Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 của tỉnh Bắc Giang, năm 2022 mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song với sự thống nhất cao trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang; cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của nhân dân và các doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thoát ra khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá. Vì vậy, tình hình phát triển kinh tế- xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Cụ thể, tình hình kinh tế của tỉnh đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô GRDP được mở rộng, ước đạt 155,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD, vượt 2,5% kế hoạch; GRDP bình quân đầu người đạt 3.400 USD, tăng 15,3% và vượt 3% kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế cũng dịch chuyển tích cực.
Sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 30%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm nông sản trọng điểm đều được mùa, tiêu thụ thuận lợi; đến hết năm, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, tăng 50 sản phẩm so với năm 2021, vượt 13,9% kế hoạch.
Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ sôi động trở lại nhờ kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh. Môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm tích cực chỉ đạo. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực; đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17%; tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước.
Trong năm 2022, có hơn 1.400 doanh nghiệp và 130 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 22% so với năm 2021. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư phát triển cả năm ước đạt 74.700 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2021, vượt 3,4% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán. Hạ tầng kinh tế- xã hội được cải thiện đáng kể; các nguồn lực đất đai tài nguyên được quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn; công tác bảo vệ môi trường cũng được chú trọng.
Vấn đề về mạng lưới giao thông, đô thị tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; giảm nghèo bền vững được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1% xuống còn 4,2%. Bên cạnh đó, công tác phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng hơn, điển hình như nhiều sự kiện văn hóa thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của tỉnh. Chất lượng giáo dục, y tế được duy trì; an sinh xã hội được đảm bảo.
Công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiến nại tố cáo được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đặc biệt là một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn. Sức lan tỏa của các dự án FDI còn thấp. Quỹ đất công nghiệp thiếu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Công tác quản lý thị trường bất động sản còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, kết quả xử lý vi phạm đất đai chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Việc triển khai xây dựng, thu hút các nhà máy xử lý rác thải tại hầu hết các địa phương còn vướng mắc. Công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập còn nhiều khó khăn, bất cập; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm…
Vì vậy, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố cần khẩn trương tập trung rà soát từng nhiệm vụ kinh tế- xã hội để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cần có những phân tích, đánh giá rõ diễn biến tình hình, dự báo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Cần phải có sự quyết tâm, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và giữa các cấp, các ngành.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đưa ra các giải pháp chỉ đạo phát triển kinh tế trước những khó khăn có thể xảy ra trong năm 2023. Cần đánh giá chính xác nguồn thu ngân sách, nhất là nguồn thu từ sử dụng đất, từ đó có sự tính toán thận trọng và kiểm soát chặt chẽ công tác thu, chi ngân sách phù hợp với khả năng của địa phương.
Các ngành, địa phương tập trung cao để tăng tốc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đảm bảo an sinh, xã hội và môi trường.
Thiện Tâm