• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tôn trọng, quan tâm: Nền tảng của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

(Chinhphu.vn) - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Taniza khẳng định, sự tôn trọng và quan tâm giữa nhân dân hai nước Việt Nam, Nhật Bản đã giúp cho quan hệ hai nước phát triển một cách tự nhiên.

21/09/2013 10:18

 

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Taniza khẳng định rằng: Nhân dân hai nước luôn coi trọng văn hóa của nhau và tình cảm đó đã trở thành tình đoàn kết bền chặt giữa con người và con người của hai đất nước.

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam (21/9/1973-21/9/2013), phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Taniza.

Thưa Đại sứ, xin ông cho biết quan hệ song phương Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển thế nào trong suốt 40 năm qua?

Đại sứ Yasuaki Taniza: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn và từng bước thiết lập quan hệ ngày một gắn bó và mật thiết. Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng kể từ khi Việt Nam bắt đầu chính sách “Đổi mới” vào những năm 1980 và Nhật Bản bắt đầu viện trợ ODA cho Việt Nam vào những năm đầu của thập kỷ 1990. Hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Nhật Bản bắt đầu viện trợ ODA cho Việt Nam và suốt trong quá trình này, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản để từng bước thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một nước có thu nhập trung bình hiện nay. Tôi nghĩ rằng điều đó là thành quả quan trọng trong quan hệ Nhật Bản và Việt Nam.

Đặc biệt trong những năm gần đây, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và văn hóa đã được phát triển theo chiều sâu trong khuôn khổ “Đối tác chiến lược” được thỏa thuận giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản năm 2006.

Về mặt kinh tế, số lượng dự án được cấp phép của Nhật Bản năm 2012 là 270 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4 tỷ USD và Nhật Bản đã trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD mỗi năm và Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống thúc đẩy toàn diện hiệu quả sử dụng nguồn vốn một cách tối đa trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng với nhiều hình thức đa dạng như cảng biển, sân bay, đường sắt, hệ thống đường bộ, quy hoạch đô thị... Nhật Bản đã và đang là nước viện trợ ODA lớn nhất đối với Việt Nam và thông qua đó, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Hiện nay, quan hệ Nhật Bản và Việt Nam đang ở trong thời kỳ phát triển tốt nhất từ trước đến nay. Nền tảng cho sự phát triển này không chỉ nằm trong quan hệ giữa Chính phủ của hai nước mà nằm trong quan hệ giữa nhân dân hai nước. Sự tôn trọng và quan tâm đối với lịch sử, xã hội và văn hóa của nhau đã giúp cho quan hệ hai nước phát triển một cách tự nhiên như vốn dĩ nó phải vậy.

Tháng 1 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức và trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất thúc đẩy một cách toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Nhật-Việt. Những năm trở lại đây, tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có rất nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và Việt Nam có những vấn đề khu vực cùng quan tâm và có quan hệ kinh tế tương hỗ, do đó, tôi tin chắc rằng quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Được biết ông Shinzo Abe là người đã đưa ra sáng kiến và kế hoạch giao lưu thanh thiếu niên các nước Đông Nam Á thế kỷ 21 để tăng cường giao lưu giữa tuổi trẻ các nước. Là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông đã và sẽ làm gì để thúc đẩy sự giao lưu giữa thanh thiếu niên Việt Nam và Nhật Bản?

Đại sứ Yasuaki Taniza: Trong 40 năm qua, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ phát triển ở cấp Chỉnh phủ mà còn giữa nhân dân hai nước, tình bạn và sự tôn trọng cũng được nảy nở và điều đó giúp cho mối quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp như ngày nay. Để quan hệ hai nước phát triển hơn nữa về chiều sâu thì giao lưu thanh thiếu niên là điều không thể thiếu. Tình bạn và sự đoàn kết giữa thanh thiếu niên hai nước là nền tảng cho tương lai phát triển giữa hai nước.

Để thúc đẩy giao lưu thanh thiếu niên, Chính phủ Nhật Bản đã đón nhận nhiều thanh niên Việt Nam đến Nhật Bản thông qua các chương trình của Chính phủ như Chương trình giao lưu JENESYS và chương trình lưu học sinh được cấp học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Chương trình giao lưu JENESYS được Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng năm 2007 và trong 5 năm thực hiện, đã có gần 1.760 thanh niên Việt Nam đến thăm Nhật Bản và ngược lại, đã có gần 50 thanh niên Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Bắt đầu từ năm nay, để tiếp nối chương trình, Chương trình giao lưu JENESYS 2.0 đã được khởi động và dự kiến sẽ mời 10.000 người trong toàn khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, sang thăm Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nếu chú trọng vào “Năm hữu nghị Nhật-Việt” kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao này thì từ tháng 1 đầu năm cho đến nay, đã có rất nhiều chương trình giới thiệu về Nhật Bản cũng như những chương trình giao lưu Nhật-Việt được tổ chức tại Việt Nam. Đặc biệt, tôi tin rằng những chương trình dành cho thanh thiếu niên như giới thiệu về văn hóa hiện đại của Nhật Bản hay giao lưu thể thao sẽ là cơ hội để thanh thiếu niên Việt Nam tiếp cận được với văn hóa Nhật Bản, từ đó tăng cường hơn nữa sự quan tâm đối với Nhật Bản. Và trong tương lai, những người quan tâm đến Nhật Bản sẽ có thể học tiếng Nhật hay sang Nhật Bản du học hoặc giao lưu với những người Nhật tại Việt Nam. Chính những giao lưu nhân dân này sẽ kết nối và vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Để làm được điều đó, bên cạnh việc tổ chức các sự kiện giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, tôi luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác phổ cập giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam và tăng lượng du học sinh được cấp học bổng của Chính phủ Nhật Bản.

Những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật đang tăng đầu tư vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), Đại sứ có nhận định gì về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam?

Đại sứ Yasuaki Taniza: Có thể thấy rõ rằng trong những năm gần đây, hoạt động mua bán-sáp nhập các doanh nghiệp tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề. Dự báo tầng lớp trung lưu trong xã hội tới đây sẽ gia tăng, do đó lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng sẽ tăng cao bởi đây là cơ sở thúc đẩy gia tăng tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có một số trở ngại cơ bản đối với hoạt động mua bán-sáp nhập doanh nghiệp: Không chỉ riêng các doanh nghiệp Nhật mà cả các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore cũng quan tâm đến lĩnh vực này, do đó các doanh nghiệp có xu hướng đề xuất mức giá bán cao. Tập quán kinh doanh ở Việt Nam khác với ở Nhật, như mức độ công khai của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đủ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước, Nhật Bản có những chiến lược gì để hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, thưa Đại sứ?

Đại sứ Yasuaki Taniza: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của Việt Nam đề ra mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”. Tuy nhiên, hiện tại trong ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến của Việt Nam thì ngành chế biến thực phẩm, trong xuất khẩu thì các sản phẩm sơ cấp và sản phẩm công nghiệp nhẹ như dệt may chiếm tỷ trọng lớn.

Hơn nữa, hướng đến việc thực hiện hoàn toàn AFTA và ACFTA vào năm 2015, chuỗi cung ứng đang mở rộng ra các khu vực, trong đó có ASEAN và Trung Quốc. Nếu vẫn tiếp tục phát triển kinh tế tập trung chủ yếu vào các ngành sử dụng nhiều lao động thì khi chi phí nhân công tăng lên, các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển đầu tư sang nước khác để tìm lao động giá rẻ, khi đó sản xuất công nghiệp có thể bị đình trệ.

Vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã được nhận thức là vô cùng cần thiết, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại có thể thấy rằng ngành công nghiệp phụ trợ còn non kém. Do vậy để hướng tới mục tiêu phát triển trong khi thời gian còn lại không nhiều thì cần có chiến lược dựa trên quan điểm lựa chọn và tập trung. Với sự hợp tác giúp đỡ của Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam đã xác định 6 ngành công nghiệp chiến lược và xây dựng thành Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, đó là: Môi trường, chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp, điện tử, đóng tàu, ô tô. Hiện tại, hai bên đang xây dựng kế hoạch hành động (action plan) cụ thể dựa trên Chiến lược công nghiệp hóa vừa nêu.

Để phát triển ngành công nghiệp, đồng thời với việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất các sản phẩm cuối cùng, cần tích cực thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp chiến lược. Với mục đích phát triển các ngành công nghiệp chiến lược trong bối cảnh hiện nay, cần thực thi các chính sách tiền tệ, các biện pháp hỗ trợ về thuế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực… sao cho thật sự linh hoạt và hiệu quả. Nhật Bản sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam để tiếp tục xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể này.

Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?

Đại sứ Yasuaki Taniza: Quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam vừa tròn 40 năm. Trong 40 năm qua, Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để từng bước thiết lập mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau. Kể từ khi “Quan hệ đối tác chiến lược” được thiết lập năm 2006 thì quan hệ của hai nước đã phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế và văn hóa.

Thông qua các di tích tại Hội An thì lịch sử giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam đã tồn tại từ cách đây 400 năm. Giữa Nhật Bản và Việt Nam vốn có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, là nền tảng cho hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, nhân dân hai nước luôn coi trọng văn hóa của nhau và tình cảm đó được vun đắp cùng năm tháng đã trở thành tình đoàn kết bền chặt giữa con người và con người của hai đất nước. Và tôi thực sự cảm nhận được điều đó khi Nhật Bản phải hứng chịu thảm họa kép ngày 11 tháng 3 năm 2011. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời động viên, thăm hỏi cũng như tình cảm ấm áp từ người dân Việt Nam. Tất cả những tình cảm chân thành đó thực sự đã chạm đến đáy lòng tôi và làm tôi rất xúc động. Thông qua đó tôi càng khẳng định hơn về tình bạn được vun đắp qua rất nhiều thế hệ giữa con người Nhật Bản và Việt Nam. Tôi nghĩ rằng yếu tố trọng yếu trong quan hệ hai nước vẫn nằm ở giao lưu giữa con người với con người. Quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ giữa các nhà doanh nhân, quan hệ giữa các sinh viên trẻ hay rất nhiều quan hệ giữa con người và con người ở rất nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa hay giáo dục là nền tảng phát triển cho quan hệ hai nước. Tôi luôn cảm nhận được một cách rõ rệt rằng “sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau” chính là động lực cho sự phát triển của quan hệ hai nước ngày nay. Tôi tin rằng Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau trong việc xử lý các vấn đề, thực hiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới và quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng được phát triển.

Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần phải thúc đẩy tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước một cách bền chặt trong “Năm hữu nghị Nhật-Việt” và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tôi mong rằng năm nay sẽ là năm khởi đầu cho một trang lịch sử mới của Việt Nam. Tôi cũng rất vinh dự và vui mừng khi được cùng các bạn đón chào một năm lịch sử đầy ý nghĩa này tại Hà Nội.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thạch Huệ