Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Clip: Thủ tướng thị sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Clip: Thủ tướng phát biểu khai mạc Hội nghị
Clip: Phát biểu của Bộ trưởng TN&MT
Clip: Phát biểu của Bộ trưởng KH&ĐT
Clip: Phát biểu của Bộ trưởng NN&PTNT
Clip: Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị
Các báo cáo, phát biểu, tham luận tại Hội nghị
Lãnh đạo, địa phương, nhà khoa học đề xuất, hiến kế
14h00': Hội nghị tiếp tục làm việc. Đại biểu Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang tham luận về các nội dung: Quy hoạch tổng thể lại vùng; có cơ chế huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển; thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình; tái cơ cấu lại ngành kinh tế trong vùng, trong đó xác định rõ vai trò của từng tỉnh, xem xét lại chỉ tiêu bảo vệ đất lúa; xử lý sự cố sạt lở, bảo vệ các công trình trọng yếu của vùng; tăng cường quan hệ quốc tế khu vực sông Mekong; có cơ chế phát triển phù hợp với đặc thù vùng ĐBSCL...
14h18': Chủ tịch Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tham luận về định hướng phát triển các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đại diện Cà Mau đề xuất về quy hoạch, cần phân chia ĐBSCL thành 3 vùng (vùng trên, vùng giữa, vùng ven biển) trong đó có quy hoạch cụ thể cho từng tiểu vùng để có cơ chế phù hợp cho đầu tư phát triển; định hướng luân canh lúa tôm vùng dễ bị xâm nhập mặn; đầu tư hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi, điện cho vùng nuôi tôm; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy; đầu tư các hồ chứa nước mưa ở những vùng phù hợp; xây dựng hệ thống công trình điều tiết cấp nước ngọt, nước mặn cho sản xuất; có giải pháp đột phá đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp; bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai; đầu tư kênh đào khai thông tuyến đường thủy từ Kiên Giang về Cà Mau...
14h30': Bí thư Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề xuất 5 vấn đề: Nâng cao chất lượng dự báo, thông tin chỉ đạo điều hành, tuyên truyền về biến đổi khí hậu; có giải pháp công trình, phi công trình cấp quốc gia để bảo vệ đất, phù sa, ngăn chặn sạt lở hiệu quả; quyết đoán bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt, xây dựng các công trình điều tiết lũ; có giải pháp cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân; Chính phủ có cơ chế ưu đãi về vốn cho địa phương đầu tư các công trình công cộng, đồng thời ban hành cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư vào các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu...
14h39': Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp lực giữa 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh; xây dựng đề án liên kết tiểu vùng; đề xuất đầu tư kiến tạo mô hình các chuỗi giá trị cho từng ngành hàng; phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu kinh tế khu vực ĐBSCL; định hướng xây dựng, phát triển các hiệp hội ngành hàng cấp vùng; sớm đổi mới quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho vùng...
14.45': Bí thư TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu cho biết TPHCM cũng như các tỉnh ĐBSCL đang phải với các thách thức nước biển dâng; lượng mưa lớn; sụt lún nền đất... Những thách thức này đòi hỏi phải hiểu nước, quy hoạch, sử dụng nguồn nước cho phù hợp. Tán thành với các giải pháp công trình, phi công trình, Bí thư TPHCM đề nghị nghiên cứu kỹ việc trồng cây ven biển bảo vệ đất; đầu xây dựng các công trình chống ngập cục bộ, hoặc liên tỉnh; đầu tư xây dựng hệ thống đo đạc thông tin của cả vùng về các chỉ số sụt lún, sạt lở ven biển, lượng mưa, nước ngầm; phát triển nông nghiệp trong thời gian tới cần nghiên cứu giống cây, giống con cho cả vùng một cách hiệu quả phù hợp với các tiểu vùng nước ngọt, nước mặn, nước lợ; có chương trình hỗ trợ chế biến hướng ra xuất khẩu; hình thành ủy ban vùng; quy hoạch lại giao thông, phấn đấu đến 2025 cơ bản hoàn thiện giao thông đồng bộ trong toàn vùng; cùng với kinh tế hộ, doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ mô hình kinh tế hợp tác xã...
14h27': GS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM kiến nghị về giáo dục và đào tạo cần có giải pháp đặc thù nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, theo hướng nhà nước đặt hàng, bảo đảm đầu ra có việc làm, thu nhập thỏa đáng; khẩn trương quy hoạch lại mạng lưới đào tạo các trường trong vùng ĐBSCL; khuyến khích liên kết giữa các trường ĐH lớn với ĐH địa phương, cho phép các trường tự chủ chỉ tiêu đào tạo, gắn liền với đẩy mạnh kiểm định chất lượng đào tạo; nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề; trong các giải pháp phi công trình cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực... Về ứng dụng KHCN, GS Huỳnh Thành Đạt kiến nghị cần có vai trò nhạc trưởng từ trung ương trong xây dựng CSDL chung về KHCN, cơ chế chia sẻ các ứng dụng KHCN cho cả vùng...
15h05': Về bảo vệ nguồn nước, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng chúng ta phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có, không thể thụ động chờ đợi vào các quốc gia thượng nguồn, theo đó phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp với từng điều kiện nguồn nước (lợ, nước ngọt, mặn). Về sử dụng tiết kiệm nước, cần có giải pháp tích lũy nước trong mùa mưa, mùa lũ để dành sử dụng trong mùa khô; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, không cần thiết phải sản xuất lúa 3 vụ, có thể giảm số vụ theo hướng kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả giá trị cao; có chính sách hiệu quả, mạnh dạn bỏ hạn điền, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thu hút nông dân vào hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích sản xuất đa dạng theo nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm của vùng...
15h17': GS. Đào Xuân Học đề xuất chiến lược chủ động sống chung với lũ (đưa lũ vào đồng ruộng một cách chủ động, kết hợp xây dựng các công trình chống lũ bảo vệ các khu dân cư); xây dựng tuyến đường ven biển với tính chất là công trình công ích đa mục tiêu (vừa là đường giao thông, vừa là đê biển, vừa là công trình bảo vệ nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản)...
15h23': Phát biểu về vấn đề tài chính, ông Đức Thắng Nguyễn (đại diện nhóm kinh tế tư nhân) cho rằng, ĐBSCL đang cần rất nhiều vốn, song ngân sách nhà nước hay nguồn lực ODA không đủ để đầu tư các công trình hạ tầng. Theo đó cần có cơ chế để thu hút khu vực tư nhân (đang có rất nhiều nguồn vốn) đầu tư các dự án hạ tầng (giao thông, năng lượng tái tạo...). Cụ thể là: Chính quyền địa phương cần công khai các dự án kêu gọi đầu tư; có cơ chế luật pháp bảo vệ nhà đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế; đi liền với đó cần đơn giản hóa quá trình cấp phép đầu tư, cũng như có quỹ đất sạch phục vụ cho đầu tư...
Từ 15h35'-16.00': Đại diện các tổ chức quốc tế (GIZ, IUCN), Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Vingroup phát biểu tham luận về các giải pháp về chống xâm ngập mặn, sạt lở; cơ chế hợp tác liên khu vực; quản lý dữ liệu, chia sẻ thông tin; rà soát thống nhất quy hoạch vùng với tầm nhìn toàn diện; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (VD: Sống chung với lũ) gắn với bảo tồn đa dạng sinh thái; quản lý nguồn nước, khôi phục các nguồn nước ngầm; đề xuất cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp với người dân trong phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm hữu cơ (nuôi tôm dưới tán rừng giáp biển, nuôi tôm nước lợ)...
Chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn
16.05'. Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng cho biết, ngay trong tháng 9 này, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL.
Thủ tướng khẳng định tinh thần phát triển bền vững ĐBSCL. Và một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, trên cơ sở đó cần có tầm nhìn để xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân. Thứ hai thay đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. “Lương thực không phải là chống đói mà lương thực là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh. Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng”. Thứ ba là quan điểm phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên...
Về đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 2020 giải ngân có hiệu quả 1 tỷ USD để làm một số công trình: Cống sông Cái Lớn, Cái Bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng...
Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.
Để phát triển bền vững vùng đất Chín Rồng định kỳ 2 năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô tương đương hội nghị ngày để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.
Thủ tướng phát biểu khai mạc Hội nghị.Ảnh VGP/ Quang Hiếu |
Quyết tâm biến thách thức thành thời cơ
8h00': Hội nghị bắt đầu. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ điều hành phiên làm việc buổi sáng. Mở đầu hội nghị, các đại biểu xem clip về tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực ĐBSCL.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các tổ chức, cá nhân và lãnh đạo các bộ ngành, đặc biệt là các chuyên gia nổi tiếng trong nước và nước ngoài, các diễn giả quốc tế từ nơi xa xôi đã về dự hội nghị.
Đánh giá cao các hội nghị chuyên đề đã diễn ra trong ngày 26/9, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp ý nhiều ý kiến rất cơ bản cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.
Cho biết từ chuyến đi khảo sát ở Hà Lan trước đây và ngày hôm qua trực tiếp đi khảo sát ĐBSCL ông đã thấy được tầm quan trọng của các giải pháp công trình, phi công trình, cũng như vai trò quan trọng của người dân và chính quyền cơ sở trong ứng phó với biến đổi khí hậu...
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Dù phải đối mặt không ít thách thức, nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này, với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL, nâng cao đời sống của nhân dân,...
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai sáng lạn. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân”, Thủ tướng nói.
Do đó, Thủ tướng đề nghị hội nghị đưa ra được những giải pháp căn cơ, chiến lược, khả thi, có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực... Thủ tướng nhấn mạnh các đại biểu thảo luận cần nói thẳng, nói thật, phản biện cả một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững thịnh vượng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu.Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Phải thay đổi nhận thức về ĐBSCL
8h43': Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày báo cáo tổng thể hội nghị chuyên đề về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.
Báo cáo nêu rõ tính độc đáo của ĐBSCL - vùng đất nhiều thuận lợi, lắm khó khăn với những cơ hội, thách thức, qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ, đột phá cho vùng đất này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức về ĐBSCL. Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TPHCM.
Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này.
Đồng thời, cần cơ chế đột phá, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Ưu tiên bố trí vốn cho những dự án cấp bách
9h05': Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo phiên thảo luận chuyên đề về quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng ĐBSCL, cơ chế huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.
Hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quy hoạch tổng thể, tích hợp để phát triển vùng; có cơ chế điều phối vùng, quản lý thống nhất, phù hợp để huy động các nguồn lực phát triển...Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Trong đó phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các nguyên tắc như cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; cân nhắc diện tích trồng lúa; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, các đại biểu đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đó, báo cáo đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trong giai đoạn tới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu cả về công trình, phi công trình; rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn để ưu tiên đầu tư trước cho các dự án trong danh mục "không hối tiếc"; ưu tiên đầu tư các dự án chống biến đổi khí hậu..."Hội nghị Diên Hồng" cho vùng đất Chín Rồng
Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.
Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng).
Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).
Trong 2 ngày 26-27/9, Hội nghị sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề.
Phiên 1 sẽ bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Phiên 2 sẽ thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Phiên 3 sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở.
Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với vùng đất này. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước.