Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Nội vụ cho biết, qua gần 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019) những điểm mới của luật đã phát huy hiệu quả tích cực trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ XIII, XIV, XV.
Với một Chính phủ năng động, đã có nhiều đổi mới, cả về tổ chức và hình thức, phương thức hoạt động, thể hiện mạnh mẽ tinh thần của một Chính phủ kiến tạo phát triển, góp phần quan trọng đảm bảo, thúc đẩy sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ rào cản; phục vụ, hỗ trợ phát triển”.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, vẫn còn không ít những vấn đề đang đặt ra cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.
Cùng với đó, bối cảnh quốc tế và đất nước với nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức, rủi ro, đang đò hỏi một Chính phủ thật sự kiến tạo phát triển, rõ về nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền, tinh gọn về bộ máy, hiệu quả về hoạt động, năng động, sáng tạo, phản ứng chính sách một cách linh hoạt, kịp thời, chủ động để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đề ra qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhằm tạo sức bật mới để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) với mục tiêu chung nhằm hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, đồng thời thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, bảo đảm gắn quyền hạn với trách nhiệm và xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất 5 nhóm chính sách xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi, bổ sung):
Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về mối quan hệ phân công, phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước; cơ chế kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Chính sách 3: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Chính phủ với chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, bảo đảm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật.
Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
Chính sách 5: Hoàn thiện các quy định về tổ chức của Chính phủ để tạo khung pháp lý sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mời bạn đọc xem toàn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.
Minh Hiển