Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Tái cơ cấu sẽ gặp nhiều cản trở
Ông nói: “Những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Do đó, nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung”.
Theo kịch bản tái cơ cấu quyết liệt, ông cho biết, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách; tăng đáng kể hiệu quả đầu tư công; cắt giảm chi tiêu thường xuyên; giảm bội chi ngân sách xuống còn 4% GDP; cổ phần hóa, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp mà nhà nước không còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; và sử dụng số vốn đó đầu tư một số dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách...
Bộ trưởng bổ sung: “Điều rất quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới tư duy là lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ, chia cắt".
Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần có một khuôn khổ pháp lý phù hợp để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Vì vậy, một số luật và văn bản pháp luật khác phải được bổ sung, sửa đổi phù hợp và kịp thời. Đây là công việc không dễ, bởi đòi hỏi phải đổi mới tư duy, phải có sự đồng thuận cao và phải thực hiện nhanh trong thời gian ngắn.
Theo Bộ trưởng, bản chất của tái cơ cấu kinh tế là một quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với một quy mô lớn hơn và với tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt trong tái cơ cấu là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở giảm dần, tiến tới xóa bỏ cách tiếp cận hành chính, thiếu hiệu quả, hiểu sai các nguyên tắc thị trường trong các quyết định kinh tế; lấy khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân làm động lực để tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, tái cơ cấu kinh tế là để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Động lực tăng trưởng phải lấy nội lực làm yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng và mang tính đột phá; lấy phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Làm rõ con số 10,5 triệu tỷ đồng
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới sẽ cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỉ trọng vốn nhà nước, tăng tỉ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.
Vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020. Vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48%.
“Nguồn lực 10,5 triệu tỷ là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 6,5-7%. Trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng”, ông Dũng giải thích.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, nếu chỉ dựa riêng vào số lượng nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế là chưa đủ mà điều quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của nhà nước.
“Trong 2 ngày thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, Chính phủ xin được tiếp thu và tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Thực chất, những quan điểm trên đây đã được Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. "Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng nói tại phiên họp Chính phủ với các địa phương ngày 1/7.
Chính phủ và các bộ, ngành tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý tốt hơn để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm thay vì Nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới, khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn.
Thanh Hằng