Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đúng 17h00', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31/10. Trong phiên làm việc này, các "Tư lệnh" ngành đã trả lời chất vấn của đại biểu các nội dung: Quản lý đất đai khi doanh nghiệp cổ phần hóa; giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; kết nối du lịch vùng Đông Bắc; hạn chế tiền mặt trong lưu thông; nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; xử lý phế liệu nhập khẩu ách tắc tại các cảng biển; chính sách người có công; xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra; phòng vệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu; xử lý sim rác; quản lý chất thải các nhà máy nhiệt điện; lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa;...
Có xử lý được đối tượng nói xấu người khác trên mạng, SIM rác không?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) chất vấn tân Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ xử lý như thế nào về tình trạng trên mạng xã hội có tình trạng muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm. Cơ quan chức năng có xử lý được vấn đề này không?
Đại biểu Cương hỏi thêm: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa này, đại biểu chất vấn rất nhiều lần Bộ TT&TT về nạn SIM rác. Sau những giải pháp của bộ nhưng nạn sim rác vẫn còn tồn tại. Rất may là lần này chúng ta có một đồng chí Bộ trưởng TT&TT xuất thân từ một nhà mạng di động lớn. Tôi xin hỏi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là có thể chấm dứt được nạn SIM rác không? Dù Bộ trưởng mới nhậm chức, tôi mong Bộ trưởng khuyến mại cho Quốc hội một câu trả lời để tiện cho việc giám sát sau này?
Không thể bỏ "trận địa" không gian mạng
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ hay nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng hơn.
Theo ông, chúng ta sống trên không gian mạng được khoảng 10 năm, chưa nhiều kinh nghiệm và sự phát triển còn tiếp tục, trong khi đời sống thực đã có kinh nghiệm nhiều nghìn năm. Một số logic trong đời sống thực có thể mang sang áp dụng ở không gian ảo để xử lý thông tin sai.
Bộ trưởng TT&TT cho rằng, thứ nhất phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật và cái này phải sửa một số quy định pháp luật.
Đồng thời, “phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá tức là phải dùng pháp luật. Một ngày trên mạng xã hội tiếng Việt có 100 triệu thông tin nên chúng ta không thể dùng người được.
Hiện nay Bộ TT&TT bước đầu xây dựng Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Có thể đọc được 100 triệu tin/ngày để phân tích, đánh giá, phân loại”, Bộ trưởng Hùng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta phải có công cụ "quét rác". Đây cũng là câu chuyện vừa pháp luật, vừa công nghệ. Cần chỉ ra một đầu mối xử lý vấn đề này thì Chính phủ phải ra quyết định. Công cụ quét rác, dọn dẹp là kỹ thuật công nghệ có thể làm được.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu cái khó là có những mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta phải mạnh tay hơn trong việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt các yêu cầu về gỡ bỏ thông tin.
Ngoài ra, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của EU và một số nước Đông Nam Á, quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật.
“Cần có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng xã hội. Mạng xã hội bây giờ không phải ảo nữa mà là thật rồi, không nên bỏ trống trận địa này.
Đặc biệt, người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng. Cái tốt lớn hơn thì cái xấu giảm đi cũng như nâng cao nhận thức của người dân về việc thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt, nên không phải cái gì xem cũng tin ngay”, Bộ trưởng nói thêm.
Liên quan vấn đề sim rác, Bộ trưởng cho biết, vấn đề gốc nằm ở chỗ phải có 1 cơ sở dữ liệu công dân chính xác, xác định mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn vào sim và gắn vào chứng minh nhân dân (CMND).
“CMND hiện nay nhiều nước cài vào đó thông tin ID duy nhất, ảnh, vân tay. Khi người đến đăng ký thì chìa CMND ra, cắm vào máy là hiện lên vân tay và ảnh.
"Công ty cung cấp sim đó chỉ cần chụp ảnh và so với cơ sở dữ liệu ấy, nếu ảnh đó trùng với ảnh trong chứng minh thư thì đây đúng là người sở hữu chứng minh thư đấy”, Bộ trưởng cho rằng đây là giải pháp căn cơ nhất.
Ông cũng cho hay, vừa qua chúng ta chưa căn cơ được thì đã dùng khá nhiều biện pháp và tình hình cũng tốt lên. Nhưng để thực sự căn cơ, phải nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, việc này không chỉ riêng câu chuyện sim rác mà cho cả câu chuyện Chính phủ điện tử nữa.
Bộ sẽ cố gắng cùng với các địa phương bảo đảm an toàn hồ đập
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về việc đầu tư, sửa chữa hồ đập, Bộ trưởng Bộ NN PTNNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an toàn thủy đập là rất quan trọng.
Hiện nay, riêng hồ thủy lợi chúng ta có trên 6.336 hồ, với tổng trữ lượng nước khoảng 13.000 m3. Chúng ta có hai loại hồ, hồ lớn là 821 hồ với công suất từ 3 triệu m3 trở lên; hồ nhỏ có hơn 5.000 hồ với công suất dưới 3 triệu m3.
“10 năm qua, chúng ta đã dồn sức cho 821 hồ lớn với 13.000 tỷ đồng để sửa chữa cơ bản, đến giờ khẳng định là tốt”, Bộ trưởng cho biết, còn lại, hồ nhỏ, “đúng là trong tổng số hơn 5.000 hồ, có khoảng 1.730 hồ không bảo đảm an toàn”.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, có 450 hồ được sử dụng gói tín dụng để sửa chữa. Bên cạnh đó, trước mùa mưa bão vừa qua, Thủ tướng cũng quyết định một gói 500 tỷ đồng để sửa chữa 84 hồ nữa. Còn lại khoảng 1.200 hồ, Chính phủ đã giao Bộ NN PTNT cùng các tỉnh rà soát trình Thủ tướng Chính phủ để cho chủ trương tới đây sẽ khắc phục.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ NN PTNT sẽ cố gắng cùng với các địa phương bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân.
Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?
Liên quan đơn vị công lập, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu ý kiến các đơn vị sự nghiệp công lập cồng kềnh, mở rộng kinh doanh nhiều dịch vụ như: Kinh doanh tiệc cưới, nhà hàng… vậy việc sắp xếp lại những đơn vị này như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời: Số lượng nhân sự làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 là 1.886.107 người. Việc sắp xếp giao quyền tự chủ cho các đơn vị công lập là nhiệm vụ lớn.
Để cụ thể hóa Nghị quyết 19 Trung ương 6 đặt ra giai đoạn từ nay tới 2035, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10 đưa ra lộ trình và giao nhiệm vụ các bộ ngành địa phương. Trong đó qua từng giai đoạn hằng năm, từ nay tới năm 2020 thì giảm biên chế 10% so với năm 2015; tiếp tục 10% đầu mối xã hội hóa và giao quyền tự chủ 10% cho các đơn vị công lập. Các giai đoạn tiếp theo, cứ 5 năm thực hiện 3 chỉ tiêu giảm 10%.
Đối với sự nghiệp công lập chia 3 nhóm: Đối với sự nghiệp công lập phục vụ nghiên cứu công tác lãnh đạo, nghiên cứu cơ bản Nhà nước thì chúng ta thực hiện hưởng ngân sách. Một số đơn vị công lập hưởng 1 phần. Số còn lại giao quyền tự chủ về tài chính hoặc chuyển qua hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Để thực hiện chủ trương, Chính phủ đã có Nghị định 16 giao cho 7 bộ ngành Trung ương phải kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị quyết về chủ trương giải pháp giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp nhưng đến nay chỉ 2 bộ ngành tham mưu. Tôi đề nghị 5 bộ ngành còn lại cần có giải pháp tham mưu.
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) chất vấn về việc tiếp công dân định kỳ chưa đạt yêu cầu, đối thoại còn hình thức khiến nhiều vụ việc khiếu kiện vượt cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì về vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Trong thời gian qua, bên cạnh những địa phương, bộ ngành làm tốt công tác tiếp công dân, vẫn còn một số người đứng đầu không thực hiện nghiêm quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nhất là về thời gian tiếp công dân, số lượng tiếp công dân trong một năm, việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, thời hạn ra quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, những vấn đề này cần được thực hiện nghiêm trong thời gian tới. Cụ thể, cần thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, huyện, xã. Theo đó, chủ tịch UBND xã tiếp công dân mỗi tuần một ngày, chủ tịch UBND huyện tiếp công dân mỗi tháng 2 ngày, chủ tịch UBND tỉnh thì mỗi tháng tiếp một ngày.
Đồng thời, cần tăng cường tiếp công dân để phát hiện những khiếu nại, tố cáo, chấn chỉnh những thiếu sót và sai phạm; xử lý nghiêm những hành vi sai sót theo quy định của luật cũng như trách nhiệm của người đứng đầu.
Mặt khác, để nhân dân giám sát kết quả thanh tra và đánh giá việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải công khai những nơi làm tốt, nơi làm không tốt để dư luận có đánh giá đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu chỉ tiếp mà không giải quyết khiếu nại, tố cáo thì không đạt yêu cầu. Do vậy phải nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là trong việc chấp hành pháp luật về đất đai để hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh từ cơ sở.
Quản lý đất đai khi cổ phần hóa DNNN thuộc trách nhiệm địa phương
Trả lời chất vấn của đại biểu về định giá đất đai trong cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Việc xác định giá trị sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp được thực hiện thep pháp luật đất đai theo từng thời kỳ. Trước năm 2011, đất thuê phải tính giá trị, vị trí, giá thuế. Từ năm 2013, tính tiền thuê đất theo sát giá trị thị trường, doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.
Việc quản lý về đất đai trong quá trình cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, lợi dụng việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126, khi chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được xem xét trước thời điểm cổ phần hóa.
Sau khi cổ phần hóa, đất phải được sử dụng đúng theo phương án đã phê duyệt. Nếu doanh nghiệp chuyển đổi phải thu hồi và đấu giá theo quy định. Việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.
Bộ trưởng cũng thừa nhận việc vừa qua có một số trường hợp không đấu giá, khiến dư luận tâm tư.
"Việc quản lý đất đai có ảnh hưởng đến cổ phần hóa doanh nghiệp hay không, tôi xin trả lời là không", Bộ trưởng Tài chính khẳng định và cho biết Nghị định 126 đã nêu rất rõ địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa phải phê duyệt phương án sử dụng đất. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên còn gây ra những khó khăn. Do đó cần phải có sự vào cuộc của các cấp, cấp ngành.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) chất vấn về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn phổ biến, dẫn tới người tiêu dùng chịu thiệt, Nhà nước thất thu. Giải pháp của Bộ Tài chính như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế gây thất thu ngân sách.
Bộ trưởng cho biết, qua thanh tra Bộ đã phát hiện tình trạng không những không xuất hóa đơn mà còn có cá nhân lập doanh nghiệp để lợi dụng buôn bán hóa đơn, rút tiền hoàn thuế của Nhà nước. Bộ Công an cũng phát hiện xử lý nghiêm một số vụ buôn bán hóa đơn.
Về thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010 quy định hóa đơn cung ứng hàng hóa dịch vụ và Nghị định 109/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá phí, lệ phí và hóa đơn… Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử….
Về giải pháp khắc phục tình trạng mua bán không xuất hóa đơn, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra; Bộ cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về việc mua hàng hóa phải được cung cấp hóa đơn…
Thực tế nền kinh tế Việt Nam vẫn sử dụng quá nhiều tiền mặt. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dung tiền mặt; triển khai đồng bộ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) |
Chúng ta có quyền tranh luận nhưng không được quy chụp
Ngay từ đầu giờ phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã tranh luận với đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) khi trước đó đại biểu này tranh luận với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Quốc hội đang làm việc rất hệ trọng là chất vấn các thành viên Chính phủ. Đó là việc làm thay mặt cử tri trên cơ sở kiến thức, nhận thức và sự quan sát những thông tin của mỗi người.
Ông nhấn mạnh: “Người trả lời là các Bộ trưởng, trưởng ngành, họ đủ trình độ, kiến thức, đủ bản lĩnh, đủ lực lượng, đủ bộ máy để trả lời những câu hỏi chất vấn. Cử tri và các đại biểu muốn nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn dù mỗi người có cách khác nhau, chúng tôi đề nghị tôn trọng quyền này”.
Theo đại biểu Nghĩa, tại phiên chất vấn các đại biểu tranh luận với nhau đó là việc rất tốt, ví dụ câu chuyện liên quan đến phân bón Thuận Phong hay dự thảo Luật phòng chống tham nhũng đã qua 3 kỳ họp nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau, vẫn tranh luận.
“Nhưng việc tranh luận tôi đề nghị không được lên gân, không quy chụp lẫn nhau. Vừa rồi trên mạng xã hội có hiện tượng quy chụp một số đại biểu Quốc hội. Chúng tôi đề nghị tránh việc này, chúng ta xây dựng một văn hóa nghị trường trước hết đặt lợi ích nhân dân, đất nước lên trên, tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta có quyền tranh luận nhau, ví dụ đại biểu này nói thế này, chúng ta không đóng ý vì chưa đúng, nhưng chúng ta không được quy chụp động cơ này hay đại biểu khác.
Điều đó tạo ra không khí không lành mạnh và cản trở hoạt động hết sức dân chủ của Quốc hội đang diễn ra hết sức tốt đẹp”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đấu tranh chống tội phạm trên mạng là trách nhiệm của toàn xã hội
Trả lời đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai), về vấn đề quản lý nhà nước cũng như giải pháp ngăn chặn tội phạm trên trên không gian mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các hoạt động phạm pháp trên mạng như gian lận, lừa đảo, đánh bạc… cơ bản giống như trong cuộc sống thật.
Vì vậy, vấn đề đặt ra không chỉ hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý không gian mạng mà tất cả các quy định về quản lý xã hội đều phải lưu ý đến các hình thái phát sinh trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, những vấn đề tệ nạn trên cuộc sống thực thì hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý cũng như toàn xã hội đã nhận diện được và đấu tranh dễ dàng nhưng trên không gian mạng thường thông qua các giải pháp kỹ thuật gián tiếp, đặc biệt là không lưu lại dấu vết, khó phát hiện, khó nhận diện, khó đấu tranh hơn. Do đó, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng để xây dựng các quy định không quá phức tạp, cao siêu, dễ nhận diện, phát hiện các hoạt động tội phạm, tệ nạn trên không gian mạng.
Phó Thủ tướng cho rằng cuộc đấu tranh đối với tội phạm, tệ nạn không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà của tất cả mọi người, toàn xã hội như trong cuộc sống thực. Mọi người dân phải được phổ biến kiến thức, tuyên truyền, nắm bắt được các xu thế phát triển của khoa học công nghệ. “Tiến tới mọi người dân Việt Nam đều được ‘xoá mù’ về tri thức công nghệ nói chung, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin”.
Mong địa phương đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về tình trạng mượn bằng cấp mở các tiệm thuốc tây, không thể kiểm soát được. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, tình trạng này khá phổ biến.
Theo Bộ trưởng, nhà nước đã có quy định về việc mở quầy thuốc như: Mở quầy thuốc phải tuân thủ quy định, mỗi bằng cấp dược chỉ được sử dụng một nơi và dược sĩ phải chịu trách nhiệm ở đó. Nhưng thực tiễn nhiều dược sĩ không thực hiện đúng, cho thuê bằng ở nhiều nơi, thậm chí cho thuê ở nhiều tỉnh khác.
Bộ trưởng cho biết, để xử lý vấn đề này, Chính phủ đã ra Nghị định 176 với nhiều chế tài xử lý mạnh, thậm chí có thể thu hồi giấy phép hoạt động. Do vậy, Bộ trưởng “mong các địa phương phải đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm”.
Bộ trưởng cho biết thêm: Bộ Y tế đã có đề án bán thuốc kê đơn, theo đó tiến tới liên thông hệ thống quản lý giữa các nhà thuốc và cơ quan quản lý. Vừa qua đã thí điểm liên thông với 4 tỉnh và sắp tới mở rộng ra 16 tỉnh. Dần dần sẽ tiến tới bán thuốc theo đơn.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
“Vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong ngành công an vừa qua”.
“Tuy nhiên, qua báo cáo, tôi thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” đại biểu nói và nêu dân chứng tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %,…
Một lần nữa khẳng định “đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị “Bộ trưởng Bộ Công an có thái độ hết sức nghiêm khắc tới anh em thuộc cơ quan điều tra trong lĩnh vực này".
"Đề nghị đại biểu cung cấp nguồn của số liệu"
Tranh luận lại ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng, việc cải cách bộ máy Bộ Công an phải gắn với việc nâng cao chất lượng hiệu quả. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với đánh giá mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu là "những sai phạm hiện nay là khủng khiếp".
"Nếu nói như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng thì sẽ tác động rất lớn đối với cán bộ điều tra, cán bộ kiểm sát viên trong quá trình điều tra làm rõ tội phạm. Đề nghị đại biểu cung cấp nguồn của số liệu mà đại biểu đã dẫn" đại biểu Vương Ngọc Hà nêu yêu cầu.
Đại biểu Vương Ngọc Hà dẫn số liệu: "Tôi đọc báo cáo của Chính phủ (Báo cáo số 495) về công tác phòng chống tội phạm tại trang 20 xác định rất rõ hiệu quả: Đấu tranh làm giảm 2,7% số vụ án hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá 81,33% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tại trang 21, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị chưa khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra 87,2%/90%, điều đó minh chứng rõ hơn ở trang 17 của báo cáo này là số tin báo tố giác đã giải quyết được tỷ lệ 87,2%, chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra nhưng việc điều tra khám phá tội phạm lại vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra".
Phía sau lá đơn là số phận một con người
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chất vấn thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Đơn gửi giám đốc thẩm, tái phẩm những năm gần đây là rất nhiều.
Theo Hiến pháp, chúng ta xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3. Nhưng đơn gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao, 2.000 đơn trong 2018. Trong năm chúng tôi giải quyết được 53% số đơn, đây là một kết quả nỗ lực của Hội đồng Thẩm phán.
Theo Chánh án TANDTC, việc xét xử lên tới cấp giám đốc thẩm thì đã qua nhiều cấp rất mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ toàn án…
Tranh luận lại Chánh án TANDTC, đại biểu Phạm Trí Thức nói: Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53% như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. Tôi cho rằng như vậy là chưa thoả đáng.
Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài. Lênin có câu: Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm, cái chính là biết sửa chữa được sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối. Ví vụ như vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tụ tử. Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông phê.
Phía sau một lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn – đại biểu bày tỏ.
Quy định không hợp lý, phản cảm phải bỏ ngay
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT về dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đã được cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm.
Theo đại biểu, “dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách và nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay”.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành Giáo dục rất nhiều. Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát thông tư từ nhiều năm gần đây.
“Quy định đuổi sinh viên khi bán dâm quy định từ năm 2007, đầu năm 2016 cũng có thông tư. Quy định này đã có, khi rà soát chúng tôi yêu cầu nội dung không phù hợp phải bỏ và trong đó có cái này. Do cán bộ rà soát năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đưa lên gây phản ứng.
Khi biết tôi yêu cầu bỏ ngay, rà soát ngay, những nội dung này không đưa vào trong thông tư nữa”- Bộ trưởng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp đã khẳng định, những quy định không hợp lý, gây phản cảm xã hội thì phải sửa ngay. “Như thế mà đưa rộng rãi lên mạng xã hội, trong khi chưa bàn. Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo chú ý, khắc phục ngay”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền |
Chưa thoả mãn với phần giải đáp của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã tranh luận lại.
Dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ trên báo chí, trong đó đề cao vai trò của Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế và Thủ tướng đã từng nêu rõ rằng, văn bản nào sau khi ban hành có sai sót phải sửa đổi và Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, đại biểu bày tỏ: “Ngoài là đại biểu Quốc hội thì tôi còn là một phụ huynh học sinh. Năng lượng mà Bộ GD&ĐT mang đến cho học sinh thời gian vừa qua là rất tiêu cực, tôi vô cùng lo lắng".
"Trong phiên chất vấn hôm qua tôi đã hỏi vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm, nhưng tôi không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm về dự thảo thông tư, mà lại chuyển giao trách nhiệm đó cho một cá nhân khác”.
Đại biểu Phú Yên cho rằng, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị, trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước có vấn đề, hạn chế thì mới có giải pháp để lấy lại sự tôn nghiêm của giáo dục. “Rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động để có những giải pháp tích cực hơn”, đại biểu đề nghị.
Từ ghế chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ý này là đại biểu đề nghị Bộ trưởng rút kinh nghiệm khi lúc nãy Bộ trưởng đổ lỗi cho một cán bộ thiếu năng lực của ngành. “Đại biểu chưa thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu thì chúng ta cần rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk). |
Không nên lấy một sự việc để phủ nhận nỗ lực của một ngành
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) có quan điểm khác với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khi cho rằng, "người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, song đây là văn bản đang trong quá trình xây dựng". Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng - người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm lĩnh vực quản lý của mình khi đến thời điểm văn bản chính thức ban hành.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) cho biết: “Bản thân tôi luôn theo dõi những ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đóng góp cho ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua. Tôi đồng ý với đại biểu phản ánh về những hạn chế, tiêu cực gần đây của ngành giáo dục. Nhưng tôi chưa đồng tình với cách đánh giá của đại biểu cho đó là nguồn năng lượng tiêu cực đối với xã hội. Trong khi tất cả những đại biểu ngồi ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam”.
Theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, "cần có những đánh giá tích cực về ngành giáo dục, bên cạnh hạn chế, để có cái nhìn khách quan, toàn diện". Không thể phủ nhận rằng, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của Việt Nam không ngừng nâng cao. Mặt bằng, trình độ dân trí tăng lên, năng suất lao động được cải thiện và Việt Nam có khả năng hội nhập tốt với thế giới. Mặt khác, hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
"Đã là đổi mới thì có tìm tòi, thử nghiệm nên đương nhiên có thiếu sót. Chính vì vậy, tôi rất mong đại biểu có những ý kiến góp ý mang tính xây dựng, hiến kế cho ngành giáo dục. Với quan điểm như trên của đại biểu tại hội trường có thể tác động đến dư luận xã hội, có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà", đại biểu Xuân mong đại biểu Hiền lưu ý và chia sẻ với khó khăn của ngành giáo dục.
Sau ý kiến của đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chúng ta không nên lấy một vụ việc cụ thể để phủ nhận tất cả sự nỗ lực và thành tích của một ngành, một đơn vị, địa phương.
“Tất nhiên ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhìn ở một góc độ khác. Còn đại biểu Thanh Xuân phân tích ở góc độ khác. Đó là quyền của mỗi đại biểu nhưng chúng ta cần có những đánh giá khách quan thì sẽ tạo cho dư luận có cái nhìn đúng đắn và tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Gắn chặt đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường
Trả lời đại biểu Tô Thị Minh Châu về giải pháp đột phát phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trước hết, đào tạo thời gian tới gắn với hai trục xoay là: Tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất, hàng hóa.
Vì vậy, cần triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trong đó chú trọng vấn đề tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu từ dự báo xác định nhu cầu đào tạo, quy mô cơ cấu.
Chuyển mạnh sang đào tạo theo đầu ra, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ đào tạo gắn với sử dụng một cách có hiệu quả gắn với thị trường để làm sao có thị trường tiêu thụ bền vững, nhằm hạn chế tối đa giải cứu.
Thứ hai là phải tập trung đào tạo bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại. Ngoài kiến thức kỹ năng nghề nghiệp thì còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn khác như: Kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp.
Trên cơ sở đó tháng 12 này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề đào tạo nghề nông thôn.
Bảo tồn di sản: Đầu tư 50 tỷ, thu về hơn 1000 tỷ đồng
Trả lời đại biểu về công tác bảo tồn di sản Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Công tác trùng tu tôn tạo các di tích được tiến hành thường xuyên, nhìn chung đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, một số di tích làm không đúng với cấp phép hay chưa được cho phép.
Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về tu bổ di tích; giữ gìn tối đa yếu tố cấu thành di tích, lập dự án để phê duyệt. Trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm, yêu cầu khắc phục trả lại nguyên gốc, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân. Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát; xử lý hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn.
Liên quan đến phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Với 8 di sản văn hóa vật thể, chúng ta đã đón 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Riêng Vịnh Hạ Long, chúng ta thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Số thu ở cố đô Huế là 320 tỷ, ngân sách 47 tỷ; ở Hội An thu 219 tỷ, ngân sách chỉ đầu tư 17 tỷ.
Đó mới chỉ là riêng tiền bán vé, khách du lịch đến lưu trú, đi lại, tham quan, ăn uống… gấp rất nhiều lần, trong khi chúng ta đầu tư rất ít.
Nếu chúng ta quan tâm đầu tư, coi như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì sẽ thu hồi ngân sách rất nhanh, không bị thua lỗ, không có dự án nào có lãi như thế này. Chúng ta chỉ đầu tư 50 tỷ, thu về hơn 1.000 tỷ. Do vậy lĩnh vực bảo tồn di sản cần được quan tâm, bởi chúng ta vừa bảo tồn được, vừa có nguồn thu rất lớn với ngân sách.
Nợ đọng thuế giảm dần
Mở đầu ngày chất vấn thứ hai, trả lời đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) về giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết mấy năm gần đây đã thu được 82% số nợ đọng. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã thu được hơn 25.000 tỷ đồng thuế nợ đọng. Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa giảm dần theo các năm, đến nay còn 7,8%.
Nếu so với các nước ASEAN, tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam khoảng 7,5%, các nước ASEAN khoảng 8,5%.
Tuy nhiên, tổng số nợ thuế vẫn còn lớn, tính đến cuối 9/2018 số thuế còn nợ đọng là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng. Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất khả năng, giải thể, phá sản và không hoạt động tai địa chỉ đăng ký... Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang tiến hành phân tích để có giải pháp phù hợp.
Bộ đang triển khai rất nhiều giải pháp, giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Cục thuế, công chức thuế; công khai thông tin người nộp thuế chây ì, nợ đọng thuế; báo cáo Chính phủ sửa đổi Luật thuế.
Về Quỹ phát triển Du lịch, vướng lâu nay là do địa vị pháp lý của quỹ này, Bộ VHTTDL trình là đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên lãnh đạo chỉ đạo là Công ty TNHH Một thành viên, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện lại để trình, sẽ có quyết định trong thời gian tới.
Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Từ 10h05', Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 36 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 23 lượt đại biểu tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 14 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các nội dung chủ yếu sau:
Kiểm soát nợ nước ngoài; hoàn thiện chính sách thuế; chống thất thu thuế; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương quản lý; phát triển ngành công nghiệp ô tô;
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; quy hoạch và xây dựng công trình thủy điện, bồi thường thiệt hại do xả lũ; cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo; chính sách phát triển nhà ở xã hội; quản lý trật tự xây dựng đô thị;
Ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề; quản lý, sử dụng đất công;
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; biên chế ngành giáo dục, y tế xã, phường, thị trấn; chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển ngành công nghiệp dược; phát triển du lịch; khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội;
Cải cách thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kiểm tra hoạt động công vụ;
Công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử; thi hành án hành chính; bồi thường oan sai;…