Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số; TS. Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế.
Các ý kiến tại Tọa đàm đều khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số ngân hàng, đặc biệt, trong thời gian vừa qua, đã phục vụ người dân và góp phần tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng bất chấp đại dịch COVID-19.
"Trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn giao dịch, thanh toán mua hàng hóa bình thường. Đó là những kết quả mà nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá.
Thực tế, một số ngân hàng lớn như: VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… đã chuyển đổi số sớm và thu được kết quả rất khích lệ khi CASA lên đến 40-50% góp phần tăng lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong khi đó, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN thông tin, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam hiện là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Theo khảo sát NHNN, 95% ngân hàng, tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Xuân Hòe đánh giá NHNN đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán, hay thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho câu chuyện công nghệ số áp dụng nhanh hơn…
TS. Phạm Xuân Hòe dẫn các số liệu 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số. Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.
Trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay, trong đó có HDBank. Từ nhiều năm qua, HDBank đã xác định đầu tư công nghệ với chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc và định hướng trở thành "Happy Digital Bank". Hiện HDBank là 1 trong 4 ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm eKYC - định danh khách hàng trực tuyến.
Ông Nguyễn Phúc Dương, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử HDBank kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số cho biết, HDBank đã làm việc với đối tác hàng đầu thế giới là BCG để tư vấn chiến lược chuyển đổi 5 năm cho chuyển đổi số cũng như triển khai chiến lược kinh doanh 5 năm. Dựa vào đó, từ năm 2020, HDBank đã thành lập trung tâm chuyển đổi số và chú trọng tuyển dụng các nhân tài trong, ngoài nước giỏi ngoại ngữ, am hiểu công nghệ về trí tuệ nhân tạo, Big data, Blockchain và kỹ năng làm việc nhóm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngân hàng triển khai nhanh nhất. HDBank cũng xác định rõ các nội dung chính cần tập trung, ngoài yếu tố công nghệ thì yếu tố quan trọng hơn nữa là con người và quy trình.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đối số cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài, từ những quy định về mặt pháp lý, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao đến hạn chế về nền tảng công nghệ.
Theo TS. Phạm Xuân Hòe, thách thức lớn nhất đó là câu chuyện về hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như luật giao dịch điện tử chưa kịp sửa, hay như luật kế toán cũng đã có những câu chuyện "mắc" cho số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy…
Thách thức thứ hai là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn, không phải một sớm một chiều mà có ngay được. Thách thức thứ ba là nhân sự, bởi trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về CNTT, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ dẫn đến sai phạm.
Thách thức thứ tư là vấn đề hacker tấn công trên không gian mạng và luôn có rủi ro mất tiền. Thách thức thứ năm là mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.
Đồng quan điểm với nhận định chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, "số" chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong Quyết định 810 của NHNN.
Thời gian qua, NHNN được đánh giá là một trong những bộ ngành đi đầu về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy các quy định, chính sách, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số. NHNN đã cùng các bộ ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ quyết định thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông cho thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ theo Quy định 1818.
Trong bối cảnh dịch bệnh, NHNN đã gấp rút chủ động nghiên cứu ban hành 2 thông tư: Thông tư 16 quy định về mở tài khoản trực tuyến theo cách thức phi truyền thống. Theo đó, chỉ sử dụng các ứng dụng ngân hàng, tải về các ứng dụng di động kết hợp với công nghệ, chẳng hạn nhận diện sinh trắc học, đối chiếu giữa đặc điểm sinh trắc học với các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân để mở tài khoản thuận tiện.
Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 17 về mở thẻ trực tuyến. NHNN đang xây dựng và trình Chính phủ 2 Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hai Nghị định này được coi là đổi mới về mặt thể chế, quy định để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán, và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thời gian tới.
"NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý", ông Lê Anh Dũng cho biết thêm.
Đối với các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng lưu ý, điều đầu tiên là chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định lấy khách hàng là trọng tâm. Và muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, bảo đảm an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên.
Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong. Phải đào tạo con người ngành mình phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức.
Thứ ba, phải có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền.
Vấn đề nữa là các ngân hàng thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả, bảo đảm làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị hack. Khi người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.
Những ý kiến, đề xuất, mong muốn của các khách mời cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, là yêu cầu cấp bách, bắt buộc, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong và thực tế đang đi tiên phong trong tiến trình này.
Thủ tướng yêu cầu, trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính…