Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu - Ảnh: TTXVN
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP. Hà Nội và tỉnh Điện Biên.
Từng bước khẳng định vị trí mới trên bản đồ phát triển
Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho biết, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới cực Tây Bắc Tổ quốc. Tỉnh hiện có 45 đơn vị xã, phường với 1.446 thôn, bản, tổ dân phố, có 19 dân tộc cùng sinh sống.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Kinh tế duy trì tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng: Tổng sản phẩm GRDP năm 2025 ước đạt 17.970 tỷ đồng. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, đô thị, dịch vụ được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có tiến bộ rõ nét. Chất lượng công tác y tế được nâng lên, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98%. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2025 còn 17,66%, giảm bình quân 3,97%/năm. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được mở rộng, hiệu quả.
Kết quả thực hiện việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025 đến nay, các nhiệm vụ cơ bản thông suốt, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và của tỉnh. Tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định, phấn khởi. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không phát sinh các tình huống phức tạp gây mất ổn định.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc - Ảnh: TTXVN
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến trao đổi, phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đặc thù, từ vị trí địa lý xa trung tâm, địa hình chia cắt, hạ tầng còn hạn chế, nguồn lực phát triển chưa dồi dào, nhưng Điện Biên đã không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị trí mới trên bản đồ phát triển của cả nước.
Ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì đổi mới và cống hiến không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Tổng Bí thư khẳng định, những kết quả đạt được vừa qua, là tiền đề vững chắc để tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới, với tâm thế tự tin hơn, quyết liệt hơn, xứng đáng với vị trí lịch sử đặc biệt của mình trong quá khứ và hiện tại.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư lưu ý, cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế như: Nội lực của nền kinh tế Điện Biên vẫn còn yếu. Mức thu ngân sách của tỉnh tuy có tăng nhưng còn thấp so với nhu cầu phát triển, còn phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của ngân sách trung ương. Hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông liên vùng, logistics, năng lượng và đô thị, vẫn là điểm nghẽn lớn.
Điện Biên chưa có kết nối trực tiếp với các hành lang kinh tế trọng điểm của quốc gia và khu vực. Đời sống một bộ phận đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Nếu không nhận diện đúng những điểm nghẽn này, không có giải pháp đột phá và không nâng cao được năng lực tổ chức thực thi, thì Điện Biên sẽ khó tạo được bứt phá, dù tiềm năng và chính sách ưu tiên là rất rõ ràng.
Tổng Bí thư chia sẻ, nhớ lại 71 năm trước, cũng chính trên mảnh đất này, cha ông ta đã làm nên một kỳ tích lịch sử, viết nên một trang sử vàng của dân tộc. Hôm nay, dù nhiệm vụ mới có khó khăn, thách thức, nhưng sao khó bằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Bởi vậy, tinh thần “Điện Biên Phủ” phải tiếp tục được thắp lên trong thời bình như một mệnh lệnh phát triển, một mệnh lệnh không ai khác, chính Điện Biên phải tự đặt ra và tự thực hiện cho mình trong thời đại mới.
Tổng Bí thư chỉ rõ, đối với Điện Biên, dù không thuộc diện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đây chính là thời điểm thuận lợi để Điện Biên tái cơ cấu toàn diện, cả về tổ chức bộ máy và chiến lược phát triển, mô hình vận hành, cách tiếp cận quản trị. Từ tư duy quản lý hành chính đơn thuần, phải chuyển mạnh sang tư duy nhà nước kiến tạo phát triển, với bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn và lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp, cải cách chế độ công vụ, công chức cần được đặt trong một tổng thể thống nhất để khơi thông nguồn lực, kích hoạt động năng nội tại và thích ứng hiệu quả với yêu cầu phát triển ngày càng cao cùng cả nước và xu thế phát triển chung.
Tổng Bí thư chỉ rõ, đối với Điện Biên, dù không thuộc diện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đây chính là thời điểm thuận lợi để Điện Biên tái cơ cấu toàn diện - Ảnh: TTXVN
Trở thành điểm sáng về ý chí vươn lên, cải cách, sáng tạo và phát triển
Tổng Bí thư nêu vấn đề, Điện Biên có biến được tiềm năng thành lợi thế thực chất không? Có chuyển được sự quan tâm của Trung ương thành động lực nội sinh không? Có biến được truyền thống thành động lực phát triển mới không? Câu trả lời nằm ở chỗ: tỉnh có tiếp tục dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm cho kết quả phát triển của Điện Biên trong giai đoạn mới hay không.
Về một số định hướng lớn trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tiếp tục rà soát, bổ sung những định hướng mới, những chủ trương lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Tổng Bí thư gợi mở, tỉnh cần quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2025 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điện Biên cần coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng; đưa nông nghiệp từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa có truy xuất nguồn gốc và khả năng xuất khẩu; tăng cường kết nối vùng, hội nhập quốc tế, khai thác tốt tiềm năng biên giới, kinh tế cửa khẩu, du lịch quốc tế…
Tổng Bí thư yêu cầu, cần tập trung phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng sống và bảo tồn bản sắc dân tộc; tiếp tục ưu tiên đầu tư y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, chăm lo người có công và đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, mở rộng tiếp cận văn hóa, thông tin hiện đại đến từng bản làng.
Tỉnh cần triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước tới đồng bào các dân tộc, bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh biên giới, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Tổng Bí thư tin tưởng, Điện Biên sẽ không bằng lòng với vai trò là nhân chứng lịch sử mà sẽ trở thành điểm sáng về ý chí vươn lên, về cải cách, sáng tạo và phát triển. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi người dân Điện Biên hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ hãy tiếp nối di sản cha ông bằng những việc làm cụ thể, những bước đi mạnh mẽ, bằng lòng tin vững chắc vào tương lai của chính mảnh đất mình đang sống và cống hiến. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một Điện Biên biết mơ lớn và dám hành động lớn.
Theo TTXVN