án bảo vệ 82 bia đá. Đó là chăng dây mềm hoặc làm hàng rào gỗ, có lan can, cửa chắn, có người canh gác bảo vệ. Phương án chăng dây mềm có thể thực hiện trong ngày thường, còn dịp lễ, tết sẽ có hàng rào gỗ.
Sau khi bia đá Tiến sĩ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, xung quanh nhà bia đã được chăng các dây xích sắt bảo vệ nhưng vẫn không khả thi bởi chỉ một thời gian ngắn du khách đã xô đẩy, thậm chí chui qua hàng rào để chụp ảnh.
Một số ý kiến đề xuất cũng được đưa ra như làm hàng rào kính để du khách có thể chiêm ngưỡng di sản dễ dàng mà vẫn đảm bảo khoảng cách cần thiết. Trung tâm hoạt động khoa học Văn miếu – Quốc Tử Giám đang chờ sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội để có phương án bảo vệ cụ thể để gìn giữ di sản lâu dài.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Trung tâm tập trung công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau về di sản tư liệu quý hiếm này.
Xin cảm ơn ông
Thu Cúc (thực hiện)