|
Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Cô đỡ thôn bản là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục tập quán, vì vậy họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.
Hiện, nước ta có 2.611 cô đỡ thôn bản đang hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn cần có cô đỡ thôn bản. Chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn của Bộ Y tế là một giải pháp tạm thời nhưng đang phát huy hiệu quả trong thời điểm hiện tại khi giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số gỡ bỏ rào cản về địa lý, văn hoá, và tài chính khiến họ không thể tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sơ sinh.
Ông Stefano Manervisi, Tổng Giám đốc Tổng bộ cơ quan hợp tác phát triển của Liên minh Châu Âu cho biết, hợp tác hiệu quả giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực y tế rất đáng khích lệ.
"Chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam đã thực hiện thành công việc giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi từ 51 vào năm 1990 xuống còn 24 vào năm 2013, và giảm tử vong bà mẹ từ 140 vào năm 1990 xuống chỉ còn 49 (trong 100.000 ca sinh sống) vào năm 2013. Xu hướng giảm này tiếp tục được duy trì vào những năm 2013-2015. Hỗ trợ của EU tập trung cho các tỉnh nghèo, bởi những địa phương này có các chỉ số liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn thấp so với các khu vực phát triển hơn".
Trong giai đoạn 2015-2017, cùng với sự hỗ trợ của EU, tỉ lệ các ca sinh do các cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tăng lên nhiều, cùng với đó là tử vong trẻ sơ sinh giảm ở tất cả 10 tỉnh trên cả nước.
Tại buổi gặp mặt của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các cô đỡ thôn bản tiêu biểu ngày 28/2, Phó Chủ tịch nước ghi nhận sự đóng góp của các cô đỡ thôn bản và nhấn mạnh, các cô đỡ thôn bản chính là những cánh tay nối dài của ngành y tế, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với đồng bào dân tộc thiểu số, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào…
Phó Chủ tích nước đề nghị ngành y tế cần phối hợp các bộ, ngành, chính quyền và cấp ủy các địa phương nghiên cứu, đề xuất các chính sách để duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2014, Phái đoàn Liên minh châu Âu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế giai đoạn 2, hướng tới công bằng và chất lượng của dịch vụ y tế tại Việt Nam với nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp 100 triệu Euro. Đây được coi là hỗ trợ lớn nhất của EU cho ngành y tế tại Châu Á.
Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế nhằm giúp xóa bỏ đói nghèo bền vững và duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam, tập trung vào 10 tỉnh nghèo nhất Việt Nam: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, và Đắk Nông.
Thuý Hà