• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Toàn cảnh Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

(Chinhphu.vn) - Theo chương trình kỳ họp thứ 3, từ 15.05’ ngày 13/6 và nửa đầu buổi sáng ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

14/06/2017 15:00
* Clip: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các ĐBQH về Quy hoạch Sơn Trà

* Clip Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn

* Toàn văn nội dung Bộ trưởng NN&PTNT, VHTT&DL trả lời chất vấn chiều 13/6

* Toàn văn nội dung Bộ trưởng VHTT&DL, Y tế trả lời chất vấn sáng 14/6

* Toàn văn báo cáo trả lời chất vấn của Bộ VHTT&DL

Ảnh VGP/Nhật Bắc
Không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được


Sáng 14/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, do kết thúc phiên làm việc chiều qua, một số đại biểu băn khoăn về vai trò của Chính phủ đối với quy hoạch này.

“Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết thì đã không có câu chuyện làm quy hoạch về Sơn Trà với số phòng 300 hay 1.600 và những dự án Đà Nẵng đã cấp phép với quy mô 5.000-7.000 sẽ phòng tiếp tục được triển khai bình thường”, Phó Thủ tướng nêu giả thiết và nhấn mạnh “Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Không phải như vậy”.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp về Sơn Trà.

Lý do thứ nhất là vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong đảng bộ chính quyền, và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.

“Tất cả chúng ta đều yêu mến Sơn Trà như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đều hy sinh vì nó và đều muốn bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng chắc chắn cũng như vậy. Không ai có thể nói là nhân dân Đà Nẵng không yêu mến, không hy sinh để bảo vệ Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, với Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, khi chưa có quy hoạch du lịch, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình, đã cấp phép các dự án với nhà đầu tư phát triển du lịch ở Sơn Trà. Nhưng bây giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì UBND TP. Đà Nẵng phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư.

“Khi UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ VHTTDL để thống nhất quy hoạch phát triển du lịch ở Sơn Trà ở mức 1.600 phòng thì thành phố cũng đã chuẩn bị và có bước làm việc với các nhà đầu tư. Bây giờ chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư bởi theo pháp luật các quyết định sau khi ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp thì đều phải có giải pháp với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Sau khi có ý kiến cuối cùng của Đà Nẵng, của tất cả các bên, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Trong trường hợp chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa mà là bảo tồn thì đưa Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia thì cũng phải do Thủ tướng ký ban hành quyết định”, Phó Thủ tướng khẳng định một lần nữa và tin tưởng “khi UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn vào cuộc thì chúng ta sẽ tìm được một giải pháp, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước".

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển nhưng phải bền vững và những yếu tố bền vững mà chưa chắc chắn thì chúng ta để lùi lại đến khi có đủ điều kiện. Để làm phát triển bền vững cần có kinh nghiệm, tri thức và trong nhiều trường hợp là suất đầu tư lớn hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Sau khi Phó Thủ tướng phát biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải đáp phần tranh luận của ông. Ông nói: Cử tri hoan nghênh việc Phó Thủ tướng đi thị sát ở bán đảo Sơn Trà. Hôm nay, câu trả lời của Phó Thủ tướng giúp tôi thấy yên tâm. Có lẽ, nhiều cử tri trên cả nước cũng sẽ yên tâm khi Đà Nẵng cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp tối ưu để khai thác các sản phẩm du lịch.

Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tiếp đó, Bộ trưởng trả lời các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Bùi Ngọc Chương (Cà Mau);... về giải pháp đổi mới quản lý cấp phép ca khúc; bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; quản lý việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích; xử lý cán bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn; giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ; giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật; quản lý các hoạt động vui chơi giải trí sau 0 giờ; vấn đề quản lý các hoạt động liên quan đến nghệ thuật truyền thống; quản lý du lịch; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nghệ thuật...

Tạo thuận lợi cho văn nghệ sỹ sáng tác

Cụ thể, về cấp phép ca khúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi những sự việc xảy ra, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép những vụ việc vừa qua.

Tinh thần của Bộ là giảm cấp phép, giảm xin - cho để tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tác của văn nghệ sỹ.

Bộ sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay, cũng như với quá trình hội nhập quốc tế.

Các lễ hội phản cảm đã giảm bớt

Về tình trạng lễ hội còn nội dung phản cảm, xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, bạo lực, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Bộ VHTT&DL được giao quản lý nhà nước giúp cho Chính phủ ban hành những văn bản QPPL liên quan đến tổ chức lễ hội.

Chính quyền địa phương đóng vai trò quản lý, đảm bảo trật tự đối với hoạt động lễ hội.

Sau khi lễ hội năm 2015 kết thúc, Bộ đã quán triệt các địa phương với tinh thần tổ chức lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tổ chức lễ hội, Thủ tướng cũng ban hành công điện và chỉ thị về vấn đề này; Bộ cũng có văn bản có liên quan.

Có thể nói rằng, trong năm 2017, mùa lễ hội vừa rồi, các lễ hội phản cảm đã giảm bớt, lễ hội Đền Hùng, Lễ Hội Đền Trần đã được tổ chức tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời rõ chức năng quản lý nhà nước về lễ hội nhưng cho đến nay mới dừng ở công điện, chỉ thị, thiếu nghị định quản lý nhà nước về lễ hội. Do vậy Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ VHTT&DL cần lưu ý và sớm trình Chính phủ Nghị định về quản lý nhà nước về lễ hội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cam kết sẽ tiếp thu vấn đề này.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trả lời câu hỏi về giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ, sau khi được QH phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, “tôi luôn lo lắng và suy nghĩ” về việc này.

Năm 2016, khách du lịch đến Việt Nam khoảng 10 triệu, Thái Lan khoảng 32 triệu, Sigapore khoảng 16 triệu, Philippines khoảng 6 triệu…Như vậy, khoảng cách về lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta so với Thái Lan và Malaysia vẫn còn khá xa, Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, điều đáng mừng là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước ta thời gian qua, năm 2016 là 27%, năm nay khoảng 30%. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển kinh tế mũi nhọn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Du lịch để tạo khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Chúng ta phải phát triển du lịch rất nhanh, tốc độ cao. Thủ tướng yêu cầu tăng từ 30 - 50% trong năm nay. Sau 15 năm du lịch của Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau với tốc độ tặng trưởng của Việt Nam là 20%, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Bảo tồn văn hóa truyền thống phải nằm trong sự đa dạng và thống nhất

Tham gia trả lời chất vấn liên quan đến văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, việc bảo tồn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, điệu múa, dân ca... của đồng bào các dân tộc thiểu số trước hết thuộc trách nhiệm tự thân của mỗi dân tộc, sau đó mới là sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng và xã hội.

Thực tế đang có Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, các Ngày hội văn hóa các dân tộc và nhiều làn điệu dân ca của dân tộc thiểu số đã được công nhận là di sản văn hóa.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về tình trạng có sự giao thoa giữa các dân tộc được các ĐBQH phản ánh, nêu quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc giao thoa giữa các dân tộc để học tập các điểm tiến bộ là việc làm tốt.

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc phải nằm trong sự đa dạng và sự thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc trên cả nước. Đây sẽ là trụ cột chính trong suốt quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến mong muốn, bà con dân tộc thiểu số đồng lòng đoàn kết, chung sức phát huy phát huy các giá trị tốt đẹp của mình, để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.

Bộ trưởng rất chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đã có 32 ĐBQH đặt câu hỏi, 11 ĐBQH tranh luận. Có 25 ĐBQH đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn và những vấn đề chưa được trả lời tại hội trường Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời bằng văn bản. Đồng thời, văn bản trả lời của Bộ trưởng sẽ gửi đến UBTVQH qua Tổng Thư ký QH để tổng hợp theo dõi, Chủ tịch QH yêu cầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các ĐBQH đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực, làm rõ vấn đề. Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành nắm tình hình công việc của Bộ, của ngành và thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng cũng rất chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn, nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém thuộc lĩnh vực phụ trách của mình trong thời gian gần đây và những tồn tại chung của ngành. Tuy nhiên, việc trả lời một số vấn đề chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của ĐBQH cho nên có phần tranh luận cũng khá sôi nổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, văn hóa, thể thao, du lịch là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội, liên quan đến đời sống tinh thần của con người và xã hội. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được đề cao và phát huy, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở đã có nhiều tiến bộ. Môi trường du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút khách du lịch ngày càng cao, đã kết hợp bảo tồn phát triển văn hóa với du lịch.

Bên cạnh những mặt đạt được, có nhiều tồn tại, hạn chế đã được nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn như, công tác quản lý và cấp phép hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn có những sai sót, gây dư luận không tốt; việc quản lý lễ hội có tình trạng buông lỏng, dẫn đến bị lợi dụng để trục lợi, gây phản cảm, lãng phí nguồn lực xã hội; việc quản lý khai thác các công trình văn hóa thể thao kém hiệu quả.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được coi trọng, tình trạng còn nhiều di tích bị xuống cấp, nhiều nhà văn hóa, thư viện thiếu trang thiết bị; đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử bị suy giảm, chưa có giải pháp khắc phục rõ nét.

Công tác quy hoạch và quản lý du lịch còn nhiều bất cập. Cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu và tiềm năng, lợi thế. Sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý du lịch còn kém hiệu quả. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập, cơ chế thu hút xã hội hóa đầu tư, phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu và tiềm năng, lợi thế. Sự kết hợp giữa các Bộ trong quản lý du lịch vùng kém hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế này. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề lớn sau đây:

Rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Đánh giá hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao để phát huy hiệu quả của các thiết chế này.

Có biện pháp cụ thể trong sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, trong đó quan tâm đến việc phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường, nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội, sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội, nghi thức, nghi lễ tổ chức hội nghị ngay trong năm 2017.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt tổ chức lễ hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tiếp tục công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, phát huy mọi nguồn lực để làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, di sản văn hóa, lịch sử.

Triển khai hiệu quả đề án nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam; chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, nhất là cho thế hệ trẻ. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, về lòng tự hào, tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc. Nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực, đạo đức, lối sống.

Sớm triển khai các quy định của Luật Du lịch sau khi được Quốc hội thông qua; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch làm tốt công tác quản lý hướng dẫn du lịch bảo đảm hiệu quả, an ninh, an toàn. Chú trọng việc lập, thẩm định, phê duyệt công bố và quản lý cũng như tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch.

Đối với quy hoạch Bán đảo Sơn Trà, trên cơ sở cân nhắc mọi mặt đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển của cả nước để cử tri, nhân dân cả nước yên tâm.


Từ 15.05'-17.00' ngày 16/3:
Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Quyết liệt chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế

Mở đầu phần chất vấn,
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian qua, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các vận động viên, văn nghệ sĩ cả nước đã nỗ lực phấn đấu đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, có chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động văn học, nghệ thuật, triển lãm, tuyên truyền cổ động đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, đóng góp vào thành công các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Thể thao Việt Nam giành được nhiều thành tích cao tại các giải khu vực châu lục và thế giới, có huy chương vàng Olympic. Du lịch đạt kết quả tăng cao, trong năm 2016 tăng 27%, 5 tháng đầu năm 2017 đã đón hơn 5,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước của ngành vẫn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập, chưa đáp ứng kỳ vọng và mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được 83 nội dung kiến nghị của cử tri.

Tại kỳ họp này, Bộ trưởng đã nhận được chất vấn của 9 vị đại biểu Quốc hội và đã có văn bản trả lời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo về 6 nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng bày tỏ, những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, cho dù với bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc. Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý nhà nước của ngành, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu đối với những sự việc vừa qua.

Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã và đang tập trung quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ để công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Huỳnh Cao Nhất (Bình Định); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Âu Thị Mai (Tuyên Quang);... chất vấn về nội dung: Giải pháp ngăn chặn hướng dẫn viên du lịch chui; tôn tạo bảo tồn di tích lịch sử; giải pháp để đổi mới tư duy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch duyên hải Nam Trung Bộ; giải pháp căn cơ để chấn chỉnh các hành vi phản cảm trong các lễ hội; vấn đề quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (căn cứ để xác định 1600 phòng); liên kết phát triển du lịch vùng; giải pháp khắc phục bất cập trong quản lý (cấp phép) hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trách nhiệm của Bộ và giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử; giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện...

Quản lý chặt hướng dẫn viên du lịch

Về quản lý hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng khẳng định, thời gian vừa qua ngành du lịch có những tiến bộ, nhưng có nhiều hạn chế, tồn tại, đặc biệt đối với các hướng dẫn viên du lịch và một số hướng dẫn viên du lịch chui. Có nghĩa là hướng dẫn viên du lịch không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề hướng dẫn viên du lịch.

Sự việc này xảy ra ở các thành phố như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh và nhiều thành phố khác, đặc biệt vào những mùa vụ, khi du lịch nở rộ, lúc này lượng khách du lịch của một số nước tăng đột biến.

Ví dụ, khách Trung Quốc, Nga tăng đột biến, một số thị trường khách ngôn ngữ rất hiếm, chúng ta chủ yếu phổ biến là tiếng Trung, Anh, Pháp, còn các thứ tiếng khác rất hiếm. Tình hình đó xuất hiện du lịch chui, hiện nay cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 11 nghìn là quốc tế và gần 8 nghìn là nội địa, so với lượng khách trên 10 triệu quốc tế và 62 triệu  lượt nội địa. Số lượng này đã đủ nhưng nó sẽ mất cân đối về ngôn ngữ, mất cân đối rất lớn về ngôn ngữ. Có nhiều thị trường gần như khi khách vào không có hướng dẫn viên cho nên dẫn đến công tác lữ hành của chúng ta xảy ra thiếu hụt tình trạng hướng dẫn viên cục bộ.

Để xử lý tình trạng đó, bộ đã có một số giải pháp.

Thứ nhất, quản lý việc cấp thẻ hướng dẫn viên và công khai giám sát hướng dẫn viên được cấp thẻ trên trang web hướng dẫn viên.

Thứ hai, ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch trên toàn quốc sẽ phạt nặng các tình trạng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không phép, hoặc hoạt động chui sẽ phạt nặng. Đưa ra các giải pháp để giải quyết như tập trung đào tạo cấp thẻ hướng dẫn viên, bổ sung cho những địa điểm có khách du lịch tăng cao.

Tăng cường sử dụng hướng dẫn viên từ các địa phương khác đến làm việc. Phát triển đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại địa phương để phối hợp hướng dẫn viên suốt tuyến, giới thiệu và phục vụ khách du lịch. Để khắc phục tình trạng này, trong Luật du lịch (sửa đổi), chúng tôi có đề nghị đưa vào tiêu chuẩn hướng dẫn viên, rất mong Quốc hội chấp nhận và thông qua điều này. Sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hướng dẫn viên.

Về bảo tồn di tích, Bộ trưởng cho biết, trên cả nước có 3300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được đầu tư nguồn lực để tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện nay do không còn nguồn đầu tư từ trung ương nên cần xã hội hóa công tác này trên cơ sở gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử...

Về bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...), nhấn mạnh đây là trách nhiệm rất lớn do nguồn thu từ các loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó khăn... Bộ cũng đã tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân và du khách các nước (ví dụ, tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát lớn,..)...

Yếu kém do năng lực cán bộ

Về vấn đề năng lực cán bộ, Bộ trưởng bày tỏ, thực sự mà nói những sự việc xảy ra vừa rồi trước hết là do năng lực cán bộ và cũng khẳng định nếu như năng lực cán bộ tốt thì đã không xảy ra những chuyện như vậy trong quản lý.

Liên quan đến vấn đề cập nhật 324 bài hát lên website có những cái sai, những cái sai không đáng có. Sai về nghiệp vụ, người ta không yêu cầu cập nhật bài hát đó thì mình lại cập nhật, cập nhật lại vào sai mục, cập nhật vào mục cấp phép, tức là sai những nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước. Những sự việc xảy ra liên quan đến Tổng cục Du lịch... Những vấn đề khác thì chúng tôi cũng đã nhận trách nhiệm và chúng tôi đã đề ra các giải pháp.

Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân tại đâu và trên cơ sở đó thì sẽ có các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao đạo đức nghiệp vụ, cần phải thuyên chuyển. Những giải pháp này hiện nay chúng tôi đang làm.

Về quản lý lễ hội, Bộ trưởng cho biết nước ta có khoảng 8000 lễ hội, nhìn chung các lễ hội đều được tổ chức văn minh, một số lễ hội có hành vi phản cảm, để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ đang xây dựng một dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành để quản lý, bên cạnh đó các địa phương, các ban tổ chức lễ hội, người dân tham gia lễ hội phải nâng cao trách nhiệm của mình.

Trăn trở về vấn đề Sơn Trà

Về việc lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Quy hoạch du lịch Sơn Trà được lập đúng trình tự và quy định pháp luật”. Khu vực này có hơn 4.000 ha, quy hoạch du lịch điều chỉnh 1.056 ha, vì quy hoạch quốc gia thì không thể ít hơn 1.000 ha. Trước khi Chính phủ ban hành quy hoạch, TP Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch ở Sơn Trà với hơn 5.000 phòng. Đến khi quy hoạch, số phòng rút xuống còn 1.600. Sau đó, có đề xuất tiếp tục đưa quy mô phòng lưu trú xuống thấp hơn nữa.

“Với Sơn Trà, báo cáo Quốc hội, tôi rất trăn trở. Trước đây tôi công tác ở Huế, có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh nên rất thấm thía”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và khẳng định tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến về quy hoạch du lịch Sơn Trà.

“Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn”, Bộ trưởng nói và nêu rõ, từ 1.600 phòng trong quy hoạch có thể giảm tiếp. “Giảm tối đa, nhưng giảm bao nhiêu thì phải có căn cứ cụ thể”.

Về xây dựng đạo đức lối sống của con người Việt Nam, cho rằng đây là vấn đề rất lớn của đất nước, với trách nhiệm của mình, Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện...

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Quách Thế Tản (Hòa Bình); Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng); Nguyễn Phi Long (Bình Dương); Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận);... về vấn về: Thu tác quyền tác phẩm âm nhạc (thu tác quyền ở quán cà phê, nhà hàng, khách sạn; thẩm quyền thu tác quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam...); trách nhiệm của bộ trong việc dạy bơi trong trường học; xây dựng nếp sống văn hóa; giải pháp đẩy mạnh học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng; giải pháp khắc phục mặt trái của lễ hội (tổ chức lễ hội quá nhiều, nhiều lễ hội có dấu hiệu trục lợi, bỏ bê công việc đi lễ); giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành du lịch thực sự để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp căn cơ ngăn chặn xuống cấp đạo đức; kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở;...

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tranh luận với Bộ trưởng về việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian. Đại biểu cho rằng, du khách quốc tế, trong nước phải được tiếp cận với di sản gốc của văn hóa dân tộc, không bị tam sao thất bản... Bộ cần có giải pháp căn cơ về vấn đề này. Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề cấp phép bài hát.

Trong phiên chất vấn chiều 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà.

Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa được triển khai trên thực tế

Phó Thủ tướng cho biết việc lập Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà căn cứ vào Luật Du lịch. Cụ thể, Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch phát triển cả nước, trong đó có danh mục các đô thị du lịch, các khu du lịch quốc gia.

Theo đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng, địa phương được công nhận là khu đô thị du lịch, và có hai khu du lịch quốc gia là Bà Nà và Sơn Trà.

Luật Du lịch cũng quy định các khu du lịch quốc gia phải có diện tích từ 1.000 ha trở lên, phải đón được 1 triệu khách du lịch/năm, phải có cơ sở lưu trú. Quy hoạch khu du lịch quốc gia thì phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được xây dựng từ cuối năm 2013 và đến năm 2016 được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Sau đó quy hoạch phải được công bố theo quy định của Luật Du lịch trước khi thực hiện.

“Sau khi UBND TP. Đà Nẵng tổ chức công bố quy hoạch ngày 15/2/2017 đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và tôi đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản Bộ VHTT&DL, UBND TP. Đà Nẵng phải xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách rất cầu thị, khoa học và công khai”, Phó Thủ tướng nói và cho biết đã trực tiếp đi nhìn tận mắt những gì đã xây dựng, đang xây dựng và những gì cần phải bảo tồn ở bán đảo Sơn Trà.

Phó Thủ tướng đã dành thời gian đọc tài liệu, hồ sơ về quy hoạch, trao đổi với kiến trúc sư trực tiếp làm đồ án quy hoạch và quyết định để việc tiếp thu ý kiến về quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà được thật sự khách quan thì tạm dừng thực hiện quy hoạch này, thực chất là chưa triển khai, cho tới khi các bên xong việc tiếp thu ý kiến.

“Có nghĩa là trên thực tế hiện nay quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa hề được triển khai. Đây là một điểm rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các dự án ở Sơn Trà thuộc quản lý và xử lý của UBND TP. Đà Nẵng

Về các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà, Phó Thủ tướng cho biết trước năm 2013, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt dự án đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án về du lịch, trong đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú.

“Một trong những chỉ tiêu rất quan trọng là số phòng lưu trú thì chính xác số phòng của 11 dự án du lịch do UBND TP. Đà Nẵng cấp phép là 1.400 phòng khách sạn, 1.920 căn biệt thự. Nếu mỗi căn biệt thự có 2 phòng thì sẽ có 5.240 phòng, nếu mỗi căn biệt thự có 3 phòng thì sẽ có 7.160 phòng. Và vì như vậy thì dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa hay bất kỳ dự án nào khác trên bán đảo Sơn Trà đều được cấp phép và nếu có vấn đề vi phạm thì đều phải được quản lý và xử lý bởi UBND TP. Đà Nẵng. Điều này rất rõ ràng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về con số 1.600 phòng được nêu trong quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết quy hoạch khu du lịch Sơn Trà được thực hiện và được cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn đưa ra rất nhiều giải pháp để bảo đảm phát triển đi đôi với bảo tồn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Tôi đã gặp trực tiếp các nhà chuyên môn, con số 1.600 phòng không phải là ý chí hành chính, không phải dựa vào từ 5.000 phòng giảm xuống 1.600 phòng mà kiến trúc sư trưởng, những người thực hiện đồ án quy hoạch đã tính toán trên các công thức mô hình chuyên ngành du lịch”, Phó Thủ tướng cho biết và thông tin thêm số phòng được tính ra là từ 1.600-3.200 phòng. Hội đồng của Bộ VHTT&DL cuối cùng đã ấn định lấy ngưỡng thấp, ưu tiên hơn cho bảo tồn là  1.600 phòng và quy hoạch đến năm 2030.

Phát triển Sơn Trà trước hết phục vụ cho phát triển Đà Nẵng

Điểm tiếp theo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi là ngay sau khi thu hoạch được công bố đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng làm việc và có ý kiến chính thức. Ngày 29/5 UBND TP. Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và nói rõ là Đà Nẵng không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Mặc dù như vậy nhưng Phó Thủ tướng vẫn có văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục rà soát các dự án, làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về hướng, quy mô phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà trên nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững.

Theo Phó Thủ tướng có hai vấn đề cần phải rất thống nhất. Thứ nhất, về nguyên tắc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn quán triệt từ đầu là phát triển phải bền vững. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác các lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội để phục vụ phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững. Và khi các yếu tố bền vững còn chưa được bảo đảm thì tốt nhất để lui lại đến khi có đủ điều kiện sẽ làm.

“Bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại. Thực tế trên thế giới có rất nhiều khu du lịch, kể cả các khu bảo tồn thiên nhiên có động vật hoang dã cũng vẫn phát triển du lịch và thu hút rất tốt do nhờ bảo tồn tốt thì đấy là tài nguyên du lịch”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai là thực tế, khu du lịch Sơn Trà có đóng góp chưa đáng kể nên không ảnh hưởng lớn đến du lịch cả nước. Và vì phát triển du lịch Sơn Trà trước hết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho nên cần phải có sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.

“Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng nên chúng tôi yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng phải làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bàn tất cả các khía cạnh của vấn đề để đi đến một sự đồng thuận nhằm có một quy hoạch tốt để phát triển Sơn Trà.

Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là nếu Đà Nẵng sau khi ra soát lại tất cả các dự án, làm việc với các nhà đầu tư, làm việc với Hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống mức nào Chính phủ cũng sẽ đồng ý miễn là dưới mức 1.600 phòng như trong quy hoạch. Và nếu Đà Nẵng thống nhất với Hiệp hội là giữ nguyên trạng Chính phủ cũng đồng tình. Và cao hơn nữa nếu Đà Nẵng và Hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa nên phát triển du lịch, xin rút khỏi danh mục các khu du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý. "Tinh thần chung của Chính phủ là phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Có phải quy hoạch sau cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước?

"Có đại biểu đặt câu hỏi có phải Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch liên quan đến Sơn Trà, các quy hoạch sau lại cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước hay không? Nếu vậy thì nguy hiểm quá!", Phó Thủ tướng nói và giải thích thực tế là tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 3.871 ha.

Sau đó đến tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp quy hoạch về rừng đặc dụng trên cả nước, trong đó rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà là 2.591,1 ha.

Tới tháng 11/2016 Thủ tướng Chính phủ quy hoạch khu du lịch Sơn Trà với diện tích 1.056 ha và con số này không phải do quy định của Luật Du lịch mà đã được xác định trong bản đồ quy hoạch phát triển Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do Bộ Xây dựng chủ trì, thẩm định.

Ba con số này là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một là diện tích khu bảo tồn, một là diện tích rừng đặc dụng, và một là diện tích phạm vi quy hoạch khu du lịch quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh một lần nữa "không phải Chính phủ cứ phê duyệt cái sau là cắt đi 1.000 ha so với cái trước".

Phó Thủ tướng thông tin thêm, ngay trên diện tích 1.056  ha theo quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà cũng vẫn có rừng đặc dụng và nếu xây tới ngưỡng 1.600 phòng thì diện tích để xây dựng chỉ khoảng vài chục ha.

Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta cần hiểu cho đúng. Nếu không nhân dân nhìn vào sẽ không hiểu tại sao Chính phủ một mặt thì nói không đánh đổi môi trường, một mặt thì cứ quy hoạch sau lại cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước. Cách hiểu này hoàn toàn không đúng. Đây là các khái niệm khác nhau chứ không phải như vậy.

Tôi rất muốn báo cáo với Quốc hội để cử tri yên lòng rằng những quy hoạch này được các bộ chuẩn bị kỹ càng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dù còn có những điểm chúng ta cần cầu thị tiếp thu, nhưng căn bản là cả hệ thống đã làm rất trách nhiệm chứ không phải qua loa, ẩu như một số lời suy đoán”.

Sau phần phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận về vấn đề Sơn Trà.

Nội dung chất vấn gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Quản lý các hoạt động nghệ thuật còn lúng túng

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL về các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV,
hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng.

Cụ thể là, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.

Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.

Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và các văn bản, đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật của Ngành để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác và hội nhập của đất nước...

Tiếp tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.

Kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế các cấp để đảm bảo hoạt động hiệu quả và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tăng cường công tác giám sát thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Thực hiện công khai hóa, kết hợp với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong các khâu quản lý, cấp phép... nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Vẫn trông chờ... Nhà nước

Về khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, Báo cáo nêu rõ, công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng về trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo. Hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số công trình thể dục thể thao của một số địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người đến tập luyện, ít tổ chức giải, nguồn thu hàng năm đạt thấp. Nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi Trung tâm Văn hóa, Thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa phát huy được sáng kiến, sự tham gia tích cực của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao một số nơi chưa được quan tâm, quy hoạch; có địa phương còn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại, nhà ở để bán hoặc chuyển nhượng. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao của người lao động. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp xã phần lớn bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị hoạt động. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tuỳ tiện. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao còn quá mỏng, ít được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng công trình văn hóa, thể thao, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cụ thể là, xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở”. Nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách, đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm khai thác và sử dụng tối đa công suất các công trình phục vụ nhân dân đến sinh hoạt, luyện tập. Có chính sách ưu tiên về thuế đối với đơn vị dịch vụ sự nghiệp công. Rà soát, đánh giá mô hình hệ thống công trình, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm không tổ chức thiết chế văn hóa cấp xã, tăng cường nguồn lực đầu tư đối với thiết chế văn hóa cấp thôn (thông qua thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong đó kiến nghị giao vai trò phân bổ kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước do Trung ương thực hiện để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng mục tiêu được xác định cụ thể). Giao quyền tự chủ trong tổ chức hoạt động cho đơn vị quản lý cơ sở vật chất thể dục thể thao theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ, nhất là việc liên kết nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị (trừ cơ sở phục vụ đào tạo vận động viên); tổ chức các hoạt động, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.

Lễ hội còn nặng về kinh tế, mờ nhạt về văn hóa, tinh thần

Về quản lý lễ hội, Báo cáo nêu rõ, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch có chiều hướng phát triển nhanh về số lượng và quy mô tổ chức dẫn đến sự lúng túng trong công tác chỉ đạo quản lý hướng dẫn của địa phương. Việc tổ chức lễ hội nghiêng về lợi ích kinh tế, do đó ý nghĩa văn hóa tinh thần mờ nhạt. Một số nơi tổ chức những ngày kỷ niệm của địa phương, ngày truyền thống của ngành... còn có biểu hiện phô trương, lãng phí nặng về hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và vốn truyền thống văn hóa dân gian vốn có ở địa phương. 

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lễ hội. Tham mưu xây dựng văn bản pháp luật có tính pháp lý cao hơn, điều chỉnh riêng về hoạt động lễ hội, từ đó tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý thống nhất, toàn diện điều chỉnh hoạt động lễ hội, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Trong năm 2017 tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, theo hướng: Phân định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước về lễ hội; đưa ra những quy định đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; phân cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội. Phối hợp với các ban, bộ, ngành trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tăng cường phối hợp giữa nhà nghiên cứu với nhà quản lý trong công tác lễ hội. Đặc biệt, lắng nghe tiếng nói cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân sở tại để lễ hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, người dân.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, Báo cáo khẳng định, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành liên quan, mỗi gia đình, các nhà trường và toàn xã hội. 

Theo đó, có 6 nhóm giải pháp chung cần tập trung thực hiện tốt. Một là, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các văn bản quản lý của ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đạo đức, lối sống con người Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động; đưa việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống văn hóa thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống. Khi môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú thì con người ít có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống.

Ba là, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử: Đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức. Phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ văn nghệ sỹ.

Bốn là, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Cải tiến nội dung, phương thức, chất lượng, đưa phong trào đi vào thực chất. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” nhằm tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để khuyến khích, xây dựng lối sống, nếp sống, giải quyết các vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Năm là, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm: Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

Sáu là, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức khác triển khai các Chương trình phối hợp trong xây dựng đạo đức, lối sống.

Biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu

Xây dựng nếp sống văn hóa là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Một bộ phận cán bộ, Đảng viên đã có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng; chạy theo lợi ích vật chất trước mắt, coi nhẹ những giá trị tinh thần cao đẹp, dẫn đến vi phạm tư cách đảng viên, trách nhiệm công dân, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong hoạt động văn hóa. Bệnh hình thức, sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ của một bộ phận giới trẻ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đạo đức truyền thống giàu giá trị nhân văn, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc con người trong hoạn nạn, khó khăn đang bị chi phối bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Tính cộng đồng dân cư “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần’’ bị rạn nứt. Tệ nạn, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại đang làm băng hoại, suy đồi đạo đức, lối sống, nhất là trong giới trẻ, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội và các giá trị văn minh mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn mực về đạo đức, lối sống của thời kỳ mới chưa được hình thành.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn hóa; đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, Báo cáo nêu rõ, cần thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa; mở các diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục, phát hành tài liệu về các giá trị văn hóa truyền thống, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong từng lĩnh vực, ngành, nghề, các khuôn mẫu đạo đức, nhân cách con người; biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, tạo dư luận lành mạnh, lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, cổ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của con người; thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 

Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu khoa học nhằm xác định cơ sở lý luận và chuẩn mực nếp sống văn hóa, tiêu chí ứng xử trong nếp sống cá nhân, gia đình và xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống và tiếp thu các giá trị mới của thời đại. Xây dựng các khuôn mẫu hành vi cụ thể cho phù hợp với các giai tầng xã hội để dẫn dắt con người hành động với các giá trị đạo đức, lối sống cho phù hợp với đời sống thực tiễn. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình và nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam.