• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

TOÀN CẢNH Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 18/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

18/11/2017 11:23

* Toàn văn nội dung trả lời chất vấn   

* Clip Chánh án TANDTC trả lời chất vấn

Mở đầu phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 54 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình. Tuy nhiên do thời gian có hạn nên kết thúc phiên chất vấn chỉ có 30 đại biểu được chất vấn, 10 đại biểu tranh luận tại hội trường. Các đại biểu còn lại gửi câu hỏi để Chánh án trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Chánh án đã trả lời khá rõ. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp, từng là Viện trưởng VKSNDTC và đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội Khóa XIII. Trong nhiệm kỳ Khóa XIV này, lần đầu tiên trả lời chất vấn với cương vị Chánh án TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã nắm chắc tình hình của ngành, trả lời thẳng thắn, rõ ràng, không né tránh các vấn đề ĐBQH đã nêu. Theo dõi phiên chất vấn, có thể thấy, phần trả lời của Chánh án cơ bản nhận được sự hài lòng của Quốc hội. Tuy nhiên do đây là lĩnh vực rộng, phức tạp, nên có 12 ý kiến tranh luận, nhưng chỉ 10 ý kiến tranh luận được phát biểu do thời gian có hạn.

Tại hội trường, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương); Nguyễn Chiến (Hà Nội); Lê Ngọc Hải (Quảng Nam); Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Phan Thị Bình Thuận (TPHCM); Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội); Bùi Thị Huyền Mai (Hà Nội); Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An); Lê Thị Nga (Thái Nguyên); Giàng Thị Bình (Lào Cai); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Bùi Văn Xuyền (Thái Bình); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM); Đặng Hoàng Tuấn (Long An); Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh); Bùi Văn Hòa (Đồng Tháp); Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội); Trần Văn Mão (Nghệ An); Ngô Thị Minh (Quảng Ninh); Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ)... về các nội dung: Hướng giải quyết vướng mắc trong các vụ việc Bảo hiểm xã hội kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm; "Số phận mong manh của các bản án", nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực bị giám đốc thẩm, bất nhất về quan điểm nghiệp vụ; tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án; về xây dựng và phát triển án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai; xử lý các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; giải pháp công khai bản án nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử sơ thẩm và tiến độ xử lý các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm; giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng trước tòa; giải pháp thực hiện tinh giản biên chế trong ngành tòa án; bài học kinh nghiệm trong xét xử các đại án tham nhũng (đặc biệt là qua vụ xét xử Hà Văn Thắm); giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ án bị cải sửa, hủy; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án đánh bạc; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, thi hành các vụ án hành chính; giải pháp nâng cao chất lượng bản án dân sự; giải pháp phòng chống tội phạm băng nhóm, xã hội đen; nâng cao vai trò, hiệu quả của hội thẩm nhân dân tham gia công tác xét xử;....

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên). Ảnh ĐBND

Án hành chính - thẩm phán còn nể nang, ngại chính quyền

Liên quan đến án hành chính, theo đại biểu Lê Thị Nga cho biết, có 3 hạn chế: Thẩm phán còn nể nang, ngại với chính quyền nên có trường hợp thiếu khách quan, chưa công minh trong đánh giá chứng cứ; tỷ lệ án hủy, cải sửa cao; án xử chưa thi hành được. Đâu là giải pháp xử lý những hạn chế này?...

Về hạn chế tỷ lệ tuyên án hành chính thấp, theo Chánh án, “mặt bằng chung tuyên án là 9%, nhưng án hành chính chỉ được tuyên 7%”. Tỷ lệ bị hủy sửa cao do lỗi chủ quan của án hành chính là 3%.

Còn về nguyên nhân khách quan, theo Chánh án là “có nhiều”. Án hành chính tồn đọng kéo dài do có nguyên nhân từ quy định của luật. Trước đây do tòa án huyện xét xử vụ án cấp huyện, nhưng nay (từ 1/7/2017) đều chuyển lên tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tất cả các vụ án hành chính phải đáp ứng được hai yêu cầu. Trước hết, phải qua đối thoại - hòa giải, nếu chưa đối thoại thì tòa án nhân dân không xử lý. Thứ hai, phải có sự có mặt của Chủ tịch UBND cấp ban hành quyết định hành chính.

Hiện nay, 74% số lượng án hành chính liên quan đất đai. Đây là câu chuyện có nhiều ách tắc, không chỉ trình tự tố tụng, mà trình tự hành chính, luật pháp về đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung.

Một số địa phương có số án hành chính nhiều, như tại TPHCM năm 2017 có trên 1.390 vụ án, Hà Nội có hơn 400 vụ án hành chính.

Nếu quy định Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho cấp phó có mặt tại Tòa án để tham gia giải quyết, thì phải đánh giá lại quy định này sau 5 hoặc 10 năm thực hiện. “Vì khi lãnh đạo địa phương không có mặt tại Tòa thì phiên xét xử sẽ phải hoãn lại, hoãn hoài sẽ tạo hình ảnh xấu”, Chánh án giãi bày.

Vụ án hành chính thực chất là vụ án giải quyết quan hệ giữa người dân và chính quyền. “Nếu chính quyền cứ né hoài thế này sẽ không hay, mà có mặt hoài cũng không có thời gian giải quyết công việc”, Chánh án nói.

Tới đây, trong quá trình xem xét tổng kết thực hiện quy định này, cụ thể khi xem xét cơ chế đặc biệt cho TPHCM, “cũng nên cho phép Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố được ủy quyền cho cấp dưới tham gia phiên giải quyết”, Chánh án đề xuất. 

Nguyên nhân chủ quan, theo Chánh án, do năng lực của thẩm phán. “Thực tế, đối với vụ án khó khăn thế này, thông thường, các thẩm phán né, do ngại với chính quyền nên xử sẽ né. Việc thuộc về trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực, thì TANDTC sẽ chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn và có nhiều phiên tòa hành chính rút kinh nghiệm”, Chánh án khẳng định. 

Chưa đồng tình với trả lời của Chánh án, đại biểu Lê Thị Nga tranh luận: Điều 60, Luật Tố tụng hành chính đã nói rồi, có rất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, chứ cứ nói rằng không có thời gian để Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND ra tòa thì không ổn. “Đề nghị Chánh án kiên quyết giải quyết vấn đề này và có giải pháp để giải quyết”, đại biểu Lê Thị Nga yêu cầu.

Số lượng vụ án khởi tố tại tòa còn khiêm tốn

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Chánh án làm rõ đến nay đã phát hiện bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt mà hội đồng xét xử các cấp khởi tố tại tòa để chống bỏ lọt tội phạm? Sau khởi tố, ngành tòa án có theo dõi các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo không? Đến nay các vụ án do toà án khởi tố đạt kết quả thế nào?

Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, ngoài tuyên án, tòa có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố.

Tuy nhiên, dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ điều kiện mới khởi tố. Trong sự cân nhắc như vậy, hội đồng xét xử thông thường lựa chọn giải pháp kiến nghị viện kiểm sát và cơ quan điều tra khởi tố điều tra hơn là khởi tố tại tòa, trừ các vụ có dấu hiệu rất rõ.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên).

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đến nay, tòa án mới chỉ khởi tố 12 vụ tại tòa. Số lượng còn đang khiêm tốn và sở dĩ số lượng vụ khởi tố tại toà còn khiêm tốn là do sự thận trọng của các thẩm phán...

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, sau khi khởi tố tại tòa, trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi quyết định khởi tố. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố cũng hợp tác, mời tòa tham dự trong các vụ này.

Chánh án dẫn chứng, quá trình xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Đại Dương (OceanBank), hội đồng xét xử đã kiến nghị khởi tố vụ án liên quan đến khoản tiền thất thoát của Tập đoàn Dầu khí PVN. cơ quan điều tra sau đó cũng đã khởi tố vụ án này.

Hay trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, đầu năm nay tòa đã khởi tố bổ sung Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô mười mấy tỉ. Cách đây hai ngày, cơ quan điều tra đã họp với chúng tôi, đang điều tra theo hướng đó, có nhiều tài liệu bổ sung nên ngoài Trịnh Xuân Thanh, đã khởi tố bổ sung thêm ba bị can khác, Chánh án thông tin.

4 bài học sau đại án Hà Văn Thắm

Nói về bài học sau khi xét xử vụ Hà Văn Thắm, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói: "Tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá đây là vụ án công khai minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hoá tội phạm".

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, từ khi có Nghị quyết 01, sau năm 2013, các thẩm phán “rất ngại việc cho án treo đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng”, nhưng trong vụ án kinh tế lớn này, hội đồng xét xử đã tuyên đến 34 án treo. Đây là những người còn trẻ, mới ra trường, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ các tài sản phạm tội, đã khai báo thành khẩn, thậm chí là tự nguyện khắc phục hậu quả.

Cho nên mặc dù là đại án, nhưng dư luận đánh giá tòa đã rất nghiêm khắc với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đồng thời xét xử nhân đạo, nhân văn đối với những người làm công ăn lương, có một bản án cần thiết để phòng ngừa tội phạm, cảnh tỉnh, răn đe, và vẫn mở đường cho người vi phạm làm lại cuộc đời.

Chánh án cho biết, qua vụ án Hà Văn Thắm, chúng tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất là xác định đúng, chính xác tội danh. Tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất chúng tôi đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát truy tố đúng tội danh. Với việc xét xử lần sau, cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã truy tố đúng tội tham ô.

Thứ hai là, tranh tụng trong vụ án được tiến hành công khai, minh bạch, không hạn chế.

Thứ ba, xét xử có phân hóa, rất nghiêm khắc với đối tượng cầm đầu, nhưng cũng “mở đường” cho những người làm công ăn lương.

Thứ tư, hội đồng xét xử đã làm trọn, làm hết chức năng của mình. Bên cạnh việc tuyên bản án rất nghiêm minh, thì trách nhiệm dân sự cũng trọn vẹn, trong bản án cũng có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, kiến nghị về xử lý cán bộ và kiến nghị xử lý các vấn đề kinh tế.

Có hay không việc tòa không cho bị cáo Châu Thị Thu Nga khai “chạy" vào Quốc hội?

Về vụ án Châu Thị Thu Nga, nguyên ĐBQH, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, vụ án đã xét xử xong ở cấp sơ thẩm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án làm rõ việc: "Có thông tin cho rằng tại phiên tòa bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, nhưng tòa không cho khai, đề nghị Chánh án cần nói rõ cho người dân hiểu".

Trả lời theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình tranh tụng tại tòa, khi báo chí nêu có việc Hội đồng xét xử không cho khai, có vẻ giấu diếm điều gì… Tòa án Nhân dân Tối cao đã ngay lập tức yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kỹ thuật phòng xét xử và yêu cầu chủ toạ phiên tòa báo cáo, gặp luật sư để làm rõ.

"Phòng xét xử diễn ra bình thường, không xảy ra sự cố kỹ thuật. Trong hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của bị cáo Nga và các bên liên quan. Việc chủ tọa phiên tòa dừng việc không cho khai tiếp do vụ án này tách ra là được phép", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ. 

Vì thực tế đã có nhiều vụ án được tách như vụ án Ngân hàng Xây dựng được tách làm 3 vụ; vụ Ngân hàng Đại Dương đã xử một phần và có nhiều phần tách ra.

Cũng theo Chánh án, “nếu trong phiên tòa, mà có tình tiết mới xuất hiện, có quyết định tách án thì trách nhiệm của Hội đồng xét xử là thẩm vấn làm rõ tính tiết này. Nhưng do vụ án đang tách ra nên Hội đồng xét xử được phép không cần đề cập tới nữa.

“Tương tự vụ án OceanBank, trong lần xét xử thứ nhất, nội dung liên quan khoản 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí đã làm rõ, nên lần xét xử thứ hai không đề cập tới nội dung này”, Chánh án dẫn chứng.  

Do đó, với vụ Châu Thị Thu Nga, "việc không đề cập tới nội dung vụ án đã được tách ra là bình thường, không khác biệt", Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định và biết thêm, lời khai của bị cáo Châu Thị Thu Nga nằm trong hồ sơ vụ án, "không có gì giấu giếm". 

Theo đó, về cách chi, “bà Nga đã khai việc chi tiền nhằm hai mục đích. Một là chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử viên (ĐBQH Khóa XIV) và hai là chi giải quyết báo chí viết về bằng tiến sĩ giả của bà Nga trong thời điểm bầu cử. Chi cho mục đích thứ nhất hai phần, mục đích thứ hai một phần. 

Về cách chi, Chánh án cho biết, theo lời khai bị cáo Nga, là tiền được đưa cho một lãnh đạo một doanh nghiệp có quan hệ rộng tại Hà Nội, và đưa nhiều lần, có lần 100 nghìn USD, có lần 200 nghìn USD. Việc đưa diễn ra ở quán cà phê, với thời gian khác nhau, việc đưa chỉ có hai người biết và không có chứng cứ. Khi đối chất tại tòa, đối tượng mà bị cáo khai nhận tiền phủ nhận và nói "có quen biết Nga nhưng không nhận tiền, không quen ai ở Hà Nội…”.

"Với tình tiết này việc tòa tách án là cần thiết, tòa không thể làm rõ tình tiết này tại tòa. Bằng các giải pháp khác nhau của cơ quan điều tra sẽ làm rõ ở một phiên tòa khác về tình tiết này. Ở đây không có gì mờ ám cả", Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Vụ án oan "giết chồng, giết cha" là rất đáng tiếc

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) chất vấn về kỳ án 3 mẹ con 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha dưới chân đèo Pha Đin (Điện Biên) khiến dư luận bức xúc. Trong vụ án này, bà Đặng Thị Nga (80 tuổi) và 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Huy Dương đã bị kết án về tội giết chồng, giết cha.

Cả 3 mẹ con cùng rơi vào vòng lao lý sau 28 năm. Không chịu được nỗi oan ức, người con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiếu đã qua đời, mang theo nỗi oan về tội giết cha. Ngày 24/10/2017, cơ quan tố tụng Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan, hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Ngọc Hải về trách nhiệm gây oan thuộc về cơ quan tổ chức hay cá nhân nào? Trách nhiệm xử lý ra sao?”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là vụ án rất đáng tiếc, xảy ra 27 năm trước.

“Khi được đại biểu Quốc hội chuyển hồ sơ vụ án này, tôi thấy có dấu hiệu oan. Thực chất vụ án này toà tối cao đã hủy từ năm 2003, nhưng huỷ xong để ở cơ quan điều tra đến giờ này không có kết luận cuối cùng.

Khi đại biểu chuyển thông tin, tôi đã tiến hành kiểm tra và căn cứ vào việc trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu có nguyên nhân chết là vỡ sọ, nhưng khi khai quật lần hai thì hộp sọ còn nguyên.

Tôi đã khẳng định đây là vụ án oan và đề nghị Bí thư Điện Biên và lãnh đạo tỉnh quan tâm, cùng với địa phương trong thời gian ngắn họp liên ngành tư pháp trung ương và khẳng định vụ án oan, đồng thời đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi gia đình. 

Công việc tiếp theo là phải bồi thường cho người bị oan”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.

Việc xử lý trách nhiệm cũng được đặt ra, trước hết là 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại hồ sơ và kiểm điểm, xử lý theo quy định ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Còn việc thương lượng bồi thường thì đang diễn ra theo quy định.  

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Bình Dương. Ảnh ĐBND

Công đoàn khởi kiện – phải gỡ vướng từ luật

Nêu thực trạng, hiện nay, số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài làm cho người lao động và cán bộ công đoàn rất bức xúc trong khi Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền và lơi ích chính đáng của người lao động không bảo đảm. Tuy nhiên, vừa qua các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị toà án trả lại. ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) chất vấn: Nguyên nhân là gì và đâu là giải pháp để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện?

Về nợ bảo hiểm, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiện còn 102.900 đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội đã khởi kiện 8.840 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, trả lại 1.400 đơn…

Chánh án cho biết, “vướng mắc hiện nay là quy định của luật giao bảo hiểm có quyền kiểm tra, xử phạt, sau khi kiểm tra xử phạt theo trình tự hành chính xong thì Tòa mới giải quyết. Tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng với quy định của quy trình tố tụng hiện hành”. 

Theo một số văn bản, Liên đoàn Lao động có quyền khởi kiện các doanh nghiệp. Thời gian qua, Công đoàn đã khởi kiện 138 vụ. Quá trình xét xử cũng vướng về một số quy định pháp lý. Đó là đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, nên thông tin ra trước Tòa để bảo vệ phần khởi kiện là không chắc chắn. Mặc dù kiện nhưng lại không bảo vệ được.

Do vậy có “vướng về mặt luật”, vì xem đây là kiện dân sự nên bên nguyên đơn và bị đơn bình đẳng với nhau. Theo nguyên tắc thì việc gì tốt ở đôi bên thì có quyền thỏa thuận. Trong trường hợp này thì công đoàn khởi kiện nhưng công đoàn lại không có quyền thỏa thuận về đóng bảo hiểm. Do đó, vụ án cũng không giải quyết được, Chánh án cho biết. 

Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ? Theo Chánh án, “đây là thực tế nóng, muốn hay không thì cũng phải giải quyết, bởi nếu để nợ đọng bảo hiểm thì không bảo đảm quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu hay đi khám bệnh”.

Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự, theo đó, sau ngày 1/1/2018, các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc thì coi là tội phạm. “Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, viện kiểm sát truy tố thì trách nhiệm của Tòa án các cấp phải thụ lý”.

Trách nhiệm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao là cũng có Nghị quyết - việc này đang được triển khai, ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến bảo hiểm xã hội”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh ĐBND

* Chưa đồng thuận với trả lời của Chánh án, các ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… tranh luận. 

Đồng tình với nguyên nhân dẫn đến vướng mắc Công đoàn gặp phải trong thực hiện quyền khởi kiện mà Chánh án đã nêu là do quy định của pháp luật và từ phía tổ chức Công đoàn, nhưng đại biểu Trương Thị Bích Hạnh “chưa đồng tình” với giải pháp mà Chánh án đưa ra, đó là sắp tới tiến hành xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

“Đây là giải pháp có thể thu hồi, giảm bớt các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nhưng không phải giải pháp để thực hiện quyền khởi kiện của Công đoàn”, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh nói. 

Hiện nay, có đến 4 luật quy định quyền tổ chức công đoàn được đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Quyền của tổ chức công đoàn cũng chính là trách nhiệm của Công đoàn đối với người lao động.

“Nếu pháp luật quy định như thế, nhưng thực tế không thực hiện được thì pháp luật chỉ nằm trên giấy”, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh thẳng thắn.

Cho biết, điều này gây bức xúc cho cử tri là người lao động trong thời gian vừa qua, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh đề nghị “Quốc hội tiến hành nghiên cứu, rà soát tháo gỡ vướng mắc này từ quy định của pháp luật”.

Cùng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói rằng, “nếu nói như Chánh án thì dường như chúng ta đang áp dụng sai Hiến pháp”. Bởi lẽ, tại Điều 10 Hiến pháp và Điều 1, Luật Công đoàn 2013 đã quy định, Công đoàn đại diện cho người lao động.

“Bây giờ chúng ta lại giải thích Công đoàn phải nhận giấy ủy quyền có đóng dấu và có chữ ký, công chứng - đây là quyết định có tính vi hiến”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói, “Hiến pháp là to nhất, không thể có quy định khác vượt Hiến pháp và không thể áp dụng quy định khác, đặt ra quy định khác được”.

Với hành vi chiếm đoạt bảo hiểm của người lao động, “theo quan điểm của tôi là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xét xử, chứ không phải là đi khởi kiện”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói. Có thể xử lý mặt hành chính, sai áp tài sản của doanh nghiệp, nhưng không phải buộc Công đoàn hay tổ chức nào, hay người lao động đứng ra khởi kiện trước Tòa án. “Hàng trăm người nghìn lao động tại sao lại bắt phải ra Tòa án, và Tòa án làm sao giải quyết hàng trăm vụ án được”. Chỉ ra điểm bất hợp lý này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng “chúng ta đang đi theo hướng khác, gây khó khăn cho toàn hệ thống”.

Trả điều tra bổ sung hơn 2000 vụ án

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) về điều tra bổ sung, “trả tới trả lui” nhiều lần, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, “thực tế có tình trạng này, cá biệt có vụ án ĐBQH nêu trả đến 7 lần”.

Đến tháng 7/2017 đã trả điều tra bổ sung hơn 2000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung vì xét thấy có dấu hiệu chưa đủ bằng chứng kết tội, bỏ lọt tội phạm, hoặc bỏ sót tình tiết. Thống kê năm 2017 có 145 vụ. Vụ án ĐBQH nêu đã được xét xử sơ thẩm. 

Về nguyên nhân để xảy ra vụ án kéo dài thời gian xét xử, Chánh án cho biết, “nguyên nhân đầu tiên do chất lượng điều tra vụ án, chất lượng công tác công tố có vấn đề”.

Ngoài ra, về phía thẩm phán “cũng có những thẩm phán không tuân thủ đúng quy định pháp luật, có nể nang khi tuyên án”, Chánh án nói. 

“Giải pháp của việc này không có cách nào khác là các cơ quan điều tra, truy tố phải nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, “Tòa án Nhân dân Tối cao quán triệt các thẩm phán tuân thủ quy định pháp luật, không được trả quá nhiều lần.

Trong trường hợp không đủ yếu tố kết tội phải tuân nguyên tắc không đủ yếu tố kết tội”.

Khẳng định Bộ luật Hình sự năm 2015 là “bước tiến dài về quy trình xét xử các vụ án hình sự”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu Tòa án trước khi trả hồ sơ điều tra bổ sung phải nêu rõ lý do và khi nhận lại sẽ kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu”. 

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội). Ảnh ĐBND

Đã nỗ lực nhưng mới ban hành được 13 án lệ

Về án lệ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân giao Hội đồng thẩm phán Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn án lệ.

“Chúng tôi đã nỗ lực, nhưng hiện mới ban hành 13 bản án lệ”, Chánh án cho biết, và “số lượng án lệ này còn khiêm tốn do công tác này mới thực hiện.

Nhưng Tòa án nhân dân đã có quy trình, thủ tục xây dựng án lệ, có Hội đồng quốc gia và chỉ thị toàn ngành chú ý xây dựng án lệ.

Thẩm phán nào có vụ án tạo được án lệ sẽ được khen thưởng, bổ nhiệm, vì đã tạo chuẩn mực xét xử mới.

“Tôi rất tin trong tương lai, án lệ sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, vì thực tiễn có nhiều điều vướng mắc. Chúng ta không chỉ áp dụng án lệ của Việt Nam, mà có thể áp dụng án lệ quốc tế”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Chất lượng xét xử được bảo đảm; tranh tụng nghiêm túc, thực chất

Trước đó chiều 15/11, trong báo cáo gửi đến các ĐBQH làm rõ các vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ tư cũng như việc thực hiện “lời hứa” tại Kỳ họp thứ hai, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong năm 2017, TANDTC đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Đồng thời tổ chức Hội nghị chuyên đề với sự tham gia của tất cả các Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp để bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, trong đó có công tác xét xử về dân sự, hành chính và các vụ án tham nhũng.

Tại hội nghị nói trên, ngành tòa án đã xác định 14 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Chính vì thế mà năm 2017, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý, giải quyết tăng gần 37 nghìn vụ so với cùng kỳ năm 2016 nhưng các tòa án đã có nhiều cố gắng và đã giải quyết được gần 458 nghìn vụ việc, đạt tỷ lệ 91,4% tổng số vụ việc thụ lý; số vụ việc còn lại hầu hết còn trong hạn luật định.

Chất lượng xét xử được bảo đảm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của thẩm phán thấp hơn 0,2% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện nghiêm túc, ngày càng rộng rãi và thực chất.

Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự về cơ bản bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Tỷ lệ hòa giải thành tăng so với cùng kỳ năm trước.

Việc khắc phục tình trạng án tuyên không rõ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.

Những kết quả này càng có ý nghĩa khi hiện nay, ngành tòa án vẫn đang còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, thẩm phán và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc.

Trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, thẩm tra viên, Thư ký tòa án; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án...

Mong muốn tiến đến sự hoàn thiện nhất để phục vụ nhân dân

Chia sẻ cảm xúc trên báo Công Lý về việc chuẩn bị cho phiên chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: "Để trả lời chất vấn của ĐBQH, chúng tôi phải chuẩn bị tất cả những nội dung đáng chú ý của ngành mà các ĐBQH có thể quan tâm. Nội dung “nóng” cần ưu tiên sẽ phụ thuộc vào chất vấn của các ĐBQH. Chưa biết các đại biểu sẽ hỏi vấn đề gì nhưng tất cả những nội dung liên quan đến trách nhiệm của ngành đều phải chuẩn bị chu đáo. Tôi cũng rất mong các đại biểu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành Tòa án, còn tất cả yêu cầu của đại biểu và cử tri chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng. 

"Tôi không biết các Bộ trưởng, trưởng ngành khác áp lực thế nào, nhưng bản thân tôi sẽ cố gắng làm sao thoả mãn yêu cầu của đại biểu, cử tri. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu trong các câu hỏi của đại biểu, tôi cũng mong muốn truyền tải đến cán bộ, công chức trong toàn hệ thống TAND những đòi hỏi của Quốc hội, của nhân dân với việc nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ và chất lượng xét xử của Tòa án", Chánh án TANDTC nói.

Đồng thời, nhìn nhận đánh giá mức độ phát triển đáp ứng thực tiễn của cải cách tư pháp nước nhà, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn bày tỏ: Thực ra không có một quốc gia nào đánh giá là mình có nền tư pháp hoàn hảo, cuộc sống luôn luôn vận động và các đòi hỏi của người dân thì ngày càng cao. Thực tế diễn ra luôn phong phú hơn các quy định của pháp luật, nên nhu cầu cải cách tư pháp là nhu cầu tất yếu và thường xuyên. Là Chánh án TANDTC tôi luôn mong muốn tiến đến sự hoàn thiện nhất để phục vụ nhân dân. Còn nói đạt được bao nhiêu phần trăm thì không thể đánh giá bằng con số cụ thể được, chỉ có điều chúng tôi cố gắng làm sao để phục vụ tốt nhất cho dân mà thôi.

Theo chương trình kỳ họp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. 

Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Trong quá trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).

Bình Minh