• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tọa đàm trực tuyến về giảm thiểu tai nạn giao thông

(Chinhphu.vn) - Từ 9h30 sáng nay (2/7), Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông". Truyền hình trực tuyến

02/07/2013 09:33

Ảnh VGP/Toàn Thắng

BTV: Tôi xin đọc đoạn mở đầu một bài văn của em Phạm Nhật Minh (Hải Dương) thay cho lời dẫn đầu của chương trình…

“Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài thường nói với nhau một câu thế này: "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam". Bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy đó là một câu nói hài hước, đùa vui. Lúc ấy tôi đã chưa thể nhận ra, dù đó là câu đùa đấy, nhưng không phải tự nhiên mà đùa như vậy! Thêm nữa, đó mới chỉ là trải nghiệm của những du khách đi bộ qua đường phố Hà Nội...

Tới khi toàn cảnh bức tranh giao thông Việt Nam được phô bày trước mắt, thì câu nói hài hước của du khách nước ngoài không đủ để hình dung nữa, mà thay vào đó, là câu hỏi chua xót và đầy ám ảnh của nhà báo Quản Hồng Đức: "Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta?".

Thưa quý vị, trong 6 tháng đầu năm 2013, 4.913 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Hôm nay, chúng tôi mời đến đây các vị khách, mong là qua cuộc bàn thảo công khai này sẽ có những giải pháp để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Tôi xin giới thiệu các vị khách mời:

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy Ban ATGT Quốc gia

Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt

Ngay từ bây giờ quý vị và các bạn có thể gửi câu hỏi đến chương trình theo đường dây nóng 08048113 hoặc theo địa chỉ doithoai@chinhphu.vn

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1, Đài truyền hình kỹ thuật số.

BTV: Tôi xin được bắt đầu cuộc Tọa đàm với nội dung Chỉ thị số 12/CT-TTg  của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải và phía Cục CSGTĐB đã chỉ đạo thế nào để thực hiện tốt được chỉ thị của Thủ tướng?

ÔNg Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh VGP/Toàn Thắng

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chỉ thị 12/CT-TTg có thể cho rằng là quan trọng, thực tế 6 tháng đầu năm, số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm, nhưng số người chết tăng so cùng kỳ. Để đảm bảo mục tiêu vẫn giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông thì cần giải pháp mạnh, tôi cho rằng Chỉ thị 12 là giải pháp rất mạnh với quan điểm và cách làm mới. Trong đó tập trung nhiều vào nâng cao tinh thần trách nhiệm thái độ của người thực thi công vụ và sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của hệ thống chính trị và Ban ATGT địa phương

Đến ngày 6/7, Bộ GTVT, UBATGT tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, có nhiều biện pháp mạnh, kể cả sẽ có kế hoạch và lộ trình để triển khai.

Câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể giống một số chủ trương khác như các hoạt động cao điểm, các chủ trương, nếu không có hành động cụ thể thì chỉ sẽ có “phát” mà không có “động”, chỉ đọng lại trên giấy tờ. Chúng tôi đặt ra là phải làm thế nào để Chỉ thị đi vào cuộc sống.

BTV: Ông có thể cho biết một vài giải pháp được không?

Ông  Nguyễn Hoàng Hiệp: Trước hết, tôi tin rằng Chỉ thị này sẽ có sức sống,

Thứ nhất, đây là Chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, chắc chắn Trưởng ban ATGT các địa phương đồng thời là chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ, ban, ngành phải vào cuộc đồng bộ quyết liệt hơn.

Thứ 2, theo nghiên cứu chung của thế giới, tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, do vậy muốn giảm tai nạn phải kiểm soát tốc độ, muốn kiểm soát chuyện này cần sự vào cuộc của tất cả các lực lượng. Hiện nay, tai nạn giao thông đang là vấn đề bức xúc, cần phải giải pháp mạnh và Chỉ thị này cũng là giải pháp mạnh. Nếu làm tốt chỉ thị, người dân sẽ ủng hộ.

Trên tinh thần như thế, chúng tôi được biết các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT đã có kế hoạch.

Tôi xin khẳng định, để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng sẽ có kế hoạch và lộ trình, phân cấp rõ trách nhiệm trung ương- địa phương, trách nhiệm của từng ban ngành và đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của người thực thi công vụ.

BTV: Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã họp báo về chiến dịch kiểm soát tốc độ, ông có thể nói rõ hơn về chiến dịch này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp báo về việc tổ chức chiến dịch kiểm soát tốc độ. Bởi các tính toán trên thế giới cho thấy nếu tốc độ tăng 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Và trong 6 tháng đầu năm số vụ TNGT gây chết người tăng thì nguyên nhân tốc độ là chủ yếu.

Vì vậy, trong chiến dịch kiểm soát tốc độ chúng tôi sẽ làm đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, xóa điểm đen, cắm biển báo tốc độ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường tuần tra, kiểm tra giám sát tập trung và lưu động.

BTV: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Và từ 1/7, mở đợt cao điểm xử lý vi phạm tốc độ,  nhưng đợt cao điểm này liệu có lặng lẽ chìm đi khi hết đợt hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Trường - Ảnh VGP/Toàn Thắng

Ông Nguyễn Hồng Trường: Trong thời gian qua, mặc dù có những chỉ đạo quyết liệt, thì cả 3 tiêu chí  về số vụ tai nạn, số người bị thương, số người chết đều giảm, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt những tháng gần đây, thì một số vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra.

Về nguyên nhân, ngoài việc người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, DN vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký, dẫn đến các lái xe bất chấp tốc độ, sức khỏe không đảm bảo, lái ban đêm dẫn đến xảy ra tai nạn... nhưng chúng tôi cũng thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Ví dụ, việc cấp phép cho DN vận tải chưa đủ điều kiện; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN vận tải nhất là tại địa phương chưa thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiện tượng có đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có thương hiệu và cho xe bên ngoài vào kinh doanh.

Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng, Bộ GTVT tập trung giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất là thực hiện đợt cao điểm kiểm tra tốc độ xe khách từ nay đến hết năm và đặc biệt là từ nay đến 30/9. Thứ hai, tiến hành rà soát quy định điều khiển phương tiện, sửa đổi Nghị định 91 coi hoạt động vận tải hành khách là kinh doanh đặc biệt với các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập, sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách…

BTV: Tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra trong một thời gian ngắn, ông có nhận định thế nào? Lỗi thuộc về khâu quản lí nào, thưa ông Hiệp?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vào ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng đã cho biết, trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người điều khiển phương tiện lại cao như vậy. Ở đây là có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước.

Nguyên nhân trực tiếp là do người điều khiện phương tiện nhưng tại sao lại như vậy? Rõ ràng là chúng ta phải xem lại khâu quản lý nhà nước. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành để có kế hoạch rà soát một loạt.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có các đoàn thanh tra đi kiểm tra rất nhiều địa phương, tập trung vào kinh doanh vận tải, từ đó phát hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi, kể cả văn bản pháp luật đến tinh thần, trách nhiệm thi hành công vụ, nhất là các Sở Giao thông vận tải.

Với sự quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước sẽ được khắc phục, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm.

BTV: Tai nạn thường tập trung vào tuyến đường miền Trung, ông có lý giải thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tai nạn thường xảy ra ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị. Ở đây có câu chuyện về cung đường. Khi xe chạy từ TPHCM hoặc Hà Nội đến những địa phương này, mà người ta gọi là khoảng trắng, khoảng trống, lái xe bắt đầu có cảm giác mệt mỏi. Theo quy định là lái xe không được liên tục 4h để đảm bảo an toàn.

Thứ hai là về mật độ phương tiện, những địa phương này có điều kiện về du lịch nên lưu lượng khách đến rất đông. Ví dụ như ở Nha Trang vừa rồi liên tiếp xảy ra tai nạn.

Thứ ba là một phần do yếu tố thời tiết. Ví dụ lúc trời nắng nóng cao điểm cũng gây ra mệt mỏi cho người lái xe.

Tuy nhiên, còn có các lý do nữa tùy theo từng vụ tai nạn như về hạ tầng, do tuần tra kiểm soát.

Ông Trần Sơn Hà - Ảnh VGP/Toàn Thắng

BTV: Tôi xin bắt đầu đi vào từng nguyên nhân mà dư luận đang cho rằng góp phần làm tai nạn giao thông gia tăng, xin mời lãnh đạo Cục CSGTĐB:

Trước hết với lãnh đạo của lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, ông có suy nghĩ thế nào khi rất, rất nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông. Có bạn đọc đã viết: “Theo tôi, cũng 100% do CSGT mà thôi. Ngay khi ra khỏi bến xe, khách trên xe đã phải ngồi ghế nhựa và cả trên nóc nắp cabo rồi, ấy vậy mà CSGT ngay tại cổng bến xe vẫn cho xe xuất bến và ban quản lý bến vẫn kí giấy cho xe ra.”

Và thậm chí bạn đọc này còn viết: “Mong BT có địa chỉ Facebook để người dân đi xe chuyển cho BT những hình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT, chỉ có 5-10s là lại lao vun vút. Và xe chở quá người, quá tải hàng... vẫn đi ngon...”?

Ông Trần Sơn Hà: Đây là câu hỏi chúng tôi trăn trở trong nhiều năm, từ khi thực hiện Nghị định 36 năm 1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và Luật giao thông đường bộ 2001, sửa đổi năm 2008.

Vấn đề xử lý nguyên nhân gây tai nạn giao thông được sự quan tâm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Là lực lượng nòng cốt trong việc này, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp  vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên tai nạn vẫn phổ biến, mà 80% nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển phương tiện. Đây là số thực chúng tôi đã điều tra, phân tích.

Tại sao lại như vậy, chúng tôi cho rằng chúng ta đã tuyên truyền nhiều,  dày đặc; báo chí, truyền thông đã tốn nhiều giấy mực, nhưng chuyển biến của nhận thức rất chậm.

Ví dụ, Nhật Bản làm từ những năm 70, họ mất tới 40 năm giải quyết được bài toán về hạ tầng, về số người chết vì tai nạn giao thông, tuyên truyền ý thức, đến nay họ mới giảm được số người chết xuống 6 nghìn người/năm.

Rõ ràng vi phạm quá phổ biến trong khi lực lượng của chúng ta quá mỏng.

Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và chúng tôi có đường dây nóng, của Cục và của các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

BTV: Trong 3 triệu trường hợp, có trường hợp nào CSGT bị xử lý?

Ông Trần Sơn Hà: Chúng tôi xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật.

Cũng trong 6 tháng chúng tôi lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền  cho cảnh sát.

BTV: Liệu 20 trường hợp đã là tất cả?

Ông Trần Sơn Hà: Bộ Công an có cơ quan Thanh tra, những trường hợp có đơn tố cáo đều được cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

BTV: Rất nhiều người phản ánh lái xe bất cẩn trên đường cũng do chủ xe ép tiến độ, thời gian. Đứng từ phía góc độ quản lí nhà nước. Xin các vị khách mời cho biết những biện pháp có thể chấm dứt được tình trạng này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói trong thời gian vừa qua, để quản lý tốt hơn công tác vận tải nói chung và đặc biệt là vận tải hành khách, hàng hóa, Bộ GTVT đã tập trung xử lý rất nhiều vấn đề.
Thứ nhất, tập trung ban hành sửa đổi các quy định về vận tải hành khách, hàng hóa để phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay, đưa ra những điều kiện chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn trong vận tải.

Thứ 2, tập trung đưa vào các giải pháp lớn liên quan tới giao thông vận tải đặc biệt là công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng như tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Đây là 3 nội dung lớn bộ đang tập trung chỉ đạo.

Thứ nhất, đối với công tác đăng kiểm, từ năm 1995 đến nay, Bộ GTVT đã được giao nhiệm vụ và xây dựng hệ thống trung tâm đào tạo sát hạch quy chuẩn hợp chuẩn với các nước trong khu vực và thế giới theo tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ. Các đăng kiểm viên cũng được đào tạo và cấp chứng chỉ đầy đủ.

Hiện cả nước có trên 100 trung tâm, đơn vị cơ sở.

BTV: Về vấn đề lái xe bất cẩn trên đường cũng do chủ xe ép tiến độ. Bộ có chế tài hay biện pháp nào?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Trên thực tế, chúng tôi về mặt quản lý nhà nước, yêu cầu các đơn vị vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Trước 1/7/2012, khuyến khích áp dụng.

Từ 1/7/2012 đến nay bắt buộc phải lắp đặt, thiết bị hành trình này cung cấp cho chủ xe nhiều thông số trong đó có tốc độ, giờ nghỉ….

Từ hôm qua, 1/7/2013, tất cả các đơn vị vận tải sẽ bị xử phạt nếu không lắp đặt thiết bị hành trình cũng như các thiết bị đó không hoạt động.

Ảnh VGP/Toàn Thắng

BTV: Hộp đen lắp trên xe khách cung cấp thông tin về giờ làm việc lái xe, lộ trình, số lần dừng đỗ… Sáng hôm qua, khi thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra quân kiểm tra trên các bến xe khách, khi kiểm tra 17 xe khách thì phát hiện 12 chiếc không hoạt động. Ông có ý kiến gì?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Từ 1/7/2013 trở về trước, thiết bị này bắt buộc nhưng chưa kiểm tra, mục tiêu để các chủ phương tiện tự giác thực hiện, trên cơ sở đó, bảo vệ cho chủ xe, an toàn cho hành khách và bản thân. Những chủ xe không thực hiện thì họ chưa thấy được tầm quan trọng quản lý đội xe, lái xe, tôi tin rằng số đó là không nhiều.

Từ 1/7/2013 trở đi, sẽ tiến hành xử phạt đối với tất cả chủ xe và lái xe không lắp thiết bị hành trình cũng như không hoạt động, tất cả những thông số trên hộp đen sẽ báo hành trình của xe cũng như điều kiện xử lý doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ sửa đổi nghị định 71 tới đây, nhưng những chủ xe vi phạm nhiều lần, chúng tôi tính xấp xỉ 2%, thì sẽ nghiên cứu để dừng cấp giấy phép vận tải, đồng thời không cho lái xe khách nữa đối với lái xe đó.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chiều qua, trước họp báo, chúng tôi có mời 13 đơn vị vận tải của cả nhà nước và tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong câu chuyện trao đổi, chúng tôi đã nói tới giám sát hành trình. Theo thống kê của các đơn vị chức năng, 48.000 ô tô  đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng mới có khoảng 20.000 đã tích hợp dữ liệu. Còn khoảng 28.000 xe chưa tích hợp.

Sáng nay báo đăng, kiểm tra 17 xe có lắp thì 12 xe có lỗi có thể không có cổng in hoặc không hoạt động.

Những doanh nghiệp đó tôi cho rằng, họ không quan tâm tới điều kiện an toàn và quản lý doanh nghiệp. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp này không xứng đáng để tiếp tục kinh doanh trên thị trường, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách.

BTV: Ông Hà nghĩ thế nào về trách nhiệm liên đới của chủ xe nếu lái xe gây tai nạn?

Ông Trần Sơn Hà: Về quản lý vận tải và kinh doanh vận tải thì hệ thống pháp luật như quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Giao thông đường bộ chưa đồng bộ. Khi sơ kết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chỉ đạo phải siết lại hoạt động kinh doanh vận tải nếu là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu thì họ quản lý rất tốt. Nhưng khá nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý kinh doanh vận tải, nhiều chủ phương tiện khoán trắng cho lái xe, lái xe chạy theo lợi nhuận nên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng… Vì vậy cần phải siết lại điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải quá tải…

Kinh doanh vận tải ở các doanh nghiệp lớn thì hoạt động rất trách nhiệm và quản lý chặt chẽ, còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hoạt động hình thức thì bán thương hiệu, góp tiền mua xe chạy thì quản lý lái xe rất lỏng lẻo, hợp đồng không chặt chẽ, để lái xe nghiện hút, tự tung tự tác trên đường, thậm chí mỗi ngày vi phạm tốc độ hàng trăm lần… Vì vậy, việc quản lý tận gốc lái xe từ khâu đào tạo, sát hạch lái xe là việc rất quan trọng, quản lý doanh nghiệp vận tải cũng phải siết chặt.

BTV: Đăng kiểm xe là một phần quan trọng để quyết định chất lượng xe tham gia giao thông. Đã nhiều tai nạn xảy ra và chúng ta đều nhận biết là có những xe khá cũ nát. Ngay về cảm quan cũng có thể thấy những chiếc xe rách tơi tả lưu hành ngoài phố. Nhưng khi cho lưu thông như vậy có nghĩa là xe đã được trung tâm đăng kiểm tiến hành kiểm tra đạt chất lượng. Bạn đọc cũng phản ánh là tai nạn giao thông cũng có sự đóng góp tích cực từ phía cơ quan đăng kiểm. Ông nghĩ sao về phản ánh này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Đăng kiểm xe để lưu hành là điều kiện bắt buộc, Bộ GTVT coi đây là nội dung lớn và đã đầu tư hệ thống đăng kiểm đồng bộ ở các địa phương. Các loại xe được đăng kiểm theo chu kỳ, cấp tem đăng kiểm. Tất cả xe lưu thông trên đường đều được đăng kiểm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tôi khẳng định không có xe nào như bạn đọc phản ánh được chạy trên đường, nếu có thì đó là những xe hoạt động ở vùng sâu, vùng xa không đến cơ quan đăng kiểm, hoặc trốn cơ quan chức năng để chạy. Tôi tin rằng giờ phút này chúng tôi cho kiểm tra tại tất cả các địa phương và không có những loại xe như vậy chạy trên đường.

BTV: Giám sát cơ quan đăng kiểm thế nào để không lọt trường hợp xe cũ nhưng tiền mới thì sẽ được qua?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Đối với cơ quan đăng kiểm xây dựng quy trình, quy phạm để đảm bảo tính khách quan, kiểm định thông qua hệ thống máy móc tự động; in kết quả công bố để lái xe được biết; lắp hệ thống camrera giám sát để lãnh đạo các cấp giám sát hoạt động các trạm đăng kiểm; có đường dây nóng để các lái xe phản ánh về các cơ quan quản lý nhà nước… Vì vậy hiện tượng tiêu cực được giảm tối đa. Chúng tôi mong các quý vị khán giả nếu phát hiện thì gửi thông tin về các cơ quan chức năng để xử lý.

Vừa qua chúng tôi đã thành lập các đoàn kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, qua đó dừng hoạt động 4 trung tâm, xử phạt 29 cán bộ đăng kiểm, đưa ra khỏi dây chuyền 3 cán bộ đăng kiểm… Và theo quy định 6 tháng chúng tôi sẽ thực 1 lần để làm trong sạch đội hình.

BTV: Cứ 6 tháng đến hẹn lại lên thì các trung tâm đăng kiểm có chuẩn bị trước để đối phó không thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Tôi cho rằng việc xây dựng đạo đức tác phong, trách nhiệm của người đăng kiểm là chủ yếu… còn những hiện tượng sai sót thì trong thời gian không dài chúng tôi sẽ loại trừ những cán bộ có biểu hiện tiêu cực trong vấn đề đăng kiểm.

BTV: Việc cấp giấy phép tràn lan, cho cả người không đủ sức khỏe, có người được cấp bằng với điểm cao nhưng không có khả năng lái xe ra đường. Việc siết chặt cấp giấy phép lái xe là biện pháp để giảm tai nạn, xin ông Trường cho biết về nội dung này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Việc siết chặt cấp giấy phép, đào tạo lái xe cũng là nội dung quan trọng để giảm tai nạn giao thông. Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng một quy trình cấp phép cho các trung tâm đào tạo lái xe, sát hạch.

Để đảm bảo khách quan, chúng tôi đã tách khâu đào tạo và khâu sát hạch. Đối với sát hạch, các trung tâm sát hạch được đầu tư công nghệ hiện đại đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hiện trên cả nước có hàng chục trung tâm như vậy, đáp ứng 3 loại sát hạch gồm sát hạch lý thuyết, sát hạch trên mô hình và sát hạch trên đường. Số liệu sát hạch được công khai.

Đối với những người trượt sát hạch, chúng tôi cũng có quy trình đào tạo lại, mới được sát hạch lại để đảm bảo chất lượng.

Đối với đào tạo, ví dụ như điều khiển xe máy có thể học tại nhà nhưng các hạng khác phải học ở trung tâm, có chương trình đào tạo đầy đủ. Người học phải đáp ứng yêu cầu về trình độ và sức khỏe. Sát hạch phải đảm bảo người được cấp giấy phép lái xe khi ra đường phải có ý thức, trình độ tay nghề.

Hiện có tình trạng người học lái xe nhưng không có xe nên học xong có giấy phép lái xe nhưng không lái trong một thời gian dài rồi sau đó mới lái trở lại nên trình độ tay nghề cũng không đảm bảo.

Hiện còn có tình trạng làm bằng giả, qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều trường hợp như vậy. Để chống bằng giả, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai làm bằng mới theo công nghệ hiện đại, có thể lưu hành quốc tế và đến nay chưa phát hiện bằng giả loại mới.

Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra các trung tâm sát hạch để phát hiện những lỗ hổng trong việc cấp giấy phép lái xe. Vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép thu chi phí xăng đi đường dài đối với học viên để đảm bảo số giờ học trên đường.

BTV: Xin hỏi ông Hà về trường hợp tấm giấy phép của người lái xe cụt 2 chân vừa được phát trên truyền hình?

Ông Trần Sơn Hà: Theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT thì phải đủ chân tay, tri giác, mắt tinh, tai thính mới được thi giấy phép lái xe.

Tôi đã từng hỏi cung 1 trường hợp lái xe khách gây TNGT không biết chữ. Khi gây tai nạn thì anh ta điểm chỉ. Tôi hỏi học ở đâu, anh ta không trả lời được, vì làm thủ tục qua một người khác.

Vừa qua, xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok, tôi được lãnh đạo giao phối hợp với địa phương để điều tra. Lái xe, người gây vi phạm đã mất.

Anh này đã lĩnh án 8 năm tù vì án ma túy,  thụ án 7 năm được mãn hạn. Quá trình thụ án anh ta vẫn được đổi giấy phép lái xe, anh ta thụ án được 3 năm anh ta đổi giấy phép, đây là không đúng rồi. Sau khi mãn hạn tù anh ta đổi giấy phép lần 2 từ tháng 5, đến tháng 7 anh gây tai nạn.

Người thực hiện hành vi cho anh này đổi giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật.

Nhiều trường hợp khác nữa, như vụ đổ xe ở Núi Guộc, Nghệ An, anh này chỉ có 1 chân… Đây là một thực tiễn, chúng ta kiểm soát đầu vào chưa chặt, hoặc người ta làm giả hoặc thông qua một cách nào đó người ta lấy được giấy phép lái xe.

Ông Nguyễn Hồng Trường: Thực tế chúng ta có thể gặp những trường hợp như vậy, nhưng xét về mặt ý thức thì con số đó không lớn, đây chỉ là một vài trường hợp hy hữu, cố tình tìm mọi cách để có giấy phép, sau đó gây tai nạn. Đây là những trường hợp đáng lên án, trước sau gì pháp luật cũng tìm ra.

Tuy vậy chúng ta không thể lấy những trường hợp này để đánh giá tổng thể. Vấn đề là phải làm thế nào để khơi dậy được trách nhiệm của người lái xe. Còn trong xã hội hiện nay, thì đây là số rất nhỏ. Còn thực tế chúng ta thực hiện rất đồng bộ và rất tốt.

BTV: Nhưng 1 người có thể gây nguy hiểm cho hàng chục sinh mạng?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Cái đó phải lên án, nhưng quá trình người ta cố tình làm rất khó phát hiện, chỉ khi nào xảy ra mới phát hiện được. Vấn đề là phải có giải pháp để ngăn chặn những trường hợp này.

BTV: Trên bất kì cung đường nào chạy qua địa phương nào cũng có cảnh sát giao thông của địa phương đó lập chốt gác. Vậy việc bỏ lọt những xe quá tải, xe chạy quá tốc độ gây đến tai nạn thì cảnh sát giao thông địa phương đó đã bị xử lí kỉ luật bao giờ chưa, thưa ông?

Ông Trần Sơn Hà: Thực hiện Luật GTĐB 2008 và Nghị định 27 của Chính phủ, lực lượng công an được huy động các lực lượng cảnh sát khác để bảo đảm giao thông.

Nhưng hiện nay, chúng ta có 37 triệu mô tô, xe gắn máy, trên dưới 2 triệu ô tô trên tất cả các cung đường từ liên xã, huyện lộ,… đều có phương tiện tham gia giao thông, nhưng với lực lượng quá mỏng, không thể quán xuyến được, không thể “cầm canh” người coi mèo ở mâm cỗ được.

Chúng tôi thực hiện đề án của Chính phủ, xây dựng các trạm kiểm soát có camera giám sát, qua đó tính tự giác của lái xe nâng lên một chút.

Còn về tình trạng quá tải, hiện nay tình trạng này khá phổ biến, xuất phát từ quản lý vận tải của các doanh nghiệp.

Vừa rồi chúng tôi phối hợp với Tổng cục đường bộ lập 2 kế hoạch thực hiện tại Cảng Hải phòng, phải nói hoạt động của Cảng vẫn bình thường. Nhưng cũng có nhiều kiến nghị rằng kinh doanh phải bình đẳng, có người cho rằng kinh doanh vận tải dứt khoát phải quá tải mới có lãi. Nhưng quá tải hỏng cầu đường, tiền thuế của dân bỏ ra, nhưng lợi ích lại chảy vào túi cá nhân. Đây là điều bất bình đẳng trong thực hiện pháp luật của chúng ta.

Chúng tôi làm trong 1 tháng thì thấy rằng sai phạm này rất phổ biến, khi chúng tôi kiểm tra, người ta tránh, núp vào quán ăn, trạm xăng, khi lực lượng rút họ lại hoạt động. Rõ ràng ý thức của lái xe và doanh nghiệp chưa chung tay thực hiện theo pháp luật.

Rõ ràng các cung đường đều có lực lượng cả, cũng có kiểm soát, nhưng kiểm soát không xuể, lực lượng mỏng. Trời nắng 40 độ lực lượng vẫn giăng ở ngoài đường kiểm tra.

Chúng tôi mong khán giả chia sẻ, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Trời nắng nóng trên đường như thế, ai cũng muốn ngồi trong phòng mát, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông phải làm việc trên đường suốt ngày, thậm chí còn bị tấn công. Như khi thực hiện chỉ thị 22 của Ban Bí thư về bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hơn 20 cảnh sát hi sinh. Hàng trăm đồng chí bị thương, có đồng chí vợ phải đút cháo 10 năm trời,…  để cưỡng chế đội mũ. Phải chia sẻ những gian khổ đó, lực lượng của chúng tôi vẫn được Đảng, Nhà nước tin cậy, giao làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ, bởi nếu không cưỡng chế tính tự giác còn rất kém.

Còn thực tế có trường hợp lọt, quá tải, còn đồng chí nào vi phạm quy trình kiểm soát, để lọt,… thì đồng chí đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chúng tôi làm quyết liệt, nhất là ngày lễ, tết, các trường hợp quá tải phải giảm tải và chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm.

BTV: Một khán giả ở Gia Lai nói rằng không đồng tình với ý kiến của ông Hà là lực lượng rất mỏng. Có những trường hợp xe quá tải và xe nhồi nhét khách, cảnh sát giao thông vẫn cho đi qua. Vậy những cảnh sát giao thông này có bị liên đới xử lý như thế nào?

Ông Trần Sơn Hà : Nếu khán giả có bằng chứng về trường hợp như thế thì cán bộ giao thông đó phải bị kỷ luật. Còn có thể như anh Trường nói, vùng sâu vùng xa có những chỗ người ta đi có thể 1 ngày chỉ 1-2 chuyến xe. Còn trong thành phố, thì khẳng định những tuyến chính không thể tồn tại tình trạng như thế được.

BTV: Tai nạn giao thông do nguyên nhân khách quan chúng ta đã vừa kể. Nhưng còn nguyên nhân chủ quan là ý thức của người tham gia giao thông. Chúng ta sẽ giảm thiểu được tai nạn nếu ý thức giao thông tốt. Có nhiều người nói “ may mà đường xấu nên cánh lái xe không phóng nhanh vượt ẩu được, chứ đường mà tốt thì có mà đâm nhau tối ngày…” Thật là chua xót…Xin hỏi cao kiến của các vị khách mời về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong các điều tra nguyên nhân tai nạn, số liệu như tôi đã nói, khoảng 80% là nguyên nhân trực tiếp của người điều khiển phương tiện hay nói cách khác là ý thức người tham gia giao thông. Các vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, điều tra cho thấy là do ý thức người tham gia giao thông, sự nhường nhịn, chia sẻ trong tham gia giao thông là không nhiều lắm.

Có nhiều người hỏi tôi là phải xây dựng văn hóa giao thông- đương nhiên cao hơn rất nhiều câu chuyện về giáo dục ý thức. Chúng tôi khẳng định UBATGT quốc gia và các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông, trong đó có ý thức giao thông. Nhưng tôi cho rằng, văn hóa giao thông phải nằm trong tổng thể chung của nền tảng văn hóa xã hội. Khi nền tảng văn hóa xã hội chưa cao mà chúng ta hy vọng văn hóa giao thông cao là rất khó, đương nhiên chúng ta vẫn phải nỗ lực, nhưng nó nằm trong tổng thể chung.

Về ý thức người tham gia giao thông, muốn thay đổi phải có thời gian. Rõ ràng phải có quá trình, quá trình này ngắn hay dài phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tôi cho rằng có 2 chuyện.

Thứ nhất là tuần tra kiểm soát. Nếu tuần tra kiểm soát nghiêm thì ý thức sẽ cao lên. Có tình trạng, người Việt Nam ra nước ngoài thì chấp hành rất tốt nhưng về Việt Nam lại không chấp hành, ở đây cũng có tâm lý đám đông, nhưng có câu chuyện là nước ngoài kiểm soát tốt hơn.

Thứ hai, tuyên truyền và giáo dục. Làm thế nào để tuyên truyền được tới nhóm đích. Nhóm mà chúng ta cần phải tuyên truyền về một thông điệp gì đó phải rõ. Ví dụ, chúng tôi đang làm chiến dịch tốc độ, tập trung vào người cầm lái. Phải tính nhóm đích và có giải pháp để tuyên truyền.

Thêm nữa, phải đưa ngay giáo dục ATGT vào nhà trường để hy vọng 5-10 năm nữa chúng ta có một thế hệ người Việt Nam mới, tham giao giao thông có ý thức, biết chia sẻ, nhường nhịn, có văn hóa khi tham gia giao thông.

Tát cả những giải pháp này chúng tôi đã, đang làm, và năm 2014, trong chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục sẽ có đổi mới, năm 2015 sẽ tăng thời lượng vào giảng dạy chính thức đồng thời đổi mới nội dung phương thức hoạt động ngoài giờ về ATGT trong nhà trường. 

BTV: Việc lái xe lạm dụng rượu bia, ma túy nhưng vẫn lái xe ào ào trên đường gây bao nhiêu cảnh thảm khốc vẫn diễn ra. Đương nhiên bắt nguồn từ ý thức, nhưng ý thức có thể điều chỉnh dần bằng việc xử lí nghiêm. Có khi nào ông nghĩ phải có một chế tài tốt hơn nữa so với việc xử lí hành chính thông thường hiện nay đối với những hành vi này không?

Ông Trần Sơn Hà: Việc uống bia, rượu của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới, và đây cũng là một nét văn hóa của Việt Nam. Như ông bà ta thường nói “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nhưng hiện nay việc sử dụng rượu bia đang bị lạm dụng. Chính phủ đã quy định các chế tài xử phạt rất nặng đặc biệt trong Nghị định 71 thì chế tài xử phạt hành vi này rất cao. Tuy nhiên, trong quá trình  xử phạt, xử lý rất khó khăn. Khi những người không đội mũ bảo hiểm bị dừng lại để kiểm tra, xử phạt thì lực lượng chức năng bị phản ứng rất quyết liệt, chống đối rất cao, nhất là những người đã uống bia rượu…

Vì vậy, công tác tuyên truyền là quan trọng, đây là việc lâu  dài, cần được giáo dục ý thức từ nhỏ.

Thứ hai, việc uống bia rượu, lạm dụng ma túy là nguồn gây nguy hiểm cao độ trong tham gia giao thông. Vừa rồi trên truyền hình  phát phóng sự về những lái xe nghiện ma túy, cho thấy đây là vấn đề rất nguy hiểm. Vì vậy việc xử phạt chế tài dù cao nhưng vấn đề không phải là hình phạt nặng hay nhẹ mà mọi hành vi đều phải được phát hiện và ngăn chặn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo số liệu của chúng tôi thì trong năm 2012 Việt Nam tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia, 400 triệu lít rượu. Chúng ta đứng thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ bia, rượu tính trên đầu người, đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 2 châu Á.

Ở TPHCM, cảnh sát giao thông đứng chốt ở các quán nhậu và xử phạt, rất hiệu quả. Thứ hai, chúng tôi đề nghị C67 làm thí điểm ở Quảng Ninh quy trình kiểm soát bia rượu khác với hiện nay là đang kiểm soát thụ động, tức là khi tai nạn xảy ra thì mới kiểm tra người gây tai nạn có nồng độ cồn hay không. Theo quy trình mới, lực lượng CSGT sẽ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn nếu không có thì cho đi tiếp, nếu có thì chuyển sang kiểm tra nồng độ cồn.

Ông Trần Sơn Hà: Vấn đề này chúng tôi đã chỉ đạo làm nhiều tháng nay, đặc biệt chỉ đạo điểm tại Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương… Chúng tôi đã được đầu tư các dự án để trang bị các phương tiện đo nồng độ cồn.  Và chúng tôi đã thực hiện tại HN, tại các quán nhậu, tập trung vào những giờ nhất định, cũng rất hiệu quả nhưng cũng gặp phản ứng rất mạnh, chứ không phải xảy ra tai nạn thì mới làm.

Còn khi xảy ra tai nạn thì việc kiểm tra nồng độ cồn là một trong những tình tiết tăng nặng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

BTV: Có một số khán giả gửi thư cho chương trình hiến kế như thế này: chúng ta phải làm công khai minh bạch, ví dụ như đối với công chức, cán bộ uống rượu bia mà điều khiển phương tiện thì cảnh sát giao thông phải gửi thông báo về cơ quan và ngoài những xử phạt thì cần bắt buộc những đối tượng này đi lao động công ích. Chỉ có công khai thì mới thay đổi ý thức, chứ nếu chỉ nộp tiền rồi thì khó thay đổi hành vi.

Ông Trần Sơn Hà: Bộ Công an có Thông tư 38 quy định đối với tất cả những trường hợp lái xe có lỗi nghiêm trọng đều bị thông báo về cơ quan công tác, nơi cư trú, chi bộ sinh hoạt. Không chỉ có uống bia rượu, mọi hành vi vi phạm đều được thông báo công khai.

Thậm chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công khai danh tính người vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi đã thực hiện gửi thông báo về cơ quan, đặc biệt gửi về chi bộ đối với đảng viên. Thực tế việc này rất có tác dụng. Người Việt Nam đôi khi sợ dư luận hơn sợ pháp luật. Đây là giải pháp rất hay.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tuy nhiên, theo thống kê, phản hồi thông báo từ cơ quan công an về hành vi vi phạm giao thông hiện chỉ có 1%. Ngoài ra, phản hồi mới dừng lại ở mức là ghi nhận đã nhận được thông báo, còn xử lý như thế nào thì chưa. Ở đây phải có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.

BTV: Các vị khách mời đã bàn thảo và đưa ra những nhận xét về những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, nhưng còn một nguyên nhân nữa chúng ta không thể bỏ qua đó chính là nơi xe xuất bến. Trong những ngày gần đây dư luận đã lên tiếng về vụ lùm xùm quanh bến xe Mỹ Đình. Chính sự quản lí lơi lỏng, không khoa học đã làm mất an ninh trật tự và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường bộ? Xin các vị khách mời cho ý kiến về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Vấn đề này tôi đề nghị ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải của Bộ trả lời vấn đề này.

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT: Thưa khán giả, câu hỏi liên quan đến bến xe Mỹ Đình, tôi khẳng định thế này: Hiện nay, khi chúng tôi làm việc với các bến xe, có hiện tượng những bến xe đắc địa như Mỹ Đình, trong 15 năm Hà Nội phát triển về phía tây chỉ có bến xe Mỹ Đình,… không còn bến nào khác.

Toàn bộ phát triển dân cư đều tập trung về phía này, nhu cầu đi lại từ khu vực Mỹ Đình đến các địa phương rất lớn, áp lực phục vụ đi lại đặt lên vai những người đang quản lý bến xe Mỹ Đình.

Quy mô của bến chỉ khoảng 800 xe, thực tế mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt.

Vậy tại sao lại như vậy, nguyên nhân trực tiếp là nhu cầu đi lại từ Mỹ Đình về các tỉnh quả lớn.

Chúng ta có thể lý luận tại sao không bố trí xe ở Bến Yên Nghĩa, rồi đi xe buýt sang Mỹ Đình, thì xin nói như thế này, đi từ Nam Định lên Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng, nhưng đi xe buýt từ Yên Nghĩa về Mỹ Đình cũng mất 1 tiếng. Nên nhà xe nào cũng muốn đăng ký vào Mỹ Đình. Chính nhu cầu lớn đã tạo ra áp lực.

Trong thời gian qua còn hiện tượng số lượng xe ra khỏi bến khoảng 1.500, nhưng số lượng đăng ký xe chỉ khoảng 1.200, như vậy có hiện tượng “xe dù” trong bến.

Những xe này lọt được vào có vai trò quản lý bến xe kém. Vai trò của lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát chưa tốt. Bến muốn cho xe vào không thể không có vai trò của người gác cổng.

Tôi thấy lực lượng xung quanh bến không có mỏng.

Vừa rồi, Bộ trưởng đã khẳng định, Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận rõ trách nhiệm từ phía Bộ đối với những vấn đề mất an toàn trong giao thông vận tải và phải siết chặt quản lý hoạt động vận tải.

Do vậy, trong thông tư sắp ban hành thay thế Thông tư 14 về quản lý điều kiện kinh doanh vận tải sẽ có quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, do Bộ trưởng GTVT phê duyệt và công bố công khai trước toàn dân. Hàng năm vào ngày 31/3 các Sở GTVT phải công bố công khai để nhân dân biết tổng số chuyến xe tối đa trên từng tuyến trong năm tới là bao nhiêu, để nhà xe biết, người dân biết giám sát.

Đây là giải pháp mang tính kỹ thuật và có tính pháp lý rất cao để giúp chúng ta giải quyết được những bất cập ở các bến xe. 

BTV: Việc hành khách và lái xe phản ánh có nhiều cung đường chất lượng xấu. Việc thi công đường ẩu, dẫn đến tai nạn thì đơn vị thi công liệu có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Chúng tôi cho rằng, trong vấn đề lưu thông trên đường, để xảy ra tai nạn có nhiều yếu tố- người lái, xe, không loại trừ cả yếu tố về đường.

Đối với yếu tố về đường, trong những năm vừa qua, Chính phủ cũng như các ngành, các cấp, các tỉnh, Bộ GTVT đã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ lên đáng kể. Đặc biệt, từ năm nay chúng ta thực hiện quỹ bảo trì đường bộ, đã tập trung đầu tư những chỗ đường kém chất lượng để tăng khả năng đi lại cho nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, khi thống kê, nhìn con đường rất tốt, rất đẹp nhưng tai nạn vẫn xảy ra, thì đó là do ý thức. Còn vấn đề về nguyên nhân trong quá trình thi công mà để xảy ra tai nạn thì đơn vị thi công cũng phải chịu trách nhiệm một phần.

BTV: Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) cho biết, trên 17.000 km đường bộ hiện nay của cả nước có gần 62.400 biển báo cần thay thế do không phù hợp về nội dung, hình thức, quy định theo quy chuẩn. Có những biển báo ghi chi chít chữ, sai lỗi chính tả làm rối mắt lái xe, có những biển báo bạc màu do mưa nắng hay có những biển báo nhưng đặt ở chỗ khuất hoặc chui trong lùm cây….Thậm chí có người dân bức xúc đến nỗi nghĩ rằng “việc cắm biển nhập nhèm là để bên cảnh sát giao thông có thêm cơ hội phạt”. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này? 

Ông Trần Sơn Hà: Tôi nghĩ rằng, ai đó hỏi rằng “nhập nhèm” thì cũng cần xem lại câu hỏi có tính chất xây dựng hay không. Tôi khẳng định cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng công an nhân dân, lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước, làm việc theo pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân.

Năm ngoái Ban ATGT quốc gia có tổ chức cuộc thi phim, tôi nhớ có một bộ phim ở Sơn La, 1 đoạn đường khoảng 200 km có đến gần 100 biển báo, cắm chi chít. Sau này cơ quan tổ chức giao thông ở đây đã chỉnh sửa. Hiện nay chủ trương Bộ GTVT là cho cho kiểm tra rà lại biển báo. Tôi cho đây là việc làm rất đúng. Luật giao thông quy định lái xe phải quan sát tình trạng mặt đường, biển báo và điều khiển phương tiện đến mức không nguy hiểm.

Chúng tôi thấy rằng, tất cả các vụ tai nạn khi xảy ra có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ điều tra về hành vi của người lái xe, khám nghiệm phương tiện, đoạn đường xem tổ chức giao thông ở đó thế nào. Nếu không kết luận được thì phải trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định.

Ông Nguyễn Hồng Trường: Trong hệ thống biển báo của chúng ta trong những năm vừa rồi, thực hiện cắm theo tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới. Tuy nhiên các biển báo của chúng ta dùng sơn bình thường, do nhu cầu phát triển, chúng tôi đang thay thế bằng biển phản quang, còn về quy cách tiêu chuẩn thì đều giống nhau.

Còn tại sao lại cắm chi chít, về nguyên tắc, trên đường có điều cần chú ý là phải cắm biển báo. Nhưng có hiện tượng, biển báo giao thông thì ít, nhưng biển báo của các cơ quan chức năng khác cũng không ít, nên nó lẫn trong biển báo giao thông.

Chúng tôi cũng đã làm việc với các địa phương để làm sao các biển báo khác phải đặt xa các biển báo giao thông ít nhất là 5m. Hiện nay chúng ta đang tiến hành rà lại.

Thứ 2, trong quá trình thực hiện cắm biển báo, trước đây mình thay đổi yếu tố trên đường thì giờ phải cắm lại cho phù hợp. Chúng tôi hiện nay đang giao cho Tổng cục Đường bộ cơ bản tổ chức lại biển báo trên đường để phù hợp với hướng dẫn kể cả biển báo về tốc độ, nguy hiểm và các hướng dẫn khác…

Hiện chúng tôi cũng đang dùng nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện.

BTV: Xin hỏi Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là liệu chúng ta có thể có thêm biển được dừng đỗ đón khách ở đường quốc lộ không? Tránh tình trạng xe khách đón trả khách rất tùy tiện gây cản trở giao thông?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Về thực chất, nhu cầu dừng đỗ trên các tuyến quốc lộ là có. Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với từng địa phương xem nhu cầu dừng đỗ là điểm nào, trên cơ sở đó chúng ta làm những điểm dừng đỗ rõ ràng, mở rộng đường, có chỗ nhà chờ và cắm biển dừng đỗ. Tất cả những điều đó đưa vào tổng thể con đường, còn nếu cắm tùy tiện thì không cắm được. Chủ yếu cắm vào những điểm có nhu cầu dừng đỗ, sẽ có cải tạo, nâng cấp và có chỉ dẫn đàng hoàng.

BTV: Một độc giả đã nêu ý kiến: Nhằm phòng ngừa, ngăn ngừa, phát hiện những điểm đen TNGT, trong Luật Giao thông đường bộ (điều 44, khoản 2) đã có quy định: Công trình đường bộ phải được thẩm định về ATGT từ khi lập dự án, thiết kế, thi công, trước và trong quá trình khai thác. Vậy xin hỏi lãnh đạo của Bộ GTVT là quy trình này hiện nay được tiến hành thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Trường: Trong quá trình thiết kế đường, bản thân người thiết kế đã đưa tất cả yếu tố thiết kế vào để đảm bảo kỹ thuật của đường, trong đó có kỹ thuật về an toàn giao thông.

Hiện chúng tôi đã giao cơ quan là Cục giám định của Bộ GTVT thẩm định về ATGT đối với các con đường được thiết kế. Đó là một giải pháp để hạn chế sai sót trong quá trình thiết kế dẫn tới các tai nạn do lỗi thiết kế. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực hiện tham gia giao thông, xuất hiện một số điểm đen.

Theo định nghĩa điểm đen, tại một vị trí đó có vài ba tai nạn giao thông. Ở đó có rất nhiều nguyên nhân, ví dụ có những đoạn đường rất thẳng, mặt đường tốt, nhưng vẫn xảy ra tai nạn, ví dụ như chúng ta nói cung đường đến đó là thời điểm lái xe vào 5-6 giờ sáng chẳng hạn, lái xe buồn ngủ hay do ánh sáng thế nào đó tác động đến.  Chúng tôi đang có những hội thảo mời những chuyên gia đầu ngành cả trong và ngoài nước để cung cấp những kinh nghiệm xử lý những điểm đen như vậy.

Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã quyết tâm xóa cơ bản các điểm đen, nhưng khi xóa cơ bản lại xuất hiện các điểm đen mới thì vẫn tiếp tục phải xóa. Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi cho rằng, xã hội cũng cần góp sức nghiên cứu những nguyên nhân điểm đen này. Còn những yếu tố kỹ thuật chúng tôi cho rằng đã xử lý hết. Nhưng vấn đề do tâm lý mà chưa đề cập đến được thì chúng tôi tiếp tục nghiên cứu… 

Bạn Trương Mỹ Chi (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội): Khoảng từ 6-8 giờ tối ở một số tuyến phố Thủ đô xuất hiện cảnh thanh niên chở cùng 1 lúc 3-4 cô gái, đánh võng, lạng lách trên đường gây mất mỹ quan và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày, thường xuyên và đã lâu năm, ai cũng nhìn thấy. Việc nhỏ như vậy, diễn ra công khai như thế tại sao chưa xử lí dứt điểm được. Thưa ông?

Ông Trần Sơn Hà: Về xử lý hiện tượng lạng lách, đánh võng, Bộ CA đã chỉ đạo 18 tỉnh, TP như Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Đồng Nai… thành lập lực lượng chuyên xử lý. Và Bộ luật Hình sự đã quy định hành vi đua xe trái phép phải được xử lý, Trong nhiều vụ đáng tiếc, có rất nhiều cháu còn ít tuổi, thậm chí con nhà lành nhưng đã phải hầu tòa về hành vi này.

Có nghịch lý lực lượng CSGT tìm mọi biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giữ cho mọi người bình yên nhưng có một bộ phận thanh, thiếu niên có hành vi quậy phá như vậy. Vì vậy, các gia đình phải quản lý chặt chẽ con cái.

Độc giả (Trần Trung Trực 50 tuổi, Nghi Tàm, Tây Hồ , Hà Nội) hỏi: Mới hôm qua, tôi đi sau một anh đi xe máy chở một bó thép dài cồng kềnh ngang nhiên vượt qua ngã tư sau đó bó thép này quệt phải xe của tôi, anh CSGT đứng gần đó thì như không thấy không biết. Nếu chính lực lượng chức năng cũng làm ngơ như vậy thì hỏi đến bao giờ cảnh tượng này mới chấm dứt?

Ông Trần Sơn Hà: Những trường hợp như trên không phải là phổ biến nhưng cũng có thể thấy tình trạng chở cồng kềnh, quá tải của các xe thương bình ở Hà Nội. Khi có quy định cấm xe thương binh thì các cơ quan chức năng đã phải trực tiếp xử lý nhiều trường hợp, vụ việc phức tạp, song chúng ta cần thống nhất là dù là ai thì cũng phải tuân thủ theo pháp luật.

BTV: Chúng ta vừa được nghe những ý kiến tâm huyết của các vị khách mời về vấn đề làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông. Mong sao những giải pháp sẽ sớm được thực thi có hiệu quả để mỗi ngày khi chúng ta ra đường đi làm, đi học… đi xe khách về quê… sẽ bớt dần nỗi niềm canh cánh lo ngại cho an toàn của bản thân mình và người thân.

Xin cảm ơn sự tham gia của các vị khách mời. Cảm ơn sự theo dõi của quý vị và các bạn.

Cổng TTĐT Chính phủ