Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo kế hoạch, sẽ tổ chức tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm các bệnh: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, dại ở chó, mèo... vào hai đợt, đợt một, tiến hành trong tháng 2 và 4, đợt hai, các tháng 9 và 10. Đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho các đối tượng: gia súc, gia cầm nhập mới, gia súc gia cầm chưa được tiêm và đến thời gian tiêm nhắc lại theo quy định của Cục Thú y. TP kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện việc tiêm phòng theo quy định.
Về tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sẽ được thực hiện tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn TP vào 5 đợt trong năm. Ngoài các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đại trà toàn TP, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ các khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc, thu gom chất thải.
Về quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quán triệt tới tận thôn xóm, hộ gia đình, phát hiện sớm các ổ dịch để kịp thời bao vây, dập tắt không để dịch bệnh lây lan, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người. Thường xuyên lấy mẫu giám sát lưu hành của virut cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn và tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để xác định mức độ bảo hộ của vắc xin. Trang bị phòng hộ an toàn cho người tiếp xúc, làm việc trong khu vực nghi dịch bệnh, những người tham gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...
Một nhiệm vụ nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh, buôn bán, sơ chế động vật và sản phẩm động vật. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành của TP, quận, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn... Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của TP... Phối hợp với các tỉnh xung quanh kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra, vào Hà Nội.
UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành định kỳ hàng tháng có báo cáo việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Khi có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo bằng điện thoài vào 16 giờ hàng ngày và bằng văn bản (3 ngày một lần) về Thường trực ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
H. Hải