Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ sở thu mua chủ động, đẩy mạnh việc tiêu thụ hải sản tồn kho, tăng cường khâu chế biến. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Trong buổi sáng, đoàn kiểm tra đã kiểm tra các kho lạnh bảo quản hải sản tồn kho tại các xã Đức Trạch và Thanh Trạch đều thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kho bảo quản tại cảng cá Nhật Lệ và kiểm tra nơi tiêu hủy hải sản tại bãi rác Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới.
Tổ công tác của Thủ tướng mua hải sản tại từ kho đông lạnh tại cảng cá Nhật Lệ. Trong bữa trưa, đoàn đã dùng món cá này. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại 4 tỉnh miền Trung còn 5.369 tấn hải sản thu mua, tạm trữ còn tồn kho, trong đó riêng Quảng Bình nhiều nhất với 3.265 tấn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số này có hơn 2.658 tấn bảo đảm an toàn thực phẩm, hơn 606 tấn không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND các tỉnh tiến hành tiêu hủy ngay các lô hàng này, công khai kết quả, bảo đảm hoàn thành trong tháng 11/2016.
Tổ công tác thăm cơ sở thu mua cá của bà Hoàng Thị Hương (xã Đức Trạch). Ảnh: VGP/Hà Chính |
Bà Hoàng Thị Hương, chủ cơ sở thu mua cá tại xã Đức Trạch cho biết các cơ sở đều đã chấp hành nghiêm việc tiêu hủy hải sản. Hiện cơ sở này còn tồn kho hàng trăm tấn hải sản, trong 3 kho lạnh.
Tính tới 1/12, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt kinh phí chi trả bồi thường là hơn 441 tỷ đồng và đã chi trả cho người dân hơn 330 tỷ đồng tiền bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Lê, chủ cơ sở thu mua hải sản tại Thanh Trạch cũng cho biết đã chấp hành nghiêm việc tiêu hủy hải sản. Việc tiêu thụ cũng đã có chuyển biến, nhưng so với hải sản mới đánh bắt, thì hải sản tồn kho bị giảm giá khá mạnh, thấp hơn khoảng 60.000 đồng mỗi kg với một số loại cá.
Tổ công tác thăm cơ sở thu mua hải sản của bà Nguyễn Thị Lê tại xã Thanh Trạch. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 30/11, tổng giá trị thiệt hại của tỉnh Quảng Bình là hơn 2.588 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã ứng chuyển cho tỉnh 1.100 tỷ đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan báo chí đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông báo rộng rãi cho người dân biết toàn bộ số hải sản không an toàn đã bị tiêu hủy, người dân có thể yên tâm sử dụng số hải sản còn lại.Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (người thứ 2 bên phải sang) khẳng định môi trường biển miền Trung đã an toàn cho việc đánh bắt và tiêu thụ hải sản. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ sở thu mua chủ động, đẩy mạnh việc tiêu thụ hải sản tồn kho, tăng cường khâu chế biến. Đồng thời, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi trả việc bồi thường của Formosa theo hướng hải sản tiêu hủy sẽ được bồi thường 100% giá trị, hải sản tồn kho sẽ được hỗ trợ 30% giá trị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng kiểm tra nơi tiêu hủy hơn 504 tấn hải sản tại bãi rác Phú Ninh, TP. Đồng Hới. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Tổ công tác của Thủ tướng mua hải sản tại kho đông lạnh tại cảng cá Nhật Lệ. Trong bữa trưa, đoàn đã dùng món cá này. Đại diện Bộ Y tế khẳng định hải sản tồn kho tại Quảng Bình đến nay qua xét nghiệm đều bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chiều nay 15/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng sẽ dẫn đầu Tổ công tác làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình.
Hà Chính