Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đề cập đến việc Chính phủ tổ chức triển khai và quán triệt thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội Khóa XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.
Theo đó, các đạo luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua thuộc nhiều lĩnh vực và các vấn đề quan trọng của đất nước như việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ); việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với sự bền vững của chính sách an sinh, xã hội (Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng); việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (Luật Đường bộ).
Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô Hà Nội (Luật Thủ đô) và một số tỉnh, thành phố (Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An).
"Các đạo luật trên có phạm vi tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đền quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp, sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn trong thời gian qua; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới", Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nêu rõ.
Đặc biệt, việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định của các Luật này đi vào cuộc sống sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, việc tổ chức Hội nghị quan trọng này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể nhân dân; đáp ứng với sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.
Thực hiện sự chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024,, ngay sau khi Kỳ họp, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành cơ quan có liên quan để tham mưu tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, đồng thời kiểm điểm lại kết quả triển khai thực hiện một số luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm sớm đưa quy định của các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào tính pháp quyền, pháp chế; giúp cho các cán bộ, công chức, viên chức hiểu đúng, hiểu rõ, nắm chắc, tự tin trong áp dụng pháp luật, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thông qua các báo cáo và trao đổi thảo luận tại Hội nghị, các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương ở tất cả các cấp sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác triển khai thi hành pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, xác định các giải pháp cụ thể, bố trí, ưu tiên các nguồn lực để thực hiện.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết, nhằm bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Lê Sơn – Đình Hải (thực hiện)