• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tọa đàm trực tuyến: Tuổi trẻ cùng xã nghèo vượt khó

(Chinhphu.vn) – Từ 9h30 sáng nay, 10/9, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”. >> Truyền hình trực tuyến

10/09/2013 09:26

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011, Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) đến nay đã hoàn thành giai đoạn I.

Để đánh giá lại những chặng đường đầu tiên của Dự án với những kết quả đã và chưa làm được, những điểm còn hạn chế, thiếu sót, từ đó rút ra những kinh nghiệm nhằm đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn II sắp tới nhắm đến ba mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Hôm nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ  tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”.

Tham gia chương trình có các vị khách mời:

- Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ - Giám đốc Ban Quản lý Dự án.

- Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương Đoàn

 -  4 trí thức trẻ:

Bạn Nguyễn Thái Sơn - PCT xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ

Bạn Lê Văn Thiện - PCT xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa

Bạn Nguyễn Văn Huân - PCT xã Ngam Lam, huyện Yên Minh, Hà Giang

Bạn La Thị Hằng - PCT xã An Bá, huyện Sơn Động, Bắc Giang

- Một số cán bộ quản lí các tỉnh, huyện, xã.

BTV: Là người gắn bó từ những ngày đầu thành lập Đề án, rồi trực tiếp triển khai Dự án 600 trí thức trẻ, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi Dự án đã trải qua một chặng đường đầu tiên và cho biết những đánh giá, nhận xét về các kết quả đã đạt được của Dự án cho tới thời điểm hiện nay?

 

Ông Vũ Đăng Minh - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi rất vui mừng, xúc động khi đã trải qua một chặng đường cam go. Từ khi bắt đầu dự án, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi, thậm chí chất vấn của đồng bào cả nước và nước ngoài, đặc biệt nhiều người cho rằng, đối với đội viên – những người trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm có thể đảm đương được công việc và vai trò của Phó Chủ tịch xã hay không? Làm thế nào tuyển chọn được đúng người, đúng việc?

 

Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, trình tự thủ tục đầy đủ: từ khâu phỏng vấn, tuyển chọn cho đến đào tạo bồi dưỡng, bố trí về xã, tổ chức bầu, phê chuẩn chức Phó Chủ tịch UBND xã, phân công, giao nhiệm vụ để được chính thức đảm đương chức vụ. 

 

Với việc xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ và triển khai quyết liệt, đặc biệt nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo sát sao đối với tiến độ dự án. Trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ theo hướng tuyển được đến đâu thì đào tạo đến đó và bố trí ngay các đội viên về xã công tác. Với cách làm quyết liệt như vậy, sau 2 năm, chúng tôi hoàn thành giai đoạn 1 với tổng số 580 đội viên được tuyển chọn, phân công về xã công tác. Sau thời gian thực hiện đến tháng 6/2012, Thủ tướng cho phép tiến hành sơ kết giai đoạn 1, kết quả là đã hoàn thành tốt giai đoạn 1, từ khâu tuyên truyền, tuyển chọn, bố trí công tác. Hơn 70% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều bạn được kết nạp hàng ngũ của Đảng.

 

Chúng tôi đã có nhiều cảm xúc, kỷ niệm đẹp đối với toàn bộ quá trình triển khai dự án. Để có được như hôm nay là sự cố gắng vượt bậc từ Trung ương đến cấp tỉnh xã, và đặc biệt là của các đội viên.

BTV: Ông có đánh giá như thế nào về những thay đổi của các đội viên Dự án, cảm nhận như thế nào so với ngày đầu khi gặp các bạn đội viên đi đăng ký tham gia Dự án?

 

Ông  Vũ Đăng Minh: Khi tổ chức hội nghị tuyển chọn, mặc dù trời mưa, các bạn từ khắp các nơi đến chật hội trường. Có nhiều bạn phỏng vấn tốt, nhiều bạn băn khoăn về xã làm công việc gì. Nhưng sau hơn 1 năm, gặp lại các bạn ở hội trường, tôi thấy các bạn có độ trưởng thành vượt bậc, rắn rỏi, chững chạc hơn, tự tin hơn. Có bạn, khi gặp tôi thì nói rằng: “Thầy ơi, em tự tin trên cương vị Phó Chủ tịch xã”.

BTV: Với nhiệm vụ tuyên truyền cho Dự án 600 trí thức trẻ, trên chặng đường dõi theo bước đi của Dự án thời gian vừa qua, ông có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền cho Dự án? Đoàn thanh niên đã khắc phục những khó khăn đó như thế nào?

 

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ông Nguyễn Khắc Toàn: Sau khi Thủ tướng phê duyệt  dự án, Bộ Nội vụ đã thành lập BQL dự án, Trung ương Đoàn thành lập Tổ công tác, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban tổ chức Trung ương Đoàn là đầu mối phối hợp giữa Bội Nội vụ và các Ban liên quan như Ban Tuyên giáo và các cơ quan truyền thông của Đoàn Thanh niên. Trong quá trình thực hiện tuyên truyền dự án có một số khó khăn. Thứ nhất, muốn tuyên truyền hiệu quả thì phải bám sát con người cụ thể, công việc cụ thể, các sự việc diễn ra để phản ánh các hoạt động thực tiễn của đội viên dự án. Như các đội viên đến các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn nên các phóng viên muốn về địa phương, gặp các đội viên thì cũng gặp khó khăn. Hay việc tiếp nhận thông tin qua các kênh như qua mạng, thư điện tử để phản ánh trên các phương tiện thông tin tuyên truyền cũng gặp khó khăn. Vì vậy, sau giai đoạn đầu, chúng tôi có nhiều điều chỉnh, đó là chỉ đạo trực tiếp cho 20 tỉnh, thành đoàn phối hợp với các báo đài địa phương trong việc thông tin tuyên truyền…

 

Thứ hai, Trung ương Đoàn cũng thành lập các đoàn công tác đặc biệt vào các dịp như Thanh niên tình nguyện hè, Tháng Thanh niên ở các địa bàn có các đội viên dự án để hỗ trợ và cung cấp thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

BTV: Hiện tại, Trung ương Đoàn đã và đang triển khai những hình thức tuyên truyền nào và theo ông thì hình thức nào sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất?

 

Ông Nguyễn Khắc Toàn: Trung ương Đoàn sử dụng 4 hình thức truyền thông phổ biến hiện nay: trên báo hình (phối hợp trực tiếp với Đài THVN như với các kênh VTV1, VTV2, VTV6), báo nói (VOV), các báo điện tử và trên các tờ báo viết lớn của Đoàn.

 

Về nội dung, chúng tôi chia theo các giai đoạn của dự án. Giai đoạn đầu, chúng tôi tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của dự án, các mục tiêu cần thực hiện, đặc biệt tuyên truyền cổ vũ và giới thiệu cho các bạn trẻ biết đến dự án để viết đơn nộp hồ sơ để xét tuyển. Vì thế, ngoài việc các bạn đội viên dự án ở các địa phương, đơn vị nộp hồ sơ thì còn có tỷ lệ tương đối các bạn ở ngoại tỉnh như bạn Lương Thị Thanh Huyền ở Hải Phòng. Trong nhật ký bạn ấy viết và gửi cho chúng tôi là bạn ấy có thể có cuộc sống bình yên, có cơ hội phát triển ở Hải Phòng. Hay bạn Bùi Anh Sơn, Ba Vì, Hà Nội, đã nộp đơn và hiện đang làm ở Tân Uyên, Lai Châu; bạn Lê Mạnh Hùng ở Thanh Oai, Hà Nội. Tôi xin trích các bài viết của các bạn mà tôi cảm thấy rất có ý nghĩa, thể hiện nhận thức của các bạn trẻ như bạn Nguyễn Thị Hằng ở Lai Châu: Giờ đây, tuy không sinh ra trong thời kỳ bom rơi đạn nổi, nhưng nỗi đau vì đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân còn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống mưu sinh thường nhật đã thôi thúc thế hệ trẻ chúng tôi ngoài việc ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước còn phải có một trái tim tình nguyện, một bầu nhiệt huyết cách mạng, đem sức khỏe, trí tuệ của mình đi khắp mọi miền xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc với lẽ sống: Những ngày đi với cuộc đời đáng sống/Xin nhận nơi này phó thác trọn niềm tin/Ta đến nơi nào Tổ quốc gọi thanh niên.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

BTV: Thưa ông Giàng Chứ Ly, lãnh đạo xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái, ông có thể cho biết suy nghĩ của mình và người dân nơi ông đang công tác khi Dự án 600 Tri thức trẻ được triền khai và khi biết xã mình sẽ có 1 đội viên về dân tộc?

 

Ông Giàng Chứ Ly: Trước hết là 1 xã nghèo như xã La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải, trước khi thực hiện Dự án 600 tri thức trẻ đã có những bước khảo sát và đồng thời chúng tôi là những người chắp bút và nhận các tri thức trẻ về để làm đổi thay diện mạo địa phương mình, để hòa nhập vào sự đổi thay và phát triển chung của đất nước. Đó là những cảm nghĩ đầu tiên của chúng tôi.

 

BTV: Vậy thưa ông người dân có hồ hởi đón chào không?

 

Ông Giàng Chứ Ly - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ông Giàng Chứ Ly: Trước hết, sau khi các tri thức trẻ đã được rèn luyện và tập huấn, lên với xã nghèo, các tri thức gặp muôn vàn khó khăn, từ cách sinh hoạt cũng như cách tiếp cận công việc cụ thể.  Bà con nhân dân rất phấn khởi, đặc biệt lãnh đạo xã rất quan tâm sau khi có tri thức trẻ về giúp việc cho mình từ những công việc cụ thể và cụ thể hóa các văn bản để làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

BTV: Xin ông có thể cho biết tên Phó chủ tịch xã về xã ông công tác ?

 

Ông Giàng Chứ Ly: Phó Chủ tịch xã của xã La Pán Tẩn là Nguyễn Thị Thanh Lam, người Yên Bái, thường trú tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái.

 

Nơi công tác của bạn Lam có 99% dân tộc Mông. Trí thức trẻ rất ham học hỏi, bạn cũng trực tiếp đi bản, lúc đầu gặp bỡ ngỡ, nhưng sau 2 năm làm việc bạn đã có nhiều tiến bộ và các đề xuất đều phù hợp với địa phương và có những bước đột phá trong công việc.

 

BTV: Bạn Nguyễn Thị Thanh Lam đã bắt đầu nói được tiếng dân tộc chưa thưa ông?

 

Ông Giàng Chứ Ly: Khi thực hiện nhiệm vụ, huyện đã mở lớp dạy tiếng dân tộc, bạn Lam đã theo học. Tuy lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng giờ bạn này đã có thể trao đổi, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân.

BTV: Không phải ai cũng có thể dám từ bỏ những mục tiêu và cuộc sống ở những nơi thuận lợi để đến làm việc ít nhất 5 năm trời tại những vùng đất xa xôi, điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Bạn có thể cho biết lý do nào đã đưa bạn đến với Dự án?

 

Đội viên Nguyễn Văn Huân - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Đội viên Nguyễn Văn Huân: Lý do tôi đến với dự án rất bình thường. Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, đối mặt với việc tìm việc làm phù hợp và lo cho cuộc sống bản thân, tôi cũng tìm hiểu nộp hồ sơ xin việc. Qua quá trình tìm hiểu, tôi được biết thông tin về chương trình thí điểm Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Tôi nhận thấy đây là chương trình có tính thử thách, rèn luyện cho bản thân và là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm nên tôi nộp đơn đăng ký.

 

BTV: Khi quyết định tham gia vào Dự án này bạn nhận được những phản hồi gì từ gia đình và người thân?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Tôi đã có gia đình. Bố mẹ, anh chị em và đặc biệt là vợ rất ủng hộ tôi. Đến thời điểm hiện tại chưa có phản hồi nào trái ngược với quyết định của tôi.

 

BTV: Bạn có thường xuyên về thăm nhà không?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Nhà tôi cách cơ quan 20 km, mỗi ngày tôi đi, về 40 km. Tôi đã cố gắng và cũng động viên vợ cùng vượt qua thử thách.

BTV: Thưa ông Minh, ông đã từng tổ chức, tham gia khảo sát các xã nghèo, nơi nào để lại cho ông ấn tượng nhất, có thể là ấn tượng với cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn hoặc ấn tượng với ngươi phó chủ tịch xã và ông đã tuyển chọn và tuyển về?

 

Ông Vũ Đăng Minh: Mỗi miền đất chúng tôi đến đều để lại tình cảm và nhiều xúc động, mỗi nơi có cung bậc khác nhau. Tôi đến xã La Pán Tần, xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải. Trước khi đi đánh giá sơ kết dự án, tôi đến xã Pá Hu-Trạm Tấu, Yên Bái, xã không có đường ô tô, tôi đi xe ôm, tầm khoảng 3 giờ chiều, rất lạnh mặc dù giữa mùa hè nhưng chúng tôi rất ấm lòng vì nhận được nhiều tình cảm của các bà con và ban, ngành đoàn thể. Qua trao đổi với bà con tại xã, chúng tôi rất mừng, cảm động trước sự quan tâm, chào đón của bà con khi có các đội viên về công tác. Em Hà Chấn Thảo về  xã  Pá Hu. Em gắn bó rất tốt, em đã lập gia đình tại đó. Trong hội nghị, đồng chí bí thư phát biểu em Thảo làm việc rất tốt. Tôi cũng hỏi đồng chí bí thư về quy hoạch sắp tới thì được biết em đang được quy hoạch chức danh Chủ tịch xã giai đoạn 2016-2021. Xã đồng ý nhưng nếu trên Huyện rút đi thì chúng tôi rất tiếc. Từ câu nói của đồng chí bí thư chúng tôi thấy sự tiếc nuối khi rút em này đi nơi khác.

 

Tại huyện Phong Thổ - Lai Châu, đồng chí Chủ tịch xã dùng từ “chú cháu tôi” triển khai việc này, “chú cháu tôi” bàn nhau việc kia. Như vậy, đội viên như người ruột thịt, cùng bàn bạc, chia sẻ công việc tổ chức trồng cây, nuôi con nào để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua các câu chuyện  cho thấy sự đón nhận các các đội viên tại xã.

 

Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6407 ngày 2/8/2013 thực hiện sơ kết dự án có mục giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với UBND các tỉnh thực hiện tốt việc tuyênn truyền, quán triệt đến các cán bộ đảng viên, công chức về mục tiêu yêu cầu của dự án, để  thống nhất nhận thức, đồng thuận việc triển khai thực hiện.

 

Tôi thấy giai đoạn 2 mới là quyết liệt nhất trong quá trình triển khai dự án. Các bạn đội viên triển khai dự án không tránh khỏi va chạm, kể cả với cán bộ công chức. Các bạn nhận thức rằng đây là điều kiện môi trường rèn luyện, đào tạo, thử thách.

BTV: Trong cuộc tọa đàm hôm nay có ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang. Xin hỏi ông, tỉnh có chủ trương đưa các bạn Phó Chủ tịch xã đang làm tốt lên huyện hay không?

 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Chúng tôi nhận thức rằng với Nghị quyết 30a, Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho các huyện nghèo để thoát nghèo nhanh và bền vững.  Tiền của thì có rồi nhưng thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy, dự án 600 Phó Chủ tịch xã vừa đáp ứng nguồn nhân lực, vừa đào tạo cán bộ trẻ từ cơ sở. Từ dự án này, những bạn nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 2 - 3 năm (chưa cần kết thúc dự án) có thể sắp xếp vào các vị trí công chức cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cao hơn.

 

BTV: Nếu các trí thức trẻ không muốn lên cấp huyện hoặc cấp tỉnh mà muốn ở lại xã thì tỉnh có tạo điều kiện không?

 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Tỉnh luôn luôn tạo điều kiện. Vì khi các trí thức trẻ được đảm nhiêm vị trí  Phó Chủ tịch UBND xã thì đã vào quy hoạch để phát triển đảng viên từ cơ sở, quy hoạch vào các chức danh UBND cấp xã. Cấp huyện phối hợp với cấp xã để có phương án bố trí các đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ về các cơ quan phù hợp với chuyên ngành đã được học và được phát huy ở cơ sở.

BTV: Xin hỏi chị Lò Thị Thúy Hà, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La, Tỉnh Đoàn Sơn La đã có sự phối hợp như thế nào với Sở Nội vụ và các ban ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai Dự án và có những điều nào khiến chị trăn trở?

 

Chị Lò Thị Thúy Hà: Đối với Sơn La là 1 tỉnh miền núi còn khó khăn, trong 11 huyện có 5 huyện nghèo, có 49 đội viên đang làm nhiệm vụ Phó chủ tịch xã nghèo.

 

Đối với khâu chuẩn bị tuyển chọn đội viên, Tỉnh Đoàn Sơn La đã thành lập tổ công tác giao cho Ban Tổ chức Kiểm tra tỉnh Đoàn phối hợp với các ban và văn phòng chuyên môn của Tỉnh Đoàn để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

 

Chị Lò Thị Thúy Hà - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Chúng tôi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền tới bà con nhân dân, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, vì Đoàn viên thanh niên chính là đội ngũ tuyên truyền tốt nhất về mục đích và ý nghĩa của Dự án. Có sự ủng hộ của bà con nhân dân, các trí thức trẻ có thể triển khai thực hiện công việc một cách tốt nhất.

 

Được sự ủng hộ cấp ủy Đoàn và chính quyền các đoàn thể cấp xã, khi các bạn về nhận nhiệm vụ sẽ khắc phục được những khó khăn ban đầu như phong tục tập quán, ngôn ngữ, các điều kiện khác và đặc biệt là điều kiện sống. Các bạn cố gắng nỗ lực hòa đồng, thích nghi với điều kiện ở cơ sở thì mới có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình.

BTV: Bạn có thể giới thiệu qua cho khán giả biết về xã Long Cốc, Huyện Tân Sơn, Phú Thọ nơi mình đang công tác không, bạn Thái Sơn?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Xã tôi đang công tác là 1 xã nghèo, cách trung tâm 27 km về hướng đông nam. Diện tích 2.478 ha, trong đó có 3.269 nhân khẩu, 93,3% là người dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh và một số dân tộc khác. Toàn xã có 30,5% hộ nghèo. Theo thống kê, thu nhập bình quân năm 2012 là 10,2 triệu đồng/người/năm.

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Toàn xã có 8 thôn, 2 thôn xa nhất nằm cách trung tâm xã 4 km. Kinh tế của xã chủ yếu là kinh tế nông, lâm nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp là 1.800 ha, trong đó 1.500 ha của công ty Sơn Đài. Diện tích cây chè của xã là 365 ha. Diện tích cây lúa là 101 ha. Do vậy, với diện tích cây nông, lâm nghiệp như vậy, để phát triển về lâm nghiệp và nông nghiệp, bà con quả thật rất khó khăn.

 

BTV: Được biết khi tham gia vào Dự án, Sơn có đề án là chăn nuôi và phát triển giống lợn rừng lai. Đề án của bạn đã triển khai đến giai đoạn nào? Trong quá trình triển khai thực tế, bạn có gặp phải những khúc mắc gì không?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Khi tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, tôi có bảo vệ đề án phát triển chăn nuôi lợn rừng lai. Khó khăn nhất là kinh phí, bắt buộc phải lồng ghép với chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện tại, đề án đã được lồng ghép với đề án 30a của Chính phủ và đã triển khai trên 10 mô hình (10 hộ gia đình trong xã).

 

BTV: 10 gia đình đó tiến hành như thế nào?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Trước khi tiến hành triển khai, tôi có rà soát. Những hộ có diện tích nuôi trồng rộng rãi và có lao động, tôi mới bình xét tiến hành.

 

BTV: Bà con đón dân tộc đón nhận dự án này như thế nào?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Bà con rất đồng tình, ủng hộ.

BTV: Xin hỏi bạn Lê Văn Thiện, bạn có thể chia sẻ về công việc thường nhật của bạn trong công việc của mình trên cương vị Phó Chủ tịch xã được không?

 

Đội viên Lê Văn Thiện - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Đội viên Lê Văn Thiện: Tôi về làm Phó Chủ tịch xã Xuân Chinh, phụ trách mảng văn hóa xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa xã hội trong trong cuộc sống hàng ngày cũng như với việc phát triển kinh tế, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ tham mưu đề xuất với đảng ủy, tôi mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, với địa phương xây dựng 2 mô hình trồng mía cao sản trên địa hình 15 độ dốc. Và hiện tại xây dựng mô hình nuôi ong mật.

 

Diện tích tự nhiên của xã tương đối lớn, trên 7.000 ha.  Với điều kiện có sẵn là nguồn hoa dồi dào, ong mật đem lại hiệu quả kinh tế lớn, tôi đề xuất xây dựng 2 mô hình được chính quyền, cấp ủy địa phương ủng hộ cao.

 

Về mô hình trồng mía cao sản, đã  trồng được gần 10 ha và cung cấp nhà máy đường Lam Sơn, mô hình nuôi ong triển khai tại 3 hộ và đã cho thu nhập.

BTV: Bạn là đội viên duy nhất trong 67 đội viên của Hà Giang được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bạn có thể cho biết các đề án bạn đã và đang thực hiện dự án?

 

Đội viên Nguyễn Văn Huân: Tất cả các bạn tham gia dự án này đều về những nơi có điều kiện kinh tế tự nhiên, xã hội khác nhau. Các bạn sẽ tìm những biện pháp phát triển khác nhau. Tiếp xúc với người dân, với các bản sắc văn hóa khác nhau sẽ phát huy được những thế mạnh của mình. Tôi may mắn được chính quyền và người dân tin tưởng. Không chỉ riêng tôi mà  tất cả các bạn luôn cố gắng học hỏi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nơi mình công tác. Từ khi tôi về xã công tác và nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã tôi đã nghiên cứu và trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã để tìm ra hướng phát triển cây thảo quả và dự án đã bước đầu thành công. Dự án đã đi được một phần ba quãng đường.

 

Hiện tại, dựa trên chính sách của huyện khuyến khích vận động người dân chăn nuôi theo mô hình tập trung để cải tiển hình thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ của người dân, và mong muốn từ phương thức mới mang lại hiệu quả. Nhưng khó khăn là người dân thiếu mạnh dạn và thiếu kiến thức. Qua tuyên truyền và vận động thì hiện tại chỉ có một người dân mạnh dạn tham gia xây dựng mô hình. Trong tương lai sắp tới tôi hy vọng sẽ học những mô hình phù hợp với địa phương.

BTV: Xin hỏi bạn La Thị Hằng, Phó Chủ tịch xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang: Được phân công về xã làm việc và phụ trách mảng văn hóa xã hội, bạn đã có những sáng kiến nào để bảo tồn và phát triển những bản sắc dân tộc nơi xã bạn đang công tác?.

 

Đội viên La Thị Hằng - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Đội viên La Thị Hằng: Tôi đã được UBND xã giao phụ trách mảng văn hóa xã hội. Đây là lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành học tại Đại học, giúp phát huy khả năng và kiến thức đã học ở trường.

 

Xã có 70% là dân tộc thiểu số, trong đó có trên dưới 40% người dân tộc Cao Lan. Dựa trên các đặc điểm tình hình văn hóa xã hội ở địa phương, khảo sát nhu cầu của người dân và xin ý kiến lãnh đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, tôi đã xây dựng đề án “Xây dựng nhà trưng bày truyền thống kết hợp thành lập CLB Sình ca của người dân tộc Cao Lan, thôn Lái, xã An Bá”. Đề án đã được bảo vệ thành công trước Hội đồng bảo vệ ở lớp tập huấn ở Việt Trì, Phú Thọ. Khi về địa phương, tôi đã tham mưu với lãnh đạo xã, và kiến nghị đề xuất lên UBND Huyện và Phòng Văn hóa thông tin huyện để hỗ trợ một phần kinh phí. Bên cạnh đó, tôi cũng đang trong quá trình triển khai và xây dựng đề án phát triển văn hóa xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại địa phương; xây dựng mô hình kiểm tra và củng cố góc học tập của học sinh tiểu học và trung học trong xã. Mô hình gồm hai nội dung chính:

 

- Thành lập ban chỉ đạo xã và các tiểu ban ở thôn tiến hành việc kiểm tra học tập tại nhà của các em học sinh

 

- Thứ hai là tiến hành khảo sát và kiểm tra hiện trạng góc học tập của học sinh, từ đó hỗ trợ các em về trang thiết bị học tập. Ban chỉ đạo có thành lập 1 quỹ mang tên “Góc học tập cho em”, sau đó, ban chỉ đạo sẽ có biện pháp tuyên truyền, vận động các tổ chức ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ về vật chất và hiện vật  như bàn, ghế, đèn học… Những em nào thiếu trang thiết bị học tập và thuộc diện hộ gia đình đặc biệt khó khăn thì quỹ sẽ tài trợ.

 

BTV: Khi về làm PCT xã, hệ số lương các bạn được hưởng là hệ số 2,34 cùng một số khoản trợ cấp khác. Với mức lương đó bạn có đủ chi phí cho sinh hoạt, đặc biệt là một số bạn có gia đình?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Mức sinh hoạt này vừa đủ và vừa dư một chút.

BTV: Thưa ông Nguyễn Văn Nghĩa, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, trên cương vị công tác hiện tại, ông dành sự quan tâm như thế nào đến Dự án và các nội dung đang được triển khai ở địa phương?

 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Thưa các bạn, chúng ta đang công tác ở xã nghèo của các huyện nghèo. Ai cũng rất thấm thía là khi đã nghèo thì sẽ rất khổ, thiệt thòi. Với tinh thần của các bạn trẻ dám lên xã nghèo công tác, đưa ra giải pháp, đề án để giúp bà con thoát nghèo bền vững, tôi rất hoan nghênh các bạn.

 

Với trách nhiệm của mình, tôi đã, đang và sẽ tham gia cùng các bạn các công việc như: tham mưu chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về dự án để tạo sự thống nhất nhận thức về mục tiêu của dự án; tham mưu cho lãnh đạo cấp tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho đội viên về điều kiện làm việc, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, đã nói đến xã nghèo thì sẽ rất khó khăn để đáp ứng đầy đủ phương tiện làm việc cho từng đội viên. Chúng tôi đang đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo đội viên dự án tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính. Ngày mai, tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức tọa đàm tại huyện Sơn Động để nghe 19 đội viên huyện Sơn Động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị, giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham mưu xây dựng tiêu chí đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ của các đội viên để sơ kết, tổng kết. Những ai hoàn thành xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển chọn trước.

 

Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đối với các đội viên Dự án đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng, ví dụ Sở Tài chính có dự trù kinh phí kịp thời để các đồng chí an tâm công tác.

 

Nhân đây, đề nghị một số nội dung: đề nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ những chương trình mục tiêu hàng năm để quan tâm, phát triển, thực hiện những đề án mà đội viên xây dựng, để các đề án của các đồng chí có thể đi vào thực tế. Đề án của các đồng chí được xây dựng rất công phu, khoa học nhưng để thực hiện tại xã thì rất khó khăn. 19 đội viện Dự án của tỉnh Bắc Giang có 19 đề án. Nhưng trong đó chỉ có 4 đề án: trồng khoai tây, nuôi thỏ theo mô hình hộ gia đình, nuôi ong mật ở khu du lịch Khe Đỗ, Tây Yên Tử và đề án vệ sinh môi trường nước sạch đang được triển khai. Các dự án còn lại chưa có kinh phí triển khai.

 

Tôi cũng đề nghị Ban Quản lý dự án tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo, với nội dung bồi dưỡng phải đổi mới, sát với thực tế hơn.

 

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần sớm ban hành hướng dẫn khi các đội viên hoàn thành nhiệm vụ thì được tuyển chọn theo quy trình như thế nào?

BTV: Xin hỏi chị Mã Thị Trà My, Trường Phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, khó khăn huyện gặp phải khi triển khai dự án?

 

Chị Mã Thị Trà My - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Chị Mã Thị Trà My: Khi Dự án về huyện Bảo lâm thì huyện rất khó khăn, trình độ dân trí thấp. Trình độ chuyên môn cấp xã thấp, hiện nay trên 50% cán bộ công chức chưa qua đào tạo, việc thực hiện dự án 600 PCT xã tại huyện rất hợp lý. Qua 2 năm thực hiện, có vấn đề khó khăn thì phòng, vụ trực tiếp tham mưu cho UBND huyện giải quyết tình huống như là:

 

Đối với huyện có 10 PCT xã, khi tuyển dụng có trình độ chuyên môn sư phạm nhưng sau khi về xã thì nhận nhiệm vụ chuyên môn là kinh tế. Do vậy, nhiệm vụ không phù hợp chuyên môn tuyển vào. Huyện đã hướng dẫn cho đội viên các bước xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội, tiếp cận các cơ quan của huyện. Sau khi các PCT xã nhận nhiệm vụ, chúng tôi mời các PCT xã trực tiếp dự các cuộc giao ban của huyện để tiếp cận việc huyện phân công tới xã.

 

MC: Lúc nãy ông Nguyễn Văn Nghĩa đã đề cập vấn đề phát triển Đảng cho các Phó Chủ tịch xã. Xin hỏi ông Giàng Chứ Ly, đối với địa phương của ông thì bồi dưỡng đảng viên như thế nào?

 

Ông Giàng Chứ Ly: Theo điều lệ đảng, để giới thiệu đồng chí kết nạp đảng thì cần ít nhất 1 năm theo dõi công tác. Sau khi tiếp nhận trí thức trẻ Oánh Thị Thanh Lam và thấy đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chúng tôi đã cử đồng chí đi học cảm tình đảng và tiếp tục giới thiệu đồng chí vào hàng ngũ của đảng.

BTV: Trong chặng đường tiếp theo đồng hành cùng việc triển khai giai đoạn II của Dự án, Trung ương Đoàn sẽ có kế hoạch mới gì cho công tác tuyên truyền về cả nội dung và hình thức, mong bạn chia sẻ thêm?

 

Ông Nguyễn Khắc Toàn: Thông qua việc bám sát qua trình triển khai dự án và kết quả công việc của các bạn trí thức trẻ, chúng tôi thấy rất nhiều các đề án được triển khai có hiệu quả. Chúng tôi đã trực tiếp đến thăm các mô hình như mô hình của bạn Đinh Thị Kim Thảo về sản xuất chè sam ở Mường Khương, Lào Cai hay thăm bạn Phan Trọng Thảo với mô hình cá điêu hồng hay bạn Tô Văn Học ở Mù Cang Chải với mô hình trồng măng tre bát độ.

 

Trung ương Đoàn Thanh niên, trên cơ sở tổng kết, đã giới thiệu các mô hình đó để các bạn đội viên khác tham khảo để triển khai phù hợp vào địa phương của mình. Các mô hình, chương trình của Đoàn Thanh niên phát huy tinh thần xung phong tình nguyện và dấn thân của các đoàn viên, thanh niên. Phong trào thanh niên tình nguyên đã lan tỏa tới các tầng lớp và đối tượng thanh niên trên nhiều lĩnh vực như: An toàn giao thông, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó còn có các tháng cao điểm như: tháng thanh niên, thanh niên tình nguyện hè, tình nguyện mùa đông, một số chương trình trọng tâm như Làng thanh niên lập nghiệp biên giới và sắp tới Hội thầy thuốc trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam xây dựng  dự án đưa y bác sỹ trẻ về 62 huyện nghèo.

BTV: Được biết dự án sẽ kết thúc vào năm 2017, như vậy sau khi hoàn thành nhiệm vụ với cương vị là PCT xã, đội viên dự án sẽ có những cơ hội về công việc như thế nào?

 

Ông Vũ Đăng Minh: Theo dự án, lộ trình của các bạn thực hiện rất rõ ràng, được quy định tại QĐ số 08 ngày 26/1/2011 của Thủ tướng, đội viên tham gia dự án thuộc biên chế nhà nước nhưng không nằm trong số lượng, cơ cấu chức danh theo Nghị Định 92. Các bạn thuộc nguồn biên chế của nhà nước đã quy định. Đó là cơ sở pháp lý để thực hiện công việc tiếp theo.

 

Trong quy định của Dự án, hết 5 năm thực hiện dự án nếu xã có nhu cầu tiếp tục quy hoạch vào các chức danh tương đương hoặc cao hơn thì sẽ ưu tiên bố trí ở cấp xã để tăng cường giúp cho cơ sở và phát triển tiếp theo. Nếu trong trường hợp cơ cấu số lượng công chức ở xã không có điều kiện để quy hoạch bố trí sử dụng, các bạn sẽ được xét tuyển công chức ở cấp huyện, cấp tỉnh. Trong trường hợp đó sẽ thực hiện xét tuyển theo quy định tại Nghị định 24 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo quy định của Luật cán bộ công chức. Các bạn sẽ được xét tuyển chứ không phải thi tuyển. Đây là 2 cơ sở pháp lý quan trọng.

 

Sau Hội nghị tổng kết ngày 26/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, giao Bộ Nội vụ chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn các tỉnh thuộc phạm vi dự án trong việc quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng đội viên. Trường hợp đội viên có thành tích xuất sắc có thể điều động, đề bạt vào các vị trí, chức danh lãnh đạo quản lý, hoặc chuyển làm nhiệm vụ khác phù hợp với năng lực, phẩm chất của đội viên mà không cần phải hết 5 năm theo quy định dự án.

 

Qua thực tiễn triển khai dự án Giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ hết sức vui mừng. Qua 1 năm, nhiều bạn đội viên đã thực hiện, triển khai nhiều chương trình và đề án cụ thể. Tại hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương và hoan nghênh một số bạn như: Trịnh Bảo Luân, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạch tỉnh Bình Định, Nguyễn Thành Phong xã Tấn Đạo, tỉnh Bắc Giang, triển khai dự án trồng khoai tây. Em chủ động cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương để giới thiệu bà con trồng. Sau khi trồng, bạn đề xuất xã giới thiệu mình liên hệ các công ty để bao tiêu sản phẩm. Vụ Đông năm 2012 vừa rồi, dự án của bạn đã trồng được 18 ha, thu lãi được 4,5 triệu đồng/ha.

 

Qua thực tế triển khai 1 năm, lúc đầu chúng ta chỉ có 39 đảng viên nhưng sau 1 năm chúng ta có thêm 49 bạn kết nạp Đảng và 65 bạn được bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới. Sau hội nghị sơ kết, cơ bản 65 bạn đã thông báo là đã được kết nạp.

 

Như vậy, các bạn được cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá và ghi nhận. Thủ tướng đã có ý kiến để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong quá trình tới đây chúng ta cần có bước tiến  là không cần hết 5 năm, bạn nào có thành tích xuất sắc, được cấp ủy và chính quyền địa phương ghi nhận, có thể sẽ được xem xét và quy hoạch, bổ nhiệm, đề đạt vào các chức danh lãnh đạo quản lý ngay từ khi đang thực hiện dự án.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đang phối hợp với các vụ chức năng của Ban Tổ chức trung ương xây dựng và sớm có hướng dẫn về việc quy hoạch.

 

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các mức độ hoàn thành của đội viên, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn các tỉnh triển khai thực hiện công việc. Có thể tỉnh Bắc Giang sẽ làm thí điểm cho mô hình này trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, mô hình này sẽ được thí điểm ở tỉnh Cao Bằng và sẽ được nhân rộng cho các tỉnh còn lại.

 

BTV: 600 trí thức trẻ về huyện nghèo, tuy nhiên có một số xã nghèo thuộc huyện khá giàu thì các trí thức trẻ không đến được. Vậy trong giai đoạn 2 sẽ có những thay đổi để tất cả các xã nghèo sẽ đón nhận được các trí thức trẻ?

 

Ông Vũ Đăng Minh: Với thành công bước đầu của dự án, Thủ tướng cho phép nhân rộng mô hình, tạo nguồn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học  về làm PCT xã tại các xã thuộc địa bàn khó khăn, không nhất thiết nằm trong diện nghèo. Hiện giờ có 3 tỉnh đang triển khai thực hiện. Tỉnh Lâm Đồng nhân rộng mô hình với 40 đội viên, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Vụ Công tác thanh niên đang thẩm định các đề án để trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay đã nhận được rất nhiều đề án của các địa phương. Trên mô hình này thì mỗi xã vùng sâu vùng xa, các xã biên giới không thuộc diện nghèo nhưng thuộc diện khó khăn được vận dụng mô hình để đưa tri thức trẻ có trình độ đại học ưu tú về xã làm PCT và thông qua đó để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ cho tỉnh.

BTV: Tôi nhận thấy hầu hết các bạn về địa phương đều có 1 đề án, không lớn thì nhỏ, nhưng kinh phí cho đề án thì rất ít. Vậy bên Trung ương Đoàn liệu có chiến dịch nào đó tuyên truyền tới các doanh nghiệp? Trung ương đoàn có xây dựng dự án vận động tài trợ để dự án thực sự đi vào cuộc sống?

 

Ông Nguyễn Khắc Toàn: Chúng tôi đã có ý tưởng đó. Trung ương Đoàn có Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với trên 9.000 hội viên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc, giới thiệu với các lãnh đạo doanh nghiệp đề án của các đội viên đang có khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trao đổi với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong các chương trình giới thiệu sản phẩm của mình đến vùng sâu, vùng xa có lưu ý đến các địa bàn này.

 

BTV: Tôi nghĩ chúng ta vào cuộc bây giờ cũng hơi muộn. Khi các bạn đội viên bảo vệ đề án thành công thì lập tức phải có 1 doanh nghiệp hoặc một số vốn tài trợ cho các bạn thực hiện ước mơ của mình.

 

Ông Vũ Đăng Minh: Tôi thấy ý kiến của chị rất hay, thiết thực với các đội viên. Tôi là người thẩm định trực tiếp đề án của các bạn. Các bạn xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội ở các xã nghèo và cũng hết sức tiết kiệm, hợp lý. Có những đề án chỉ cần vài ba chục triệu đồng là thực hiện được. Điều quan trọng là bạn triển khai đề án như vậy sẽ nhân rộng mô hình trong bà con và sẽ khuyến khích, thôi thúc phát kiến, sáng tạo đối với các bạn đội viên khác. Tôi thấy nếu làm được điều đó sẽ rất hữu dụng

 

BTV: Tôi nghĩ bản thân các tỉnh cũng phải có kế hoạch kêu gọi mạnh thường quan tâm đến các đề án trước khi Trung ương Đoàn triển khai rầm rộ về việc này. Có thể, cũng cần có kiến nghị chính quyền tỉnh để trước hết là tài trợ cho các bạn trong tỉnh để phát triển đề án tốt hơn.

 

Ông Vũ Đăng Minh: Trong các cuộc họp, tôi nhận thấy các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện đề án của đội viên trí thức trẻ. Đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh UBND Bắc Giang cho biết sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để đề án đi vào cuộc sống. Sở Nội vụ cần đóng vai trò đầu mối tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh.

BTV:  Các bạn đội viên có lời khuyên nào cụ thể cho những thanh nhiên đã và đang góp sức, góp tri thức để tham gia dự án 600 trí thức trẻ giai đoạn 2?

 

Đội viên Nguyễn Thái Sơn: Qua thời gian công tác tại xã, tôi rút kinh nghiệm là triển khai bất cứ nội dung nào cũng cần có sức mạnh của quần chúng, khi về công tác tại xã mình phải làm gương cho mọi người, là người tiên phong thì mới làm tốt nhiệm vụ được giao.

 

BTV: Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo bước đầu đã kết thúc giai đoạn I. Bên cạnh những kết quả thành công mà chúng ta đã thu được vẫn còn có những khó khăn. Những khó khăn này chắc chắn sẽ giúp những đôi chân của các tri thức trẻ thêm cứng cáp và vững vàng. Còn nhiều lắm những dự định ấp ủ, những hy vọng chờ đợi các bạn ở phía trước.

 

Chúng tôi tin rằng tất cả các bạn trí thức trẻ tham gia vào Dự án nói riêng và các tri thức tương lai đều có một suy nghĩ chung là cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự hy vọng của các lãnh đạo và sự mong đợi của nhân dân.

 

Và để tiếp thêm sức mạnh cho các bạn, chắc chắn các cấp, ngành, và nhất là lãnh đạo địa phương cũng sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để các bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời; cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị khán giả. 

Cổng TTĐT Chính phủ