Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Dự thảo này đề xuất quy định mẫu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của các Cung Văn hóa, Nhà Văn hóa Lao động, Trung tâm Văn hóa Lao động (Nhà Văn hóa Lao động) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập, hoặc giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn trực tiếp quản lý.
Theo dự thảo, Nhà Văn hóa Lao động được quy hoạch xây dựng tại khu vực trung tâm của đô thị tỉnh/thành, khu vực đông người lao động và dân cư, thuận lợi giao thông và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
Cơ sở vật chất cơ bản của Nhà Văn hóa Lao động gồm: Trụ sở làm việc; hội trường đa năng và các trang thiết bị chuyên dùng; địa điểm để tổ chức các loại hình nghiệp vụ và đào tạo, bồi dưỡng các lớp năng khiếu; các phòng học chuyên ngành, khu dịch vụ, vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất của người lao động, cộng đồng và trẻ em; khu cây xanh, vườn hoa, cây cảnh và các phương tiện cần thiết cho hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động.
Theo dự thảo, Nhà Văn hóa Lao động tổ chức các hoạt động như: Tổ chức các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền thông qua hoạt động văn nghệ cổ động tại chỗ và lưu động ở các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động trên địa bàn, phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhà Văn hóa Lao động xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; các tổ, đội văn nghệ; bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào; tổ chức biểu diễn văn nghệ, các cuộc liên hoan, giao lưu hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm. Xây dựng và phát triển các loại hình câu lạc bộ, đội nhóm sở thích; tạo điều kiện để người lao động và nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên.
Bên cạnh đó, Nhà Văn hóa Lao động tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ứng xử văn hóa nơi công cộng, phòng chống các tệ nạn xã hội. Đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa-thể thao, vui chơi giải trí phục vụ người lao động và nhân dân trên địa bàn; tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa-thể thao…
Nhân sự Nhà Văn hóa Lao động
Theo dự thảo, số lượng người làm việc trong Nhà Văn hóa Lao động theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do cơ quan chủ quản quyết định theo phân cấp quản lý nhưng ít nhất các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng phải nằm trong định biên của cơ quan Công đoàn. Ngoài ra, căn cứ vào yêu cầu công việc và khả năng tự cân đối thu chi, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động được ký hợp đồng lao động, nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật.
Viên chức, người lao động công tác tại Nhà Văn hóa Lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động phù hợp với chức danh công việc, đáp ứng yêu cầu hoạt động và quản lý (Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động phải có trình độ chuyên môn chuyên ngành văn hóa).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn