Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dấu ấn cách mạng:
Năm 1925, Đặng Xuân Khu tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Năm 1926, Đặng Xuân Khu là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh ở Nam Định. Sau cuộc bãi khóa này, Đặng Xuân Khu bị nhà trường thực dân đuổi học. Đồng chí lên Hà Nội học ở trường Cao đẳng Thương mại.
Năm 1927, Đặng Xuân Khu gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Qua các đợt học tập và huấn luyện, nghiên cứu “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, các tác phẩm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ người yêu nước chân chính, đồng chí đã trở thành người cộng sản.
Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ.
Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La.
Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân ta đòi quyền tự do, dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được thả tự do.
Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp tại Hà Nội, là đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí chuyển vào hoạt động bí mật.
Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo “Giải phóng”, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (11-1940), đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1941, tại Pác Bó, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh gặp nhau. Đó là sự gặp gỡ của hai con người có cùng quan điểm về nhiệm vụ, đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941), với tư duy độc lập, tự chủ trong quá trình chỉ đạo cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh đã dự báo đúng thời cơ cách mạng của nước ta, chỉ rõ lực lượng và động lực cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị về mọi mặt để tiến tới tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Quyết định đó đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên huấn, kiêm Chủ bút tờ báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản - cơ quan Trung ương của Đảng, đồng thời đảm nhiệm Trưởng Ban Công vận Trung ương.
Từ năm 1942, đồng chí đã chủ trương dựa vào nhân dân, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các an toàn khu (ATK) từ Hà Nội lên Bắc Giang, qua Thái Nguyên, đến Cao Bằng, Lạng Sơn. Những hoạt động của đồng chí Trường Chinh cùng với những bài báo dưới những bút danh khác nhau trên báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản đã kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng. Vì vậy, năm 1943, Tòa án binh của thực dân Pháp ở Hà Nội đã kết án tử hình vắng mặt đồng chí.
Tháng 2-1943, khi Hồng quân Liên Xô đã giành thắng lợi ở Xtalingrat và bắt đầu chuyển sang tiến công, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập Hội nghị Võng La (một địa điểm thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Hội nghị đưa ra những quyết định quan trọng, nhanh chóng phát triển lực lượng, đón thời cơ, đưa sự nghiệp cách mạng phát triển những bước nhảy vọt.
Tháng 9-1944, với nhạy cảm chính trị, Trường Chinh đã viết bài “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ” khẳng định cuộc xung đột Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy xa.
Đêm 9-3-1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương đã nhận định: phát xít Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương… Nội dung của Hội nghị được trình bày trong chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo ngày 12-3-1945.
Từ 13 đến 20-4-1945, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Quyết đinh đặt nhiệm vụ quân sự lên trên hết, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, kiện toàn và mở rộng các chiến khu, thành lập Ủy ban quân sự Bắc Kỳ.
Trong giai đoạn chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. 11 giờ đêm ngày 13-8-1945, Ủy ban đã hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Chỉ hơn 10 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trong cả nước.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí trở về Hà Nội, sát cánh bên Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước giữ gìn và bảo vệ chính quyền cách mạng trong tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã viết một loạt bài đăng trên các báo Sự thật và Tạp chí sinh hoạt nội bộ, sau tập hợp thành tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Tại Đại hội II của Đảng (2-1951), đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam. Đại hội này đã xác định tên gọi của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Đồng chí Trường Chinh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến tháng 10 năm 1956.
Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước.
Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.
Năm 1976, tại Đại hội lần IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ở Đại hội này, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và Trưởng ban Lý luận Trung ương.
Năm 1976, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa VII. Từ khóa II đến khóa VI, đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là Ủy viên Bộ Chính trị.
Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 12-1986, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 30-9-1988, đồng chí đã từ trần tại Hà Nội.