• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

TOÀN CẢNH: Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV

(Chinhphu.vn) - Sáng 22/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

22/10/2018 19:18
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu được giao

Báo cáo do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội khẳng định: Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn; quy mô nền kinh tế tăng mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt.

Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước; quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng hướng, đổi mới, sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2018

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch năm 2018

Ước thực hiện 2018

Đánh giá

1

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

6,5 - 6,7

6,7

Đạt

2

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu

%

7 - 8

11,2

Vượt

3

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu

%

< 3

Xuất siêu 0,4%

Vượt

4

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân

%

khoảng 4

< 4

Vượt

5

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

%

33 - 34

34

Đạt

6

Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều

%

1 - 1,3

1 - 1,5

Vượt

Riêng các huyện nghèo giảm

%

4

> 4

7

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị

%

<4

3,14

Vượt

8

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế

%

58 - 60

58,6

Đạt

Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo

%

23 - 23,5

23 - 23,5

9

Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã)

Giường bệnh

26

26,5

Vượt

10

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế

%

85,2

86,9

Vượt

11

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

88

88

Đạt

12

Tỷ lệ che phủ rừng

%

41,6

41,65

Vượt

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực, như đã nêu trên. Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Thực tiễn cho thấy, cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt hơn, thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn.

Đây cũng là kinh nghiệm rất quan trọng đối với từng cấp, từng ngành trong chỉ đạo điều hành để có những giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Thời gian còn lại của năm 2018, chúng ta không được chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác dân vận, thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% trong năm 2019

Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ.

Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên trên, báo cáo của Chính phủ đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2019.

Thứ nhất, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược.

Thứ ba, tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thứ tư, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ bẩy, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ tám, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hành động quyết liệt; ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 834 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.646 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Thời gian qua, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định; tốc độ tăng GDP đạt khá cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều kết quả.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và Nhân dân kiến nghị.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018.

Nhiều bộ, ngành đã bước đầu tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.  

Bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng đề xuất các ý kiến, kiến nghị về kinh tế, xã hội; về quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; về xây dựng các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương 6 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác trong nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã kiểu mới.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề; xây dựng, ban hành chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng, đồng bộ và đầy đủ; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối cục bộ giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp mới.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra, xử lý văn bản; thực hiện sơ kết, đánh giá việc thi hành Luật Ban hành VBQPPL để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ sáu, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần đề cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân.

* Sau khi Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin

Đúng 9.00', Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. Sau khi Quốc hội thực hiện nghi thức chào cờ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực.

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể là:

Thứ nhất, bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật và 01 Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba, trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

Thứ tư, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian qua, kể từ sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực chủ động chuẩn bị nội dung của kỳ họp thứ 6. Các dự án, dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các cơ quan thông tấn báo chí đã tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm kịp thời truyền tải đầy đủ các hoạt động của Quốc hội đến cử tri và Nhân dân cả nước để người dân hiểu rõ hơn đối với các nội dung trong chương trình nghị sự của Quốc hội, nhất là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.

Kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình thực tế đất nước và địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Thông cáo về khai mạc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa XIV cho biết: Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội.

Từ 7.15’, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8.00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp. Đúng 9.00, Quốc hội họp phiên khai mạc.

Theo chương trình phiên họp, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Nhiều điểm mới

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp thứ 6 không chỉ là kỳ họp cuối năm mà còn là kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc là rất lớn và có nhiều nội dung mới sẽ được trình Quốc hội.

Trước hết, về kinh tế - xã hội, ngân sách, thông thường các kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ đánh giá kết quả trong năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo.

Nhưng lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 như: Phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Việc xem xét các báo cáo trên không chỉ là nhìn nhận lại xem chúng ta triển khai được đến đâu, kết quả đạt được như thế nào, cái gì chưa đạt được, khả năng đạt được bao nhiêu mà quan trọng hơn là, trên cơ sở này, xác định xem có cần điều chỉnh hay cần thêm những giải pháp nào khác để phấn đấu đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm hay không.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn và dài hạn.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Về giám sát, điểm mới là kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Việc giám sát lại như vậy sẽ giúp Quốc hội đánh giá một cách tổng thể việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, việc gì làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, chỉ rõ trách nhiệm và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện được các nghị quyết của Quốc hội.

Điều này cũng thể hiện quan điểm, phương pháp làm việc của Quốc hội, đó là, giám sát đến cùng việc thực hiện những vấn đề mà cử tri và nhân dân đã yêu cầu để tạo được chuyển biến rõ ràng trong thực tế.

Một điểm mới nữa liên quan đến chất vấn là kỳ họp này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của ĐBQH.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

 Tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước ngay trong ngày khai mạc

Về công tác nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước.

Đặc biệt, nhân sự để bầu Chủ tịch Nước lần này là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương nhất trí 100% giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Nước.

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước vì còn liên quan đến nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Nước phải ký trình Quốc hội trong những phiên làm việc tiếp theo.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do chuyển công tác khác và xem xét, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới.

Đảm bảo khách quan, công bằng trong đánh giá tín nhiệm

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, trong dự kiến chương trình kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Có ý kiến băn khoăn rằng điều này liệu có dẫn đến việc ĐBQH không có đủ cơ sở để đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ hay không?

Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ: “tôi không nghĩ như vậy” và cho biết, UBTVQH đã cân nhắc kỹ lưỡng các phương án và thấy rằng, phương án sắp xếp 2 hoạt động quan trọng này như vậy là hợp lý và sẽ bảo đảm được tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là đối với tất cả các thành viên Chính phủ nhưng chất vấn chỉ một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội.

Mặt khác, chúng ta phải xác định rất rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Quốc hội đã yêu cầu người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình gửi đến ĐBQH. Cùng với báo cáo này, trên cơ sở theo dõi, giám sát hoạt động của các thành viên Chính phủ, ý kiến, đánh giá của cử tri và nhân dân… thì ĐBQH sẽ có đủ cơ sở, đủ dữ liệu để đánh giá đúng người, đúng việc, công tâm, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Quốc hội đã có Nghị quyết số 85/2014/QH13 về vấn đề này.

Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều đồng chí khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm là rất rõ, vì qua lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu sẽ thấy được thực tế, cá nhân mình, bộ, ngành mình phụ trách đang được ĐBQH, cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào và có vấn đề gì phải điều chỉnh, phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như mong muốn, đòi hỏi của người dân.

Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng đã có quy định rất rõ ràng. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có trường hợp nào như vậy thì Quốc hội sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng như quy định của Nghị quyết 85 thôi.

Mong cử tri chủ động theo dõi và giám sát hoạt động của Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trong kỳ họp này có một số nội dung không được phát thanh truyền hình trực tiếp nhưng về số lượng, kỳ họp sẽ có tới 15 phiên họp được phát thanh truyền hình trực tiếp.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định: Công tác thông tin truyền thông về kỳ họp cũng tiếp tục có những đổi mới theo đúng tinh thần công khai, minh bạch. Văn phòng Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp theo đúng quy chế về công tác thông tin truyền thông của Quốc hội; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhiều hơn; đồng thời, tạo điều kiện để ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với báo chí nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng sẽ có thông cáo báo chí chi tiết về nội dung làm việc hàng ngày của Quốc hội. Thậm chí, có những vấn đề cần thiết, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức họp báo ngay trong kỳ họp chứ không phải chỉ dừng lại ở họp báo trước và sau kỳ họp nữa.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, điều này sẽ bảo đảm cung cấp cho cử tri và nhân dân thông tin, quan điểm chính thống của Quốc hội, từ đó, tạo điều kiện để cử tri và nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu các bộ trưởng, thành viên các cơ quan của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp cần tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ và chủ động trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí.

Với những đổi mới như vậy, Tổng Thư ký Quốc hội tin tưởng, chắc chắn công tác thông tin truyền thông về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sẽ kịp thời, thường xuyên, có chiều sâu hơn.

Nhân đây, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị các phóng viên, các cơ quan báo chí thực sự là kênh thông tin hai chiều vừa phản ánh trung thực, khách quan hoạt động của Quốc hội đến với cử tri và nhân dân vừa đem được tiếng nói, mong muốn của cử tri và nhân dân đến với ĐBQH, với Quốc hội để kịp thời nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

Tổng Thư ký Quốc hội mong muốn cử tri sẽ theo dõi sát diễn biến của kỳ họp, nắm chắc bản chất những vấn đề đã được Quốc hội thảo luận, quyết đáp như thế nào. Rút kinh nghiệm trường hợp như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, một số kẻ xấu đã cố tình xuyên tạc, làm méo mó thông tin về hoạt động của Quốc hội từ đó kích động một bộ phận người dân, gây ra những sự việc và hậu quả đáng tiếc. Quốc hội luôn nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri và nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất để có những quyết sách đúng đắn nhất, hợp lòng dân nhất. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội mong cử tri chủ động và cảnh giác trong việc tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, những nguồn tin không thể kiểm chứng được tính xác thực, tìm hiểu rõ ràng và kịp thời đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong các hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát…