*
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016;
Clip: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội
Clip: Quốc hội thảo luận chiều 5/6
*
Biên bản ghi âm: Quốc hội thảo luận chiều 5/6
Clip: Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu giải trình
Clip: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình
Clip: Quốc hội thảo luận sáng 5/6
* Biên bản ghi âm: Quốc hội thảo luận sáng 5/6
16.44': Phát biểu kết luận phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá không khí thảo luận hết sức sôi nổi, thắng thắn, mang tính xây dựng cao. Quốc hội biểu dương những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp hiệu quả của Chính phủ. Việc quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua có nhiều tiến bộ so với trước. Bước đầu hình thành mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi...
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, tình trạng mất an toàn thực phẩm còn nhức nhối, gây hoang mang bức xúc cho dư luận,... Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của cấp cơ sở; nhiều đại biểu cho rằng vi phạm về an toàn thực phẩm là một tội ác, cần xử lý nghiêm minh... đề nghị cần sửa đổi quy định hình sự về lĩnh vực này, đồng thời cần ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội để quản lý tốt vấn đề này trong thời gian tới.
-
16.30': Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình.
- Từ
15.50': Các đại biểu
Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên); Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh); Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)... tiếp tục tham luận và đề xuất kiến nghị: Cần có giải pháp mạnh, thiết thực hơn để có thể khởi tố hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất và vi phạm ở bếp ăn tập thể; đồng thời cần nâng cao mức phạt vi phạm hành chính; ban hành luật phòng chống lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật quản lý thực phẩm các nhà hàng, khách sạn; hoàn thiện quy định về kiểm tra nhanh, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý vi phạm; đề nghị phân tích sâu sắc vì sao việc quản lý an toàn thực phẩm còn yếu kém để có giải pháp quản lý phù hợp; tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực thi Luật An toàn thực phẩm; đơn giản hóa thủ tục hành chính quản lý an toàn thực phẩm...
Người tiêu dùng phải thông thái thế nào?
Các đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre);.... tranh luận về nội dung: Tăng mức phạt hành chính đối với những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng; cơ chế tài chính cho công tác quản lý an toàn thực phẩm;...
Về quản lý nhà nước an toàn thực phẩm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, "chúng ta quá nhấn mạnh biện pháp hành chính, hình sự", vấn đề là cần xây dựng một xã hội với những người tiêu dùng thông thái; đại biểu cũng đề nghị hết sức cân nhắc quy định việc để lại 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính cho địa phương (để tránh tình trạng địa phương nào quản lý tốt thì tiền xử phạt ít, còn địa phương nào quản lý chưa tốt, xử phạt nhiều thì tiền nhiều...); nghiên cứu hết sức việc nghiên cứu mã ngành đào tạo nhân lực an toàn thực phẩm...
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) tranh luận về vấn đề: Yêu cầu người tiêu dùng phải thông minh, thông thái là thế nào khi xung quanh có nhiều người sản xuất, kinh doanh "rất ác độc", khi đi ra đường "dòm đâu cũng thấy không an toàn". Đại biểu đề nghị phải quy định khung phạt hình sự mạnh đối với những hành vi phạm tội về an toàn thực phẩm;...
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đồng quan điểm với đại biểu Trường Giang là không thể yêu cầu "người tiêu dùng thông minh, thông thái'. Nói như thế người dân rất buồn, bởi người dân đói phải ăn, khát phải uống,... Theo ông, vấn đề đặt ra là công tác quản lý của chúng ta vừa qua đã tốt chưa? Vì sao một số cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt? Vì sao xử lý chưa nghiêm?... Đại biểu nhấn mạnh một lần nữa, chúng ta quản lý chưa tốt thì không thể bắt người tiêu dùng phải thông minh, thông thái được.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) tranh luận về trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong quản lý an toàn thực phẩm. Ông cho rằng nếu bí thư, chủ tịch huyện, xã, trưởng thôn mà thực sự lăn lộn thì sẽ quản lý an toàn thực phẩm sẽ hiệu quả. Theo đó, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ cơ sở.
Đặc biệt, đại biểu Hiểu nhấn mạnh rằng "cần coi an toàn thực phẩm là an ninh thực phẩm" vì nó ảnh hưởng đến giống nòi và tương lai của dân tộc, và nếu biên chế tăng để "cứu cả dân tộc" thì chúng ta không ngần ngại tăng, có thể giảm biên chế ở những khu vực khác để tăng biên chế cho khu vực này;...
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề xuất khẩu hiệu kêu gọi người sản xuất "có lương tâm"; đồng thời góp ý về cơ chế sử dụng tiền thu phạt an toàn thực phẩm...
-
15.30' - 15.50': Quốc hội nghỉ giải lao.
-
15.15': Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn các ý kiến tham luận và tiếp thu giải pháp của các đại biểu để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm khá đồng bộ. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan Trung ương không chỉ có Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cả Bộ Công an... cũng vào cuộc đồng bộ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực thi ở cơ sở.
Bên cạnh đó, một số quy định về quản lý an toàn thực phẩm còn bất cập, cần rà soát, điều chỉnh cả tầm luật và văn bản dưới luật...
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng; tránh lạm dụng bia rượu, ban hành các tiêu chuẩn về thực phẩm trên cơ sở tham khảo quy định của quốc tế...
Bộ trưởng cho rằng, nhiều người sản xuất vì lợi nhuận của mình đã cố tình làm trái quy định pháp luật, tuy nhiên mức phạt còn nhẹ, chưa đảm bảo răn đe, nhất là trong quy định hình sự "chết người chưa truy tố được",... Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở cũng còn nhiều bất cập,... đây là những vấn đề khó khăn trong thực tế và rất cần có cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm khắc phục những yếu kém trong thời gian tới.
-
Từ 14.00'-15.15': Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu nhấn mạnh nguyên nhân những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý an toàn thực phẩm (chính sách, thực thi chính sách...); đại biểu kiến nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội trong quản lý an toàn thực phẩm; rà soát, điều chỉnh những quy định bất cập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe; kiên quyết xử lý những vi phạm đã đến mức hình sự; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn;... Đại biểu đề nghị người dân
kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn như một giải pháp quyết liệt nhất để loại bỏ thực phẩm bẩn.
Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp tối ưu hóa quá trình kiểm tra các lô hàng thực phẩm để bảo đảm hiệu quả cao nhất để nâng cao hiệu quả kiểm tra, tránh những hậu quả không đáng có.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cần có giải pháp liên thông giữa các tỉnh thành để quản lý các cơ sở sản xuất bữa ăn cho công nhân các khu công nghiệp, nhất là trên những địa bàn giáp ranh nhiều tỉnh thành, địa phương...
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua...
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo tốt hơn nữa các cơ quan trong việc phối hợp quản lý an toàn thực phẩm; có cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm kinh phí cho công tác này; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, giám sát các hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm; tiếp tục ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhất là những loại sản phẩm liên quan trực tiếp đến thức ăn, thức uống hằng ngày của người dân...
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ): Đánh giá cao về nội dung, kết quả giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, đại biểu kiến nghị một số vấn đề để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm như: Tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, để sửa đổi những quy định còn bất cập, bảo đảm thực thi thống nhất, hiệu quả; kiện toàn bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực kiểm tra, phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm...
Các đại biểu Giàng Thị Bình (Lao Cai); Nguyễn Như So (Bắc Ninh):
Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp);
Võ Đình Tín (Đắk Nông); Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa)... tham luận một số nội dung về: Quản lý, truyền thông an toàn thực phẩm tại vùng biên giới, khó khăn; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; xem xét lại phương thức quản lý, khắc phục chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm, trên nguyên tắc 1 sản phẩm chỉ 1 cơ quan quản lý; rà soát, đơn giải hóa, tránh tình trạng ban hành nhiều văn bản luật nhưng chồng chéo, không rõ ràng, thực thi kém hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng thực phẩm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm, nhất là trong truy suất nguồn gốc thực phẩm; cá nhân hóa trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý an toàn thực phẩm; siết chặt quản lý vật tư, hóa chất nông nghiệp; đưa tiêu chí quản lý an toàn thực phẩm vào đánh giá cán bộ quản lý...
Các đại biểu cũng cho rằng, việc tuyên truyền về an toàn thực phẩm phải khách quan, tránh đưa tin một chiều gây hoang mang dư luận. Theo đó, bên cạnh việc phê phán các cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn cho công chúng...
Cũng trong phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận với đại biểu Phương (Cần Thơ) và đại biểu Lợi (Thanh Hóa) về sự cần thiết phải có một tổ chức quản lý xuyên suốt về an toàn thực phẩm. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận về nội dung: Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin đúng về an toàn thực phẩm; đại biểu cho rằng, để quản lý hiệu quả an toàn thực phẩm thì cả xã hội phải vào cuộc, nhất là phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở...
- 11.30': Quốc hội nghỉ trưa.
- Từ 10.20' - 11.30': Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm. Khẳng định tầm quan trọng của đợt giám sát về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Đoàn giám sát đã làm việc tích cực, khách quan,... qua đó
"vẽ được bức tranh tổng thể" sát với tình hình thực tiễn về an toàn thực phẩm của đất nước.
Bộ trưởng khẳng định về cơ bản trong 5 năm qua, chúng ta đã có cố gắng tích cực trong công tác bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm, theo đó, chúng ta đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên ...
Thừa nhận những tồn tại, bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm, Bộ trưởng cho biết, qua kiểm tra, giám sát của Quốc hội, những vấn đề nhức nhối nổi lên như: Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đầu vào, quản lý phân bón... đã được kịp thời Bộ NNPTNT kịp thời rà soát, điều chỉnh,.. qua đó góp phần bảo đảm chất lượng thực phẩm, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Bộ trưởng khẳng định, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về an toàn thực phẩm, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu đã phát biểu tranh luận với Bộ trưởng về một số chỉ số đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như: Tuổi thọ bình quân và tuổi thọ sức khỏe; về xuất khẩu nông sản, thực phẩm; sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về an toàn thực phẩm; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm; các giải pháp để nâng số cơ sở sản xuất an toàn; có cần thiết "đẻ ra" bộ máy chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm không? Giải pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để nạn phân bón giả; đánh giá ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vấn đề tổ chức lại đầu mối mang tính "chuyên nghiệp hơn" về quản lý an toàn thực phẩm...
Tiếp đó các đại biểu
Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp);
Quàng Thị Vân (Điện Biên); Dương Đình Thông (Bắc Giang); Trương Thị Yến Linh (Cà Mau);
Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng);... tham luận về: Các giải pháp đưa vào Nghị quyết cần rõ ràng, có chỉ tiêu cụ thể để thuận tiện cho việc thực hiện, giám sát; kiểm soát an toàn thực phẩm theo cả chuỗi; cần có sự công bằng trong quản lý giữa thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn; bảo đảm quyền của người tiêu dùng thực phẩm; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng; công khai các kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm; công khai đường dây nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn gắn với phát triển công nghiệp thực phẩm trong xu thế cạnh tranh, hội nhập; chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất quy mô lớn, vùng chuyên canh, công nghệ cao theo chuỗi giá trị; thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư trang thiết bị kiểm tra nhanh thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu hóa chất liên quan đến sản xuất, chế biến thực phẩm; tính đồng bộ trong quy định về an toàn thực phẩm... qua đó góp phần
tạo ra "con đường sáng" từ ruộng rau đến bếp ăn của mỗi gia đình.
Hiến kế loại bỏ tình trạng "mỗi nhà có 2 luống rau"
-
Từ 8.49': Quốc hội thảo luận tiến hành thảo luận dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (đầu giờ sáng đã có 76 đại biểu đăng ký thảo luận).
Mở đầu phần thảo luận,
đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang): Cho rằng đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Thời gian qua tuy đã có những chuyển biến, song tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do VPQH tiến hành, chỉ có 10% yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm,... Đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế về quản lý an toàn thực phẩm.
Đại biểu đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm... thiết lập đường dây nóng với những số dễ nhớ về an toàn thực phẩm; nghiêm túc xem xét tiêu chí an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong công nhận nông thôn mới; đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào hương ước để nhân dân tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau, qua đó loại bỏ tình trang "mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng trại"...
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Nhấn mạnh tác hại to lớn của mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi mất an toàn thực phẩm; cần có đường dây nóng, cơ chế tiếp nhận phản ánh về mất an toàn thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời;...
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội): Tham luận về vấn đề ô nhiễm nguồn nước các hệ thống sông Nhuệ, Đáy (do nước thải) và ô nhiễm đất dẫn đến mất an toàn thực phẩm (rau quả, chăn nuôi, thủy sản);... Đại biểu đề nghị có giải pháp căn cơ, vào cuộc quyết liệt "giải cứu" sông Nhuệ, sông Đáy, "giải cứu" người dân sinh sống trong lưu vực sông.
Cho rằng ngộ độc rượu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân thời gian qua, với nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, đại biểu kiến nghị các giải pháp về quản lý sản phẩm bia, rượu kém chất lượng; sửa luật an toàn thực phẩm, nâng mức xử lý hình sự đối với những đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng...
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước): Đề nghị rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tránh chồng chéo; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả quản lý thức ăn đường phố; đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; nâng cao hiệu quả tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh gây hoang mang dư luận...
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu): Cho rằng nguyên nhân chính của những hạn chế yếu kém là do quản lý nhà nước còn hạn chế, pháp luật còn bất cập, đại biểu đề nghị phải đề ra những mục tiêu định lượng cụ thể về an toàn thực phẩm để nhân dân giám sát. Ví dụ, cần quy định mỗi năm giảm bao nhiêu phần trăm số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 có 100% các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung; 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Đồng thời, cần khẩn trương tổng kết mô hình quản lý về an toàn thực phẩm, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm; xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm bẩn, cũng như xử lý các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhập khẩu tiểu ngạch;...
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định): Tham luận về vấn đề quản lý thực phẩm (đồ ăn vặt) bày bán trước cổng trường. Cho rằng thực phẩm bẩn đang "bủa vây" trường học,... phân tích những tác hại không lường của thực phẩm bẩn đối với học sinh, đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý đồng thời kiến nghị 4 vấn đề: Giáo dục, vận động nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm an toàn cho học sinh cũng như người bán hàng; tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trường học; cần có cơ quan chủ quản trong quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm, triệt để các sai phạm...
Các đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương);
Hồ Thanh Bình (An Giang); Lê Thị Yến (Phú Thọ); Bế Minh Đức (Cao Bằng);... tham luận về các vấn đề: Quản lý nguồn hóa chất liên quan đến bảo vệ thực vật, chế biến thực phẩm;... coi thực phẩm bẩn là "tội ác", các đại biểu cho rằng cần có sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn; nâng cao vai trò, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đổi mới tư duy trong quản lý an toàn thực phẩm (quản lý thực phẩm theo chuỗi); kiện toàn cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguồn gốc thực phẩm; bảo đảm kinh phí cho hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm; hoàn thiện thể chế về vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý thực phẩm chức năng...
“
Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình khi báo cáo của Đoàn giám sát cho rằng, mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong có đó một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn”;... "Một số ngành hàng vẫn có sự đan xen và không phân định rõ trách nhiệm của Bộ nào. Đơn cử, quản lý chất lượng bún đang được cả 3 Bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu bột gạo thuộc trách nhiệm Bộ NNPTNT, sản phẩm tinh bột thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương, sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế" - đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn chứng và nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý và vấn đề cần có giải pháp căn cơ quản lý về an toàn thực phẩm.
-
8.00': Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo cho biết: Đoàn giám sát đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến hành làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với 3 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về ATTP, gồm: Y tế, NN-PTNT, Công thương và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về ATTP. Tổ chức 3 Hội nghị chuyên đề: “Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” tại tỉnh Quảng Ninh, Bình Định và TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về ATTP, Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng nêu rõ, giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam Trong giai đoạn từ 2011 - 2016, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan Trung ương ban hành; 669 văn bản các địa phương đã ban hành về ATTP.
Nội dung các văn bản pháp luật ban hành về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; các quy định hướng dẫn đã bám sát văn bản gốc, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý ATTP… Các nội dung giao Chính phủ, giao Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh quy định trong Luật ATTP đến nay đều đã được cụ thể hóa trong các nghị định, thông tư.
Tuy nhiên, Báo cáo của UBTVQH cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao. Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 nhưng đến ngày 25/4/2012 mới ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, đến năm 2014 mới ban hành Thông tư liên tịch số 13 về phân công, phối hợp trong QLNN về ATTP giữa 3 bộ: Y tế, NN-PTNT, Công Thương. Số lượng văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa. Một số quy định trong Luật ATTP còn chưa phù hợp như: Quy định về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, về các tội phạm liên quan đến VSATTP…
Một số quy định về phân công trách nhiệm QLNN về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Luật ATTP đã được ban hành với nhiều đổi mới quan trọng, như: Tiếp cận quản lý ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, bảo đảm truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thu gọn đầu mối quản lý ATTP từ 5 bộ xuống còn 3 bộ chịu trách nhiệm chính trong quản lý ATTP và có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý ATTP của các bộ đối với từng nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa phù hợp trong quản lý một số sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương; một số quy định còn chồng chéo, thiếu rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể như quy định về quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu so với yêu cầu. Một số thực phẩm phẩm đặc sản, truyền thống địa phương hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý; một số quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như quy chuẩn kỹ thuật về sữa chế biến dạng lỏng...
Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, Báo cáo cho rằng, việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND các cấp về ATTP được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động QLNN về ATTP. Hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành đã được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Nội dung hoạt động có nhiều sự đổi mới, tập trung vào thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý sự cố ATTP, giải quyết các vướng mắc trong phân công, phân cấp quản lý ATTP. Nhiều vấn đề vướng mắc trong quản lý ATTP đã được tháo gỡ, nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP được phát hiện, xử lý kịp thời.
Hệ thống tổ chức quản lý, nhân lực, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý ATTP từng bước được kiện toàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kiểm định, kiểm nghiệm mẫu, giám định, nghiên cứu khoa học về ATTP đã được đầu tư nhiều hơn. Đến năm 2016, trên cả nước có trên 200 cơ sở thực hiện kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm ATTP do Nhà nước đầu tư hoặc được chỉ định; 34 tổ chức cơ quan, tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ làm nhiệm vụ kiểm định, kiểm nghiệm mẫu, giám định, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thực phẩm; số lượng cơ sở kiểm định, kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17.025 là 165, số được chỉ định là 151. Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng về ATTP giai đoạn 2011 - 2016 cũng được tăng cường, chiếm 16,3% so với tổng đầu tư NSNN cho công tác ATTP cả giai đoạn.
Công tác quản lý ATTP trong sản xuất rau, quả tươi sống, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có nhiều tiến bộ, bước đầu đã có mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi.
Đơn cử, trong sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống, cả nước đã có 23.076 cơ sở sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, với lượng sản xuất 3,9 triệu tấn rau, quả mỗi năm; đã có 43 tỉnh có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 120.870 ha (chiếm 14,7% diện tích rau cả nước); có 1.530 cơ sở sản xuất rau áp dụng theo các tiêu chuẩn GAP với diện tích khoảng 12.687 ha, bằng 1,54% diện tích rau cả nước; số cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 57%...
Dẫu vậy, so với yêu cầu và mong muốn cũng như tính chất cấp bách của vấn đề ATTP, thì công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý ATTP của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên; nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho ATTP còn hạn chế. Hệ thống cơ quan QLNN về ATTP còn chưa tương xứng với nhiệm vụ. Lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ, ngành, đơn vị nên việc triển khai còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Phối hợp giữa các cơ quan QLNN về ATTP còn hạn chế. Hoạt động của nhiều Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP chưa thực sự hiệu quả, nguồn lực, cán bộ lại kiêm nhiệm không theo sát tình hình thực tế nên hiệu quả không cao; phần lớn cán bộ trong ban chỉ đạo hoạt động kiêm nhiệm nên mức độ tập trung cho công tác này còn thấp.
Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện SXKD thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình SXKD thực phẩm còn chưa được chú trọng nên rất khó đánh giá mức độ ATTP. Số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện SXKD chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng 408.821 cơ sở SXKD thực phẩm.
“Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự”, Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng nói.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong việc bảo đảm ATTP đối với phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân hiện tại cũng như trí tuệ, thể lực trong tương lai, Đoàn giám sát của UBTVQH đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện; và nguồn lực.
Đối với QH, Đoàn giám sát kiến nghị ban hành Nghị quyết kết quả hoạt động giám sát về đẩy mạnh việc thực thi chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 - 2020; xem xét sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý ATTP; yêu cầu Chính phủ hàng năm phải báo cáo QH về kết quả thực hiện công tác quản lý ATTP vào kỳ họp cuối năm.
Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các văn bản QPPL theo hướng tránh bất cập, chồng chéo, không khả thi; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý ATTP. Ở các tỉnh, thành phố lớn, trung tâm kinh tế nghiên cứu để tiến tới thành lập Ban quản lý ATTP cấp tỉnh; tiếp tục cho thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP, tăng mức xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp chế tài pháp luật ATTP về các hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; ở cấp xã cần có cán bộ theo dõi ATTP…
Chúng ta đã làm gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn?
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh): Trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), cần đánh giá được 2 vấn đề, đó là chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn và khuyến khích thực phẩm sạch?
Xét trong hệ thống pháp luật hiện hành, chúng ta đã quy định tương đối đầy đủ, nhưng việc áp dụng trong thực tiễn còn khó khăn. Đơn cử, chúng ta quản lý ATTP bằng cách chia nhóm ngành hàng quản lý theo 3 Bộ (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN - PTNT), nhưng sự phối hợp quản lý giữa 3 Bộ này chưa chặt chẽ. Đáng lưu ý, việc phát hiện các vụ việc không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu và kém.
Chúng ta đã có lực lượng thanh tra, kiểm tra, nhưng mới chủ yếu kiểm tra xem cơ sở này, đơn vị kia có giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP hay không, mà chưa chú trọng làm rõ có vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Điều này dẫn đến nhiều sự vụ lớn, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bị lọt lưới.
Rõ ràng, để nắm bắt được vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống, một năm vài lần là xong mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng, chứ cứ như cách làm hiện nay thì rất khó có hiệu quả.
Bên cạnh thanh tra, cũng cần phát huy tốt vai trò của người dân trong phát hiện các vụ việc, cơ sở không bảo đảm ATTP. Phải làm sao để cá nhân, tổ chức nào mới manh nha ý định sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn nhằm thu lợi bất chính thôi đã phải ý thức được rằng họ đang đối mặt với tai mắt của nhân dân, với hệ thống kiểm tra, hậu kiểm chặt chẽ.
Sau khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP thì lực lượng kiểm tra, hậu kiểm phải xem xét, đánh giá những cơ sở này có tuân thủ đúng quy trình sản xuất kinh doanh ATTP không. Hậu kiểm phải có mặt thường xuyên trên địa bàn, trên hiện trường, kiểm tra từng bước một như một sự nhắc nhở đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu phát hiện ra cơ sở nào tái phạm, có vi phạm lớn thì phải xử nghiêm khắc để làm gương. Nếu lực lượng kiểm tra, hậu kiểm cứ đi lẻ tẻ, chỉ kiểm tra hồ sơ, giấy tờ e là sẽ không bao giờ thấy vi phạm.
Đại biểu cho biết: Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thành lập Ban Quản lý ATTP. TP Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi, là nơi tập trung những phòng thí nghiệm trọng điểm, có điều kiện kiểm nghiệm thực phẩm khá tốt. Nhưng các phòng thí nghiệm này cũng còn thiếu sự phối hợp. Mỗi phòng thí nghiệm lại trực thuộc một cơ quan khác nhau.
TP đã đề nghị các phòng thí nghiệm này sau khi kiểm nghiệm ATTP sẽ thông báo kết quả về Ban Quản lý ATTP, làm cơ sở để phân tích, tổng hợp xem nguy cơ về mất ATTP đang nằm ở đâu; mùa nào, thời điểm nào sẽ có loại vi phạm nào để tập trung kiểm tra. Thực tế bắt giữ và xử lý vi phạm ATTP cũng như một trận đánh vậy, quân thì ít, nên phải có trọng tâm, trọng điểm, tìm đủ chứng cứ, kiểm nghiệm theo quy trình, nếu phạt sai thì chính lực lượng kiểm tra sẽ bị khởi kiện và phải chịu trách nhiệm.
Đối với thực phẩm tươi sống, khó có thể áp dụng hình thức kiểm nghiệm, bởi phải chờ sau 3 - 4 ngày mới có kết quả. Vậy làm sao người dân còn kinh doanh được nữa, sao bán được hàng? Vì vậy, phải có test nhanh và xét nghiệm nhanh. Trước hết, TP Hồ Chí Minh sẽ chú trọng kiểm tra ATTP ở các chợ đầu mối. Từ chợ đầu mối, thực phẩm sẽ được chuyển đến các chợ truyền thống trên địa bàn. Với lực lượng hiện có, chúng tôi thực hiện trực 24/24 giờ, chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Có ý kiến cho rằng, cần nâng mức phạt để bảo đảm tính răn đe, hạn chế xảy ra vi phạm ATTP. Đại biểu cho rằng, biện pháp tăng mức phạt đánh vào kinh tế cũng khá hữu hiệu, nhưng không phải giải pháp tối ưu. Chúng ta chỉ xử phạt được với những đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn, còn những người buôn bán thức ăn đường phố thì thế nào? Quan trọng là xử phạt xong, sau đó có theo dõi, kiểm tra để biết các cơ sở này có tái phạm nữa hay không? Luật cũng đã có quy định, tái phạm thì hình thức xử phạt sẽ nặng hơn. Cần hơn nữa là phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết cơ sở nào vi phạm. Tăng cường lực lượng thường trực về ATTP ở các quận, huyện, các chợ đầu mối, kiểm tra nhắc nhở ngay khi thấy có nguy cơ xảy ra vụ việc lớn. Trường hợp, có vụ việc lớn, chắc chắn phải phối hợp với lực lượng công an để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
|
Quyết liệt hơn nữa trong quản lý ATTP
Có thể nói, không có lĩnh vực nào mà vấn đề quản lý nhà nước lại tác động trực tiếp, thường xuyên và nóng bỏng như an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là lĩnh vực liên quan mật thiết đến sức khỏe, sinh mạng, tuổi thọ, giống nòi… do nhiều cơ quan cùng quản lý theo tiêu chí của sản xuất, kinh doanh, lưu thông, bảo quản và cuối cùng là đến người tiêu dùng.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn ở nhiều nơi.
Các bộ, ngành có liên quan đến nay vẫn chưa ban hành đủ các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Cử tri và Nhân dân kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giám sát về an toàn thực phẩm; kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ban hành các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với cá nhân, cơ sở vi phạm; nâng cao nhận thức của nguời sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo cơ sở để thực hiện và giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đề nghị chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.