Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc họp này, Ủy ban Khẩn cấp cho rằng, nhiễm virus Zika không còn là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, nhưng người nhiễm virus Zika và những hậu quả do nhiễm virus này vẫn là một thách thức y tế công cộng, đòi hỏi phải hành động mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 21/11, nước ta đã ghi nhận 68 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TPHCM vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với 56 người mắc. Điều đáng nói là số ca phát hiện mới liên tục được phát hiện, trong đó có phụ nữ mang thai, vì phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus Zika, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Vậy, vì sao thời điểm này WHO nhận định nhiễm virus Zika không còn là một sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế? Bệnh này có thực sự nguy hiểm như chúng ta đang nghĩ không? Hậu quả do nhiễm virus Zika được ghi nhận như thế nào, đặc biệt là với phụ nữ mang thai cần phải làm gì để phòng chống bệnh?...
Tất cả những câu hỏi trên sẽ được chia sẻ, giải đáp tại cuộc tọa đàm trực tuyến về phòng bệnh do virus Zika. Chương trình sẽ được lên sóng trực tiếp vào 14h ngày 24/11 trên Cổng TTĐT Chính phủ (chinhphu.vn) và truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội.
Các vị khách mời tham dự tọa đàm gồm: Ông Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương; ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Xin ông/bà cho biết, tình hình dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến như thế nào đến thời điểm này?
: Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, cho đến thời điểm này, có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các quốc gia cũng như sự hiểu biết của chúng ta về virus Zika thì WHO đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với virus Zika. Tại Việt Nam, đến nay chúng ta ghi nhận 68 trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus Zika ở 7 tỉnh thành phố: Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Đắk Lắk… Bộ Y tế đã đưa ra nhận định, virus Zika đã lưu hành ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Khoa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Nguyễn Đức Khoa
Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp mắc Zika mới nữa. Hiện nay, sự lưu hành của muỗi vằn gây sốt xuất huyết rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Trong khi đó, miễn dịch của cộng đồng với dịch bệnh này không cao. Thêm nữa, sự giao lưu đi lại trong nước, giữa Việt Nam và các nước phổ biến nên nguy cơ dịch lây lan vẫn còn nếu chúng ta không có biện pháp tích cực.
Bệnh do virus Zika nguy hiểm như thế nào? Số người mắc bệnh do muỗi gây ra bao nhiêu phần và bệnh lây qua những đường nào?
Ông Nguyễn Trung Cấp: Đối với bệnh do virus Zika, ở người bình thường thường không gây biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh có tình trạng sốt, mỏi người, đau đầu, có thể đau họng và có tỉ lệ rất nhỏ có biến chứng gây liệt. Tuy nhiên, bệnh này nguy hiểm đối với bà mẹ mang thai do có tỉ lệ nhất định gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ trong giai đoạn mang thai nhiễm virus Zika.
Về con đường lây truyền, hầu hết số ca mắc bệnh thông qua muỗi đốt. Trên thế giới đã từng ghi nhận có trường hợp lây truyền qua con đường quan hệ tình dục (QHTD). Xét về lý thuyết, đây là một loại virus lây qua đường máu, nếu như người hiến máu có virus Zika thì khi truyền máu cho người khác, sẽ truyền bệnh cho người đó. Tuy nhiên, trên thực tế chưa ghi nhận đc trường hợp nào lây truyền qua đường máu.
Vì sao tổ chức WHO lại nhận định rằng, tại thời điểm này, nhiễm virus Zika không còn là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế?
Ông Nguyễn Đức Khoa: Đối với mỗi dịch bệnh, WHO căn cứ vào mức độ bất thường, mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan quốc tế và khả năng làm đình trệ thương mại quốc tế để quyết định tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh. Với dịch bệnh virus Zika, thời gian đầu chúng ta chưa có hiểu biết nhiều. Hiện, các nhà khoa học, các cơ quan y tế đã có hiểu hiết hơn về bệnh này và có nhiều biện pháp phòng chống hiệu quả. Đến nay, đánh giá trên các khía cạnh này ,các quan chức và các chuyên gia của WHO đã thống nhất tình trạng dịch bệnh này không còn là tình trạng đáng quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, dịch bệnh do virus Zika vẫn là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, đòi hỏi sự nỗ lực tăng cường trong công tác phòng chống để giảm tình trạng lây lan, tình trạng mắc và giảm những hậu quả của bệnh đối với mọi người. Điều này đòi hỏi WHO tiếp tục kêu gọi các quốc gia có chiến lược phòng chống lâu dài, bền vững và liên tục ở từng quốc gia.
Số ca mắc Zika ở TPHCM ghi nhận tới 9 phụ nữ có thai, trong khi bệnh này lại rất nguy hiểm đối với nhóm đối tượng này. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đã ghi nhận trẻ sinh ra bị chứng đầu nhỏ do virus Zika. Vậy, phụ nữ mang thai nhiễm Zika có đáng lo lắng không và cần lưu ý những điều gì, thưa ông?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Chúng ta không nên gọi là hội chứng đầu bé mà gọi là hội chứng não bé, vì não nhỏ nên làm cho em bé đầu nhỏ lại. Hội chứng não bé có nhiều hậu quả về mặt thần kinh, vận động trí tuệ. Tuy nhiên, đối với 9 phụ nữ mang thai như ghi nhận tại TPHCM thì thực ra không nên quá lo lắng, nếu giả sử có việc nhiễm virus Zika xảy ra muộn sau 12 tuần thì hậu quả đối với em bé là không cao. Tỉ lệ virus Zika ảnh hưởng đến em bé gây ra hội chứng não bé cũng không cao, theo ghi nhận là từ 3-12% nên chúng ta không nên quá lo lắng và có thể tầm soát được. Chỉ trong trường hợp người phụ nữ có thai trong vòng 12 tuần đầu tiên thì hết sức lưu ý.
Có thông tin cho rằng virus Zika gây vô sinh ở nam giới? Điều này có đúng không, thưa ông?
: Đây chỉ là những thông tin lan truyền. Tôi cũng khẳng định, không có thông tin này chính thống và không có nghiên cứu chính thống khẳng định virus Zika là nguyên nhân gây ra vô sinh nam. Nếu nam giới bị nhiễm virus Zika thì cũng có đầy đủ các triệu chứng như đã nêu ở trên. Còn việc bệnh này gây ra vô sinh và ảnh hưởng đến tinh hoàn, gây ra ít tinh trùng, hỏng tinh trùng thì chưa khẳng định được.
Bác sĩ Trần Danh Cường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bác sĩ Trần Danh Cường
Với người bình thường và trẻ em, khi nhiễm Zika có nguy cơ gì không? Làm sao phát hiện bệnh để tránh lây nhiễm cho người khác?
Ông Nguyễn Trung Cấp: Với một người, sau khi bị muỗi đốt và bị truyền virus Zika thì thường thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, sau đó bệnh nhân mới xuất hiện tình trạng sốt. Đa số xuất hiện tình trạng sốt nhẹ và một số trường hợp sốt cao. Bệnh nhân có thể thấy đau họng, đau vùng hốc mắt, đau đầu, đau mỏi người và tương đối sốt giống các virus khác gây ra. Phần đông các bệnh nhân sau từ 5-7 ngày tự khỏi. Còn số lượng rất nhỏ có thể xảy ra biến chứng viêm tủy, gây Hội chứng Guillain Barre. Nói chung, bệnh virus Zika là bệnh tương đối lành tính ở người bình thường và chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai trong những tuần đầu tiên.
Vì sao TPHCM lại liên tiếp ghi nhận các ca mắc Zika? Với thời tiết miền Bắc nóng lạnh thất thường như hiện nay, liệu có virus này có tồn tại không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Khoa: Trong thời gian qua, nhiều trường hợp mắc Zika chủ yếu ở khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là TPHCM. Đây là bệnh do muỗi truyền. Đặc điểm về thời tiết, khí hậu, sinh thái ở khu vực miền Nam phù hợp cho muỗi vằn truyền bệnh Zika và bệnh sốt xuất huyết phát triển. Thêm nữa, TPHCM là trung tâm thương mại, du lịch không những trong nước mà còn quốc tế, cho nên nguy cơ mầm bệnh mang từ nước ngoài vào cao và lây lan ra cộng đồng.
Khu vực miền Bắc hiện nay đã là mùa lạnh, muỗi truyền bệnh tốt nhất ở ngưỡng từ trên 20-30 độ C và sẽ ít phát triển hoặc chết ở dưới 16 độ C. Vì vậy, miền Bắc không chỉ có bệnh Zika mà còn có các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết. Đến mùa đông, thường những bệnh này sẽ dừng, tuy nhiên không dừng hẳn, muỗi vẫn tồn tại ở những căn hộ chung cư ấm, ở khu mật độ dân số đông, nếu như có mầm bệnh mà người bệnh mang tới thì vẫn có nguy cơ lây truyền.
Hiện nay, các địa phương đang có kế hoạch và hành động gì để phòng chống và hạn chế tối đa ca nhiễm virus này?
Ông Nguyễn Đức Khoa: Ngay từ đầu năm, khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp về y tế đối với dịch bệnh virus Zika, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phối hợp chỉ đạo ngành y tế địa phương lập kế hoạch đáp ứng dịch bệnh này. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch quốc gia và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đáp ứng để theo các tình huống. Đơn cử như chúng ta làm theo 3 tình huống: 1. Bệnh chưa xâm nhập vào địa phương; 2. Đã xâm nhập vào địa phương ghi nhận rải rác; 3. Bùng phát trên diện rộng.
Bệnh do virus Zika hiện nay chưa có thuốc và vaccine đặc hiệu để phòng bệnh. Vậy nên biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh này là cắt đường truyền bệnh và diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy. Vì thế, vai trò của người dân trong công tác phòng chống bệnh là rất quan trọng.
Bệnh này nguy hiểm với phụ nữ mang thai, vậy trước khi có em bé, tôi phải chuẩn bị những gì, tiêm phòng vaccine gì để phòng bệnh này, chế độ dinh dưỡng có phải kiêng khem gì không?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Đây là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và đặc biệt chưa có vaccine phòng bệnh, cho nên phụ nữ muốn mang thai không phải sử dụng bất kỳ một biện pháp gì để đề phòng và không dùng bất cứ thuốc gì. Đặc biệt, khi nằm trong vùng dịch, tiếp xúc với vùng dịch, đi qua vùng dịch hoặc đi du lịch đến vùng dịch và có thai, bệnh nhân phải đi khám để bác sĩ phát hiện có bị nhiễm virus Zika không, Zika có ảnh hưởng gì đến em bé không vì hiện nay, chúng ta đều có thể chẩn đoán được từ lúc trước khi em bé ra đời.
Biến chứng của trẻ sơ sinh do virus Zika có hướng điều trị nào không?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Nếu em bé bị biến chứng hội chứng não bé do bất kỳ nguyên nhân gì (có một số nguyên nhân do nhiễm trùng như CMV, Rubella…), hiện nay đang nghi ngờ do nhiễm virus Zika, thì không có phương pháp nào điều trị, chỉ có phương pháp chăm sóc thích hợp của ngành nhi khoa để có thể phục hồi chức năng. Nếu chúng ta chẩn đoán được trước sinh và khi đã khẳng định hội chứng não bé thì lúc đó tiến hành hội chẩn, thông tin đối với gia đình để họ quyết định. Thông thường, biến chứng về tỉ lệ thần kinh vận động trí tuệ đối với em bé từ 60-100% tùy theo kích thước của đầu, tổn thương cấu trúc não, nên nhiều người có xu thế ngừng thai nghén trước khi em bé ra đời.
Thưa bác sĩ, làm sao chúng ta có thể phát hiện bệnh sớm để tránh lây nhiễm cho người khác?
: Về vấn đề phát hiện bệnh sớm, người nhiễm bệnh do virus Zika có biểu hiện không khác gì so với những bệnh nhiễm virus thông thường. Để có thể xác định có bị nhiễm virus Zika hay không, chúng ta cần phải làm các xét nghiệm. Lưu ý là những người sống trong khu vực dịch, đi qua khu vực dịch Zika nếu về xuất hiện những triệu chứng sốt nhẹ, đau cơ, đau người… thì nên đến cơ sở y tế xét nghiệm để xác định chúng ta có bị nhiễm virus Zika hay không.
Ông Nguyễn Trung Cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Nguyễn Trung Cấp
Những người mang thai đi xét nghiệm Zika ở đâu và kinh phí cho việc này như thế nào thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Không phải tất cả các phụ nữ mang thai đều phải đi xét nghiệm virus Zika. Bộ Y tế đã có chỉ định là nếu có nghi ngờ nhiễm virus Zika trong khi mang thai trong 3 tháng đầu hoặc có chẩn đoán là thai nhi mắc chứng não bé thì các bà mẹ nên đi làm xét nghiệm virus Zika, đến cơ sở y tế để xin tư vấn của các bác sĩ hoặc làm các xét nghiệm. Các xét nghiệm này đều được miễn phí.
Tôi nghe nói là người mắc bệnh Zika có thể chữa trị tại nhà vì bệnh này khá lành tính nhưng khi sốt cao thì không được tự ý uống hạ sốt vì có loại gây rối loạn đông máu, vậy trong trường hợp này, người dân phải làm gì thưa bác sĩ?
Ông Nguyễn Trung Cấp: Người bình thường nhiễm virus Zika là đến 80% là không có biểu hiện gì, 20% có biểu hiện nhẹ như sốt, đau đầu và đa số sẽ tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, có một số trường hợp sốt cao, người bệnh hoàn toàn có thể dùng thuốc hạ sốt
Có phải phụ nữ nào bị virus Zika đều sinh con mắc hội chứng não bé giống như bác sĩ vừa nói không và việc khám sàng lọc virus Zika đối với phụ nữ mang thai được triển khai như thế nào, đặc biệt là ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương?
Bác sĩ Trần Danh Cường: Tỉ lệ phụ nữ mắc virus Zika, sau đó gây ra hội chứng não bé hay biến chứng hội chứng não bé đối với thai nhi là rất thấp, khoảng 10%. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm là nếu mẹ nhiễm phải thì khả năng lây bệnh cho con là rất thấp. Việc triển khai sàng lọc chẩn đoán hội chứng não bé đối với thai nhi đã được thực hiện từ rất lâu chứ không phải chỉ khi có dịch Zika bùng phát ở Việt Nam, bởi nguyên nhân dẫn đến não bé không phải chỉ từ virus Zika. Chị em có thể yên tâm vì việc đo kích thước đầu là công việc đầu tiên khi siêu âm và chúng ta có thể chẩn đoán được rất sớm bằng cách đi siêu âm theo hệ thống 12 tuần, 22 tuần. Những phụ nữ nằm trong vùng dịch hoặc có triệu chứng của Zika thì nên đi siêu âm 2 tuần một lần, qua đó chúng ta có thể phát hiện được hội chứng não bé từ 18 tuần.
Thưa ông Khoa, xin ông cho biết những nghiên cứu mới nhất về virus Zika cập nhật đến thời điểm này như thế nào và tại sao chúng ta vẫn không giải quyết được triệt để các số ca mắc bệnh?
Ông Nguyễn Đức Khoa: Các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu rất nhiều về Zika để hiểu hơn về virus này và có biện pháp can thiệp hiệu quả. Tiếp theo là những tác hại do virus này gây ra như ảnh hưởng đến thai nhi, ảnh hưởng đến não như thế nào, ảnh hưởng đến cơ thể người ra sao. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 15 công ty đang nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh Zika và có những công ty đã phát triển đến giai đoạn 3 là giai đoạn chuẩn bị thử nghiệm trên người tình nguyện với hi vọng sớm có vaccine phòng bệnh Zika trong thời gian gần. Còn về vấn đề các ca mắc bệnh tăng thì chúng ta biết là loại muỗi Aedes sống trong nhà, sống gần con người, nó đẻ ở những dụng cụ chứa nước sạch, loại muỗi này cứ 7 ngày lại sinh ra một lứa mới. Do chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên để ngăn chặn có hiệu quả, các hộ gia đình cần chủ động diệt muỗi hằng tuần và chúng ta phải tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thúy Hà-Thu Trang-Minh Thắm (ghi)